Thứ 2, 20/05/2024, 19:01[GMT+7]

Chủ động phòng, chống cúm gia cầm A/H5N8

Thứ 6, 16/07/2021 | 08:49:07
998 lượt xem
Cúm gia cầm thể độc lực cao A/H5N8 đã xuất hiện tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh. Với tính chất phức tạp của loại cúm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng như người chăn nuôi trong tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ đàn vật nuôi.

Để bảo vệ đàn gà, ông Nguyễn Văn Năng, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi.

Trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Đạo, thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) duy trì nuôi trên 6.000 gà bố mẹ phục vụ ấp nở, cung cấp con giống cho người chăn nuôi trong vùng. Trước thông tin cúm gia cầm A/H5N8 xuất hiện tại Việt Nam, ông Đạo đã tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống dịch. Ông cho biết: Khác với gà thương phẩm, gà bố mẹ thời gian nuôi dài nên tôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ tất cả các loại vắc-xin phòng bệnh cho gà theo khuyến cáo của ngành chức năng. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cùng với việc tổ chức tiêu độc, khử trùng theo quy định, tôi hạn chế người ra vào trang trại.

Đối với ông Nguyễn Văn Năng, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình), để bảo vệ an toàn cho 7.000 con gà, ông tiến hành phun khử trùng tại đầu cấp gió ở mỗi chuồng nuôi 3 lần/ngày, thường xuyên kiểm tra theo dõi vật nuôi, rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi. Ông Năng cho biết: Trước thông tin cúm gia cầm A/H5N8 xuất hiện tại Việt Nam, tôi cũng như những hộ chăn nuôi khác rất lo lắng. Để phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm, tôi xác định biện pháp phòng bệnh từ xa là hiệu quả và đỡ tốn kém nhất, phòng tránh dịch bệnh càng tốt thì hiệu quả chăn nuôi càng cao.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 6 đến nay, chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8 được phát hiện tại 3 tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh và chưa rõ nguồn lây. Đây là lần đầu tiên cúm gia cầm A/H5N8 được ghi nhận tại Việt Nam, chủng vi rút này có độc lực cao và tốc độ lây lan nhanh. Vi rút cúm A/H5N8 được phát hiện từ gia cầm được chăn thả trên khu vực rộng, đặc biệt được phát hiện từ giám sát chủ động tại chợ buôn bán gia cầm, nơi việc giết mổ, buôn bán gia cầm diễn ra thường xuyên, điều kiện thú y không bảo đảm nên việc truy xuất gia cầm mắc bệnh để tiêu hủy gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động giao thông buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới nguy cơ cao cúm gia cầm A/H5N8 lây lan trên diện rộng.

Tại Thái Bình, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại, gia trại chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm. Tuy số lượng đàn trong những tháng gần đây có phần chững lại do nhiều nguyên nhân nhưng tổng đàn gia cầm hiện tại vẫn ở mức cao, đạt gần 14 triệu con. 

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để phòng, tránh dịch bệnh cho đàn gia cầm, Chi cục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của chủng vi rút cúm A/H5N8; hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia cầm; chỉ mua gia cầm giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chuyên môn... Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định chủng vi rút gây bệnh nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả, không để dịch lây lan diện rộng.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới, mức độ nguy hiểm của chủng cúm A/H5N8 không chỉ làm chết gia cầm mà còn có thể lây lan sang người mà không để lại triệu chứng. Mặc dù cúm A/H5N8 chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng việc siết chặt công tác phòng dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp ưu tiên thực hiện để bảo vệ đàn gia cầm trong thời điểm này.

Để phòng, tránh dịch bệnh cho đàn gia cầm, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nuôi.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày