Thứ 3, 21/05/2024, 03:18[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng

Thứ 5, 28/10/2021 | 15:05:53
5,780 lượt xem
Sáng ngày 28/10, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về các nội dung: tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 11 năm 2021; đề án phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025; đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2022; dự thảo quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình; việc ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đơn giá thuê đất, thuê mặt nước khi nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình ban hành kèm theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Video: 2810-ubnd_tinh.mp4

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và huyện, thành phố.

10 tháng năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản duy trì ổn định. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 85% diện tích lúa mùa, gieo trồng cây vụ đông đạt 48% kế hoạch đề ra. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được giám sát chặt chẽ; việc kiểm soát và xử lý các ổ dịch bảo đảm theo quy định, kịp thời khống chế và xử lý dịch tả lợn châu Phi tái phát tại 3 hộ chăn nuôi. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tiếp tục được tăng cường. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đang từng bước phục hồi với giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng ước đạt 62.891 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Công tác lập quy hoạch tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện; hoạt động thương mại dịch vụ cơ bản ổn định, thị trường hàng hóa dần được “khơi thông” với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước đạt 40.903 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động tín dụng ngân hàng được duy trì ổn định. Công tác quản lý tài chính và thu, chi ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được kết quả tích cực. Đến hết tháng 10/2021, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 16.945 tỷ đồng, đạt 115,7% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa ước đạt gần 7.462 tỷ đồng, đạt 109,6% dự toán, thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 1.494 tỷ đồng, đạt 135,9% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.367 tỷ đồng, đạt 85% dự toán. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cơ bản được bảo đảm; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân vừa bảo đảm quy định trong công tác phòng, chống dịch. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Đối với đề án phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng với mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 thành lập mới 5.000 doanh nghiệp, tạo việc làm mới cho 34.500 lao động trở lên/năm, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh đến năm 2025 chiếm khoảng 85%. Về đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2022, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi của thời tiết nên cần tập trung sử dụng giống lúa ngắn ngày là chủ lực, tăng cường áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai ngay từ đầu vụ, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, liên kết bao tiêu sản phẩm…; phấn đấu đạt 75.500ha lúa xuân, 15.000ha cây màu xuân trở lên, 11.000ha cây màu hè trở lên, duy trì 7 mô hình gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo hiện có, đồng thời nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh, phấn đấu có thêm 16 mô hình tại các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đại biểu dự cuộc họp.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các công việc được các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, từ đó đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm đến nay, đó là từ thành quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong một bộ phận dân cư, địa phương, doanh nghiệp; một số nhiệm vụ đã có chủ trương, có kết luận nhưng tiến độ thực hiện còn chậm; sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các ngành còn chưa chủ động, chưa linh hoạt.

Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021 đã đề ra, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới đó là: tiếp tục coi công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời các nguồn lây, đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19, tập trung hơn nữa trong công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để sẵn sàng với tình huống dịch phát sinh trên địa bàn; ngành Nông nghiệp phát động phong trào trồng cây vụ đông ưa lạnh, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời chế độ cho người nhiễm chất độc da cam; có phương án phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm hiệu quả trong các nhà trường; tiếp tục duy trì nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan hành chính; tổ chức kỳ thi tuyển công chức năm 2021 bảo đảm tuyệt đối an toàn, nghiêm túc, đúng pháp luật.

Đối với đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2022, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền nhằm thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đặc biệt là cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, tham mưu tổ chức hội nghị sơ kết 7 mô hình gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cơ chế hỗ trợ tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ máy cấy và cơ chế hỗ trợ máy sấy sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất xây dựng đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính sớm xây dựng đề án làm cơ sở để thực hiện; thống nhất ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giao Sở Công Thương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp trong đó có bổ sung, làm rõ thêm về quy chế phối hợp giữa các ngành trên một số nội dung cụ thể; đồng thời, thống nhất ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đơn giá thuê đất, thuê mặt nước khi nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình ban hành kèm theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh.

Tin: Minh Hương
Ảnh: Thành Tâm