Thứ 4, 15/05/2024, 23:38[GMT+7]

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa: Từ phong trào đến thực tiễn

Thứ 2, 29/04/2024 | 15:02:07
9,803 lượt xem
Qua hơn 2 thập kỷ triển khai, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với 5 nội dung và 7 phong trào đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ ở mọi cộng đồng dân cư. Chất lượng, hiệu quả của phong trào không ngừng được nâng cao qua các thời kỳ đã góp phần thiết thực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) là một trong những địa phương được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thí điểm xây dựng mô hình “Khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”.

Chú trọng hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở

Một trong những nội dung quan trọng của phong trào là xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở. Năm 2023, tiếp tục thực hiện Quyết định số 3075/QĐ-UBND, ngày 9/12/2021 của UBND tỉnh phê duyệt đề án hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hỗ trợ, lắp đặt trang thiết bị văn hóa, thể thao phục vụ hoạt động tại 96 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thực hiện đề án năm 2022 và 183 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thực hiện đề án năm 2023. Bên cạnh đó, ban chủ nhiệm của tất cả các nhà văn hóa, khu thể thao, hạt nhân các đội, nhóm, CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh đều đã được tham gia tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Sau 3 năm thực hiện đề án, kinh phí UBND tỉnh đã cấp 27 tỷ đồng cho 327 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố. Ngoài nguồn kinh phí được UBND tỉnh hỗ trợ, các địa phương trong quá trình hoàn thiện nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố đã chủ động bố trí kinh phí và tích cực huy động nhân dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng, mua sắm trang thiết bị, tổ chức, duy trì hoạt động văn hóa, thể thao với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trở thành điều kiện thuận lợi huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 3.000 CLB văn hóa văn nghệ với trên 60 loại hình khác nhau. Các địa phương quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đặc biệt đối với hoạt động văn nghệ quần chúng góp phần tích cực bảo tồn, phát huy nhiều loại hình trình diễn dân gian như hát chèo, hát văn, múa rối nước, múa rồng...

Các câu lạc bộ chèo quần chúng đóng vai trò tích cực trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thái Thụy chia sẻ: Điểm nổi bật trong công tác xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố ở Thái Thụy là việc huy động các nguồn xã hội hóa. Trong 3 năm, tổng số kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố là 66 tỷ đồng, kinh phí xã hội hóa là gần 41 tỷ đồng, như vậy nguồn xã hội hóa chiếm trên 65% tổng kinh phí xây dựng. Song song với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiệu quả các hoạt động diễn ra tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Sau 3 năm, toàn huyện Thái Thụy đã phát triển thêm 156 CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên.

Ông Trần Xuân Nhân, Trưởng thôn Tân Dương, xã Thái Hưng (Hưng Hà) cho biết: Cùng với việc xây dựng thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ ngày càng diễn ra sôi nổi, thu hút đông các tầng lớp nhân dân tham gia. Thôn đã thành lập và duy trì hiệu quả một số CLB như: bóng chuyền hơi, dưỡng sinh, dân vũ, đặc biệt CLB hát chèo do hội phụ nữ thôn đảm nhiệm hoạt động nền nếp. Từ nguồn lực xã hội hóa, các CLB ngày thêm phát triển, có nhiều hoạt động giao lưu nhân lễ hội truyền thống, ngày hội đại đoàn kết toàn dân... Mong sao các thôn, làng đều xây dựng và duy trì tốt hoạt động của CLB văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Chất lượng, hiệu quả của hoạt động văn nghệ, thể thao cơ sở đã góp phần tích cực nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố, khu phố văn hóa. Từ đây, năm 2023 toàn tỉnh có 91,8% số thôn, tổ dân phố, khu phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Đặc biệt, có những khu dân cư nhiều năm liền giữ vững danh hiệu này như thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư); thôn Trung Lịch Động, xã Đông Các (Đông Hưng), thôn Đồng Thịnh, xã Thái Thịnh (Thái Thụy); thôn Lộc Ninh, xã Nam Hưng (Tiền Hải)... Qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hóa, nhân dân thêm ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, góp phần gìn giữ an ninh trật tự địa phương.

Là một trong những địa phương của huyện Kiến Xương nhiều năm liền đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, thôn Thái Hòa, xã Bình Định có nhiều cách làm hay và sáng tạo. Ông Nguyễn Văn Mấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào phải có sự đoàn kết, thống nhất, phát huy tính dân chủ trong chi bộ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Nội dung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được thông tin kịp thời tới người dân thông qua hệ thống truyền thanh, các tổ chức đoàn thể, tổ dân cư... Thực tiễn trên địa bàn thôn nhiều năm qua đã chứng minh, việc gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng đời sống văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội đã làm cho các hoạt động văn hóa được triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, đối với các tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, gây dựng, duy trì hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn thôn, ban công tác mặt trận thôn đều đề nghị UBND xã biểu dương kịp thời, lan tỏa trong nhân dân. Qua đó, không chỉ phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa xã, thôn mà còn gây dựng niềm tin trong nhân dân, tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ hoạt động tại thiết chế văn hóa.

Mỗi khu dân cư một cách làm linh hoạt và phù hợp với thực tế của địa phương mình nhưng tựu trung đều đã huy động sự tham gia, vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân đối với từng hoạt động tập thể. Từ đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh; đồng thời, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ và phát huy... góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thái Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước.

Người dân gìn giữ nét đặc sắc trong lễ hội truyền thống của địa phương.

Tú Anh