Thứ 2, 20/05/2024, 15:41[GMT+7]

Bài học rút ra từ vụ việc ở Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải

Thứ 5, 21/06/2012 | 16:25:18
2,715 lượt xem
Vụ việc xảy ra ở Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải đã thu hút sự chú ý của dư luận và nhân dân trong tỉnh. Báo Thái Bình đã có loạt bài viết về vấn đề này. Để rộng đường dư luận chúng tôi xin được rút ra một số bài học từ vụ việc ở Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải (Thái Thụy).

Tại anh, tại ả, tại cả đôi đường

Nhà máy Bột cá của Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải được thành lập theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 14 ngày 22-5- 2003 của UBND tỉnh. Vốn pháp định của nhà máy: 36,6 tỷ đồng, diện tích đất được sử dụng là 18.768 m2, đặt tại cảng cá Tân Sơn, thuộc khu vực liền kề thôn Quang Lang Đông và Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải. Nhà máy có hai dây chuyền sản xuất với công suất 200 tấn cá/ngày, mỗi năm thu mua nguyên liệu cá tươi cho sản xuất đạt trung bình 20.000 tấn/năm. Năm 2004, Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải chính thức đi vào hoạt động, đã thu mua một lượng cá lớn: 70 tấn/ngày, giải quyết việc làm cho trên 40 lao động trực tiếp của nhà máy và khoảng 800 lao động gián tiếp: thu mua, khai thác, vận chuyển, dịch vụ… Đặc biệt giá thu mua cá tăng cao, các tàu khai thác và thu mua có lãi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung và nghề khai thác nói riêng, thu hút được một nguồn lao động lớn của các xã lân cận như: Thụy Xuân, thị trấn Diêm Điền và nhiều địa phương khác; tăng thu ngân sách địa phương, hàng năm nộp thuế cho tỉnh 3-4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhà máy đi vào hoạt động, trong quá trình vận hành sản xuất dây chuyền một đã có vấn đề ô nhiễm môi trường. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân đã có nhiều kiến nghị, thể hiện trong các biên bản làm việc ngày 2-6 và 6-6-2005. UBND huyện, Công an tỉnh đã cử các đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty có biện pháp khắc phục, xử lý, cải tiến công nghệ… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tháng 12-2007, công ty đã bố trí kinh phí khắc phục những tồn tại về khí thải, nước thải đó là thái độ tích cực và thật sự cầu thị. Song việc khắc phục chưa triệt để nên cử tri và nhân dân tiếp tục có kiến nghị. Ngày 5-8-2008, UBND xã Thụy Hải có tờ trình số 16/TT-UBND về việc giải quyết vệ sinh môi trường tại Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải gửi các cấp, các ngành. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra và ngày 16-10-2008 đã công bố kết luận thanh tra: Các mẫu phân tích nước thải, khí thải lấy ngày 22-3 và 11-4-2008, các thông số nước thải dao động trong khoảng TCVN quy định với hệ số K là 0,8. Kết luận của đoàn thanh tra là: Tiếp tục giải quyết theo kiến nghị của nhân dân, khi nhà máy hoạt động có ý kiến là ảnh hưởng có mùi hôi sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát tại nhà máy và khu vực xung quanh để có kết luận.

Đến đầu năm 2010, nhất là khi nhà máy đưa dây chuyền 2 vào hoạt động nâng thêm công suất lên gần 200 tấn/ngày. Có những thời điểm nhà máy xả thải ra mùi đặc trưng gây khó chịu cho nhân dân địa phương ở khu vực xung quanh. Nhân dân Thụy Hải tiếp tục có ý kiến gửi các cấp và yêu cầu nhà máy có biện pháp khắc phục. Cuối năm 2010, nhà máy đã đầu tư nâng cấp thiết bị công nghiệp xử lý mùi, chất lượng xả thải đã được cải thiện một bước.

Ngày 2-8-2011, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiển tra nhà máy và khu vực cảng cá Tân Sơn xác định: Cơ bản nhà máy bột cá đã xử lý được mùi thải khó chịu. Nhà máy tiếp tục cam kết đến ngày 30-8-2011, sẽ xử lý giảm đến mức tối đa theo quy trình. Nhưng đến ngày 8.8.2011, một bộ phận nhân dân vẫn không đồng tình với những biện pháp khắc phục của nhà máy đã huy động hàng trăm người, chủ yếu là người già và phụ nữ ở thôn Quang Lang Đông và Quang Lang Đoài (Thụy Hải) do một số người dẫn đầu đã tập trung tại cổng Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải lấy lý do nhà máy gây ô nhiễm môi trường nước, không khí ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân… đã dùng gạch vỡ, xi măng, cát, đá đắp thành bờ ngăn hai cổng không cho xe và phương tiện chở cá từ cảng vào nhà máy, đồng thời cử người túc trực ngày đêm trông coi suốt gần một năm nay.

Trong tháng 4-2012, do bị đóng cửa, không sản xuất được, kinh doanh thua lỗ, người lao động không có việc làm, đời sống khó khăn… Đã hai lần nhà máy huy động lực lượng tổ chức tháo gỡ bờ ngăn nhưng bị nhóm chống đối ngăn cản quyết liệt… tình hình an ninh trật tự nóng lên từng ngày và diễn biến phức tạp. Ngày 25-5-2012, tỉnh, huyện và các ngành cùng với chính quyền xã Thụy Hải tổ chức hội nghị đối thoại với toàn thể công dân xã Thụy Hải. Trong khi các kiến nghị đang chờ được giải quyết tại cuộc đối thoại… thì nhóm chống đối càng biểu hiện thái độ quyết liệt hơn, tiếp tục cử người trông coi trước cổng nhà máy; huy động tiền, tụ tập bàn biện pháp đi khiếu kiện vượt cấp với mục tiêu quyết tâm di chuyển nhà máy đi nơi khác.

Sự việc xảy ra như nêu ở trên theo chúng tôi là “tại anh, tại ả, tại cả đôi đường”. Trước hết là tại nhà máy đã không sớm nhận thức ra vấn đề: Khi đầu tư cơ sở sản xuất, phải quan tâm khâu quan trọng nhất là xử lý môi trường. Đến lúc có dấu hiệu không bình thường (cử tri kiến nghị) lại không tích cực có các giải pháp khắc phục kịp thời, để đến khi “tích tiểu thành đại”, “nước đến chân mới nhẩy” thì đã không kịp nữa. Có trách nhiệm của cấp trên về kiểm tra, nhưng không có biện pháp kiên quyết như: yêu cầu nhà máy ngừng sản xuất để xử lý môi trường. Bao giờ xử lý được môi trường mới tiếp tục sản xuất. Điều này đã được đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thiếu sót và trách nhiệm tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 7-6-2012. Tại nữa là cấp ủy, chính quyền xã Thụy Hải và hệ thống chính trị chưa thực sự vào cuộc để lãnh đạo chỉ đạo nhân dân giải quyết ổn định tình hình; vai trò của một bộ phận cán bộ, đảng viên hạn chế, lực lượng công an xã bộc lộ sự yếu, kém về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm dẫn đến chưa chủ động tham mưu đề xuất giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự. Công tác xử lý răn đe đối tượng cầm đầu, quá khích hiệu lực, hiệu quả không cao, gây khó khăn cho công tác vận động tuyên truyền, thuyết phục. Những người dân đưa vật liệu ra xây bờ chắn trước cổng nhà máy là hành vi trái pháp luật. Việc nhà máy gây ô nhiễm tạo ra bức xúc, nhưng phải có biện pháp kiến nghị trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Một số quá khích còn hủy hoại tài sản công dân và công trình văn hóa, phải được nghiêm trị theo đúng pháp luật, để giữ vững kỷ cương.

Giải pháp để tìm lối ra cho nhà máy và ổn định tình hình 
Khi bàn về các giải pháp xử lý vấn đề của Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải, đa số ý kiến đồng tình quan điểm: Phải giải quyết tận gốc. Vậy “tận gốc” ở đây là thế nào? Trong 4 giải pháp của UBND huyện Thái Thụy được đề cập trong báo cáo số 45 ngày 6-6-2012 thì “cái gốc” ấy lại nằm ở phần d “Chỉ đạo đối với Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải” như thế chỉ đúng mà chưa thật sự căn cơ bền vững. 6 nội dung đặt ra thuộc trách nhiệm của nhà máy được nêu rất rõ ràng. Nếu làm đúng như thế, thì tình hình an ninh trật tự ở khu vực này sẽ ổn định hơn và cũng tìm được lối ra cho nhà máy. Đó là, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1103/QĐ- UBND tỉnh ngày 23-5-2012 về việc chấm dứt hiệu lực pháp lý, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 12.12.2007 cho dự án đầu tư dây chuyền 2 Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải. Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân và giải quyết được tình thế hiện tại.

Tuy nhiên, để nhà máy không ảnh hưởng sản xuất và thực hiện được mục tiêu đầu tư, yêu cầu đặt ra cho các ngành của tỉnh là: Hoàn thiện các thủ tục pháp lý thực hiện chủ trương đầu tư chuyển dây chuyền 2 Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải đến vị trí mới theo Công văn số 1077/UBND-TM ngày 23-5-2012 của UBND tỉnh. Sở Xây dựng đã hoàn thành quy hoạch thiết kế và thủ tục bổ sung quy hoạch mới ở địa điểm mới để nhà máy nhanh chóng đầu tư xây dựng dây chuyền 2. Để các cơ quan chức năng có cơ sở đánh giá các thông số kỹ thuật về môi trường của dây chuyền 1, bà con Thụy Hải cần có sự hợp tác tháo gỡ bờ ngăn trước cổng để việc vận hành dây chuyền 1 theo đúng kế hoạch, như: Trong 8 ngày, công ty thực hiện thu dọn vệ sinh, xây dựng đường ống thoát nước phía trước cổng nhà máy. Vận hành không tải các thiết bị, máy móc để sửa chữa, hiệu chỉnh, đồng thời thông báo cho ngư dân chuẩn bị nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thử. Trong hai tháng vận hành sản xuất dây chuyền 1, từ khâu nhận nguyên liệu sản xuất đến vận hành sản xuất chế biến; lấy mẫu chất thải (nước thải, khí thải) để quan trắc, phân tích chất lượng chất thải làm cơ sở đánh giá và kết luận đối với hoạt động của dây chuyền 1; tần suất giám sát ba đợt trong một tháng.

Cùng với giải quyết vấn đề của nhà máy chế biến bột cá, UBND xã Thụy Hải tiến hành tổng kiểm tra các hộ sản xuất chế biến thủy hải sản; phát động nhân dân khơi thông cống rãnh, tổng vệ sinh môi trường, không để có sự cộng hưởng môi trường làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Thành lập tổ giám sát cộng đồng, gồm những người có hiểu biết, kiến thức và kinh nghiệm về môi trường tham gia để thực hiện việc giám sát môi trường khu vực làng nghề, các doanh nghiệp, trong đó có Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải. Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND xã Thụy Hải triển khai quy hoạch, lập dự án kinh tế- kỹ thuật đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải của xã, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND huyện đôn đốc kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện quy hoạch bãi rác, khu xử lý nước thải; kiểm tra các cơ sở chế biến, quy hoạch làng nghề, lập dự án đánh giá tác động môi trường. Chỉ đạo Trung tâm phát triển cụm công nghiệp tổ chức triển khai thực hiện đề án quản lý cảng cá; chấn chỉnh công tác vệ sinh môi trường, vận hành hệ thống điện lưới, dịch vụ, cung cấp nước sạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Trước mắt, lập dự toán xây dựng hệ thống tường bao, trạm bảo vệ của Ban quản lý cảng cá; hệ thống điện, nạo vét luồng ra, vào trình cấp trên hỗ trợ kinh phí.

Nhóm giải pháp về tuyên truyền vận động tuy đã muộn, nhưng vẫn đặt ra yêu cầu cấp bách để làm bài học kinh nghiệm. Đồng thời, trên cơ sở đó chấn chỉnh những mặt yếu kém, đặc biệt là vai trò của tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương. Nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, phân hóa đối tượng, không để đối tượng xấu kích động, lôi kéo tạo áp lực với cấp trên. Xây dựng kế hoạch phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Phát động rộng rãi quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác, phát giác các hành vi vi phạm của các đối tượng trên địa bàn. Tiếp tục gọi hỏi, giáo dục, cảm hóa các đối tượng cầm đầu, cố chấp… làm rõ các vi phạm pháp luật, xử lý công khai, nghiêm minh. Thông qua vụ việc này cần nắm bắt tình hình, rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ thật khách quan, trung thực để có giải pháp đúng về công tác cán bộ.

Chúng ta đang thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế tiềm năng đất đai, lao động… Ở các huyện ven biển, việc khuyến  khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến hải sản là phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chính ngư dân. Cơ chế thị trường tất yếu có cạnh tranh, nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh. Việc xây dựng Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải là hướng đầu tư đúng, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương với bà con làm nghề khai thác nguồn lợi từ biển. Trước khi có nhà máy, giá một kg cá chỉ 1000 đồng, nhà máy đi vào hoạt động giá thu mua đã tăng lên gấp 3- 4 lần. Rõ ràng là người dân có lợi. Ngân sách nhà nước có thu từ 3- 4 tỷ đồng/năm- là nguồn vốn quan trọng để các công trình phúc lợi, an sinh xã hội như: bệnh xá, trường học, nhà văn hóa… Cốt lõi của vấn đề ô nhiễm môi trường từ Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải, một phần tư “Mùi đặc trưng”. Nhưng ở đây có sự cạnh tranh không lành mạnh của một vài cơ sở chế biến trên địa bàn. Tẩy chay Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải đi nơi khác, họ đạt được mục đích: Độc quyền nguồn nguyên liệu và có cơ hội để ép giá thu mua cá của bà con ngư dân. Đó là “lợi bất, cập hại” mà ngư dân cần tỉnh táo nhìn nhận vấn đề thật khách quan.

Bài học kinh nghiệm từ sự cố ở Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải, nằm ở chính trong tay lãnh đạo nhà máy, là bài học lấy dân làm gốc. Các nhà kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà không tính đến vấn đề xã hội là hết sức sai lầm. Từ khi đứng chân trên đất Thụy Hải nhà máy chưa có sự quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương, không làm tốt công tác nắm tình hình, nên bị động bất ngờ khi sự việc xảy ra và thiếu cả những thông tin cần thiết nên có những quyết định chưa chính xác, làm cho các đối tượng quá khích ỷ vào đó làm căng thẳng thêm tình hình.

Thiết nghĩ, bài học của Nhà máy chế biến Bột cá Thụy Hải cũng là bài học chung cho rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đó là, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phải quan tâm đến vấn đề môi trường và làm tốt công tác tư tưởng, công tác dân vận trong tình hình mới.

Phạm Viết Thanh


  • Từ khóa