Chủ nhật, 12/05/2024, 20:51[GMT+7]

Thành phố: Tăng cường công tác quản lý hoạt động giáo dục

Chủ nhật, 28/04/2024 | 17:06:25
2,281 lượt xem
Những năm qua, thành phố Thái Bình luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Nhờ đó, 6 năm liên tiếp ngành giáo dục thành phố giữ vững đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục toàn tỉnh. Tuy nhiên, cùng với những thành tích đó ngành cũng còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Tiết học vẽ của cô trò Trường Mầm non Sơn Ca- Tiền Phong.

Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với 355 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đại diện cho cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành, nhiều vấn đề về quản lý giáo viên, quản lý học sinh, bạo lực học đường, tình trạng dạy thêm học thêm (DTHT) trái quy định, lạm dụng các hoạt động giáo dục trải nghiệm, kỹ năng sống… đã được Thường trực Tỉnh ủy nêu ra và đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh. 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm về công tác quản lý hoạt động dạy và học trên địa bàn, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động của ngành giáo dục thành phố thời gian qua, một số vấn đề dư luận quan tâm và quán triệt nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. 

Cùng với đó, UBND thành phố thành lập đoàn công tác liên ngành do đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc tại các trường: THCS Lương Thế Vinh, THCS Đông Hòa, Tiểu học Kỳ Bá và Mầm non Sơn Ca - Tiền Phong. Lãnh đạo các nhà trường đã báo cáo tình hình hoạt động giáo dục, những khó khăn về tổ chức bộ máy, biên chế giáo viên, cơ chế, chính sách đãi ngộ giáo viên, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định và theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đại diện các thầy cô giáo đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong công tác giảng dạy.

Học sinh Trường THCS Hoàng Diệu hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu “Thành phố Thái Bình 70 năm xây dựng và phát triển” .

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, năm học 2023 - 2024, nhà trường tiếp tục thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô trường lớp đối với trường trọng điểm. Là trường loại I với trên 1.200 học sinh, 31 lớp, 57 cán bộ, giáo viên: trong đó hệ năng khiếu 21 lớp, tuyển sinh ở các xã, phường trong toàn thành phố và hệ đại trà 10 lớp dành cho học sinh cấp THCS địa bàn phường Trần Hưng Đạo. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia, tạo mỹ quan môi trường sư phạm. Tập thể cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết; học sinh chăm ngoan, có tố chất tốt đã góp phần khẳng định chất lượng giáo dục ở tốp xuất sắc của tỉnh, thành phố. Ngay từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã tăng cường quản lý chặt chẽ việc DTHT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm tra hoạt động DTHT; lập danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm trong nhà trường, xây dựng thời khóa biểu và quản lý chất lượng dạy học thêm trong trường qua phê duyệt sổ theo dõi và kiểm tra chất lượng học sinh định kỳ. Ban kiểm tra của trường thường xuyên kiểm tra đột xuất công tác DTHT trong và ngoài nhà trường. Cùng với đó, nhà trường chú trọng hoạt động dạy tiếng Anh, tiếng Anh tăng cường, dạy kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm của học sinh. 

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Hải, Trường Tiểu học Kỳ Bá, với hơn 30 năm lặng lẽ đưa nhiều thế hệ học trò “sang sông” đã bộc bạch những khó khăn, vất vả của nghề; đồng thời khẳng định, các thầy cô giáo luôn tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc mọi chỉ đạo của ngành, nhất là về đạo đức nhà giáo, về DTHT. 

Phụ huynh Trần Đức Huy, phường Trần Hưng Đạo có 2 con học lớp 2 và lớp 5 chia sẻ: Việc cấm DTHT trái quy định tràn lan, nhất là cấm DTHT đối với học sinh tiểu học đã góp phần giải tỏa áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh. Phụ huynh cũng giảm bớt gánh nặng về kinh tế, thời gian đưa đón con; các cháu có nhiều thời gian để vui chơi, giải trí hơn. Việc chấn chỉnh, thực hiện nghiêm quy định DTHT trên địa bàn thành phố thời gian qua là hết sức cần thiết, được phụ huynh đồng tình ủng hộ, góp phần giúp cho môi trường giáo dục lành mạnh hơn.

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Thị Thu Phương cho biết: Những năm qua, thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Cùng với đó là sự nỗ lực của cán bộ quản lý, sự tận tâm yêu nghề của giáo viên, sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh học sinh đã góp phần đưa giáo dục của thành phố 6 năm liên tiếp dẫn đầu toàn tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và hạn chế mà dư luận đang quan tâm hiện nay, UBND thành phố yêu cầu từ nay đến kết thúc năm học, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, quy chế ngành cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Nghiêm cấm triệt để việc DTHT ngoài nhà trường đối với cấp tiểu học, nếu giáo viên nào cố tình vi phạm việc dạy thêm trực tiếp hoặc dạy hình thức online trực tuyến sẽ xem xét kỷ luật, điều chuyển công tác và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Đối với cấp THCS, giáo viên được dạy thêm nhưng có sự cho phép của hội đồng giáo dục nhà trường, phải công khai, minh bạch về tên giáo viên, địa điểm dạy, có mức thu học thêm theo quy định, số lượng học sinh/lớp vừa phải, bảo đảm chất lượng và có sự kiểm tra thường xuyên, đột xuất của ban giám hiệu nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo. Về vấn đề học tiếng Anh, các trường học từ cấp mầm non, tiểu học đến THCS cần phối hợp với Phòng thường xuyên kiểm tra, dự giờ các tiết học tiếng Anh do người nước ngoài dạy, có định hướng nội dung cụ thể, phù hợp với lứa tuổi học sinh, bảo đảm chất lượng sau các tiết học. Tổ chức rà soát tình trạng người nước ngoài không rõ nguồn gốc, không đủ pháp lý đang hợp đồng với các nhà trường dạy các môn học khác, nhất là môn tiếng Anh. Các trường Tiểu học và THCS cần xem xét việc liên kết với các trung tâm kỹ năng sống để đưa các học liệu giảng dạy môn kỹ năng sống, với giáo án, nội dung cụ thể, thiết thực với lứa tuổi học sinh trong giai đoạn hiện nay để học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức trong đạo đức học đường. Các nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của đơn vị tới tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày