Thứ 3, 23/04/2024, 16:13[GMT+7]

Chợ nông thôn và tình trạng ô nhiễm môi trường

Thứ 3, 26/06/2012 | 15:11:30
5,828 lượt xem
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, hoạt động giao lưu, buôn bán ở các chợ nông thôn ngày càng sầm uất. Cùng với đó, sau mỗi phiên chợ, hàng chục tấn rác, nước thải các loại được thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chưa triệt để khiến môi trường nông thôn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh khu vực chợ.

Rác thải sau mỗi phiên chợ Hới, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ)

Chợ Tò, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân trong xã mà còn thu hút đông đảo bà con từ các xã lân cận đến giao lưu buôn bán. Chợ họp vào tất cả các ngày trong tháng, nhưng có 6 phiên chính (mồng 1, 6, 11, 16, 21, 26). Có mặt tại chợ vào khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi nhận thấy mặc dù chợ được xây dựng kiên cố, song môi trường tại đây đang bị ô nhiễm nặng nề.

Một tiểu thương cho biết: rác thải ở chợ đều được dồn vào khu tập kết rác của chợ và để đấy từ phiên này sang phiên khác. Sau khi dự án Lifsap triển khai xây dựng khu bán hàng tươi sống thì bãi rác trong chợ được chuyển đi để giải phóng mặt bằng nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác và nước thải tại chỗ vẫn không được cải thiện.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nhà vệ sinh của chợ đang báo động vì hệ thống nước xả của nhà vệ sinh đã bị khóa. Những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc quanh khu vực hàng cá. Còn những ngày mưa thì cả chợ phải chịu chung cảnh mất vệ sinh từ mùi nước thải bốc lên. Trao đổi với ông Phạm Công Chính- Chủ tịch UBND xã được biết, Ban quản lý chợ Tò đã được thành lập từ nhiều năm nay nhưng hoạt động vẫn chỉ là thu tiền vé chợ, trông xe, quản lý an ninh trật tự. Mặc dù đã được kiện toàn lại từ đầu năm 2012 nhưng hoạt động vẫn chưa hiệu quả. Theo ông Chính thì do trong thời gian vừa qua khối lượng công việc của xã rất lớn như: tập trung công tác dồn điền đổi thửa, triển khai thuế phi nông nghiệp, đo đạc đất đai... nên chưa quan tâm nhiều đến tình trạng ô nhiễm môi trường chợ. Trong tháng 7, địa phương sẽ tổ chức họp các tiểu thương để nghe ý kiến, nguyện vọng của họ khi vào buôn bán tại các quầy do dự án Lifsap tài trợ. Đồng thời, xã sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường chợ, như: bố trí người quét dọn vệ sinh sau mỗi phiên chợ, sau đó chuyển về điểm tập kết bãi rác của xã, cấp nước tại khu vực nhà vệ sinh...

Chợ Hới, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) nằm trên trục đường tỉnh lộ 455, giao thông thuận tiện nên mỗi phiên chợ ngoài hơn 100 hộ kinh doanh trong và xung quanh khu vực chợ còn có rất đông bà con từ khắp nơi đổ về đây trao đổi hàng hoá. Chợ càng nhộn nhịp, đông đúc bao nhiêu thì lượng rác thải ra càng nhiều bấy nhiêu. Do không có điểm tập kết rác thải nên sau mỗi phiên chợ, rác được thu gom và đốt tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Loan- chủ hàng thịt cho biết: Chợ họp tất cả các ngày trong tuần nên lượng rác thải ra nhiều nhưng phải ba bốn ngày mới có người đến quét, trong những ngày mùa này thì cả tuần mới có người đến quét nên rác ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, rác được thu gom lại và đốt tại chỗ nên không bảo đảm vệ sinh môi trường.                        

Đây chỉ là hai trong số hàng chục chợ nông thôn ở tỉnh ta đang phải đối mặt những khó khăn trong thu gom, xử lý rác thải. Nếu như ở thành phố, thị trấn, rác thải tại các chợ được các công ty, hợp tác xã vệ sinh môi trường chuyên nghiệp thu gom, vận chuyển về điểm tập kết rác tập trung để đem đi xử lý thì nhiều chợ ở các vùng nông thôn, việc thu gom, xử lý rác thải vẫn đang bị “bỏ ngỏ” do chưa được quan tâm đúng mức, do thiếu kinh phí…

Qua khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy, hệ thống xử lý rác, nước thải, thùng đựng rác công cộng, cống thoát nước và xử lý nước thải nhìn chung đều chưa có hoặc có nhưng bị tắc, biển báo tuyên truyền vệ sinh môi trường không được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình hạ tầng ở các chợ đã xuống cấp, đường vào chợ nước đọng bẩn sau các trận mưa, hoặc do người dân sử dụng hàng ngày. Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường phổ biến tại các chợ; đặc biệt nhiều người dân, các hộ kinh doanh rất thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, đổ rác xuống cống rãnh thoát nước làm tắc, gây ngập tràn ứ đọng, mất vệ sinh môi trường toàn khu vực, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay ở các chợ nông thôn là vấn đề vệ sinh thực phẩm. Các loại đồ ăn được bày bán không che đậy; mùa mưa đến, bên cạnh những vũng nước, rác bẩn, người ta vẫn bày bán bánh, bún, thịt, và đồ ăn chín một cách tự nhiên.                                                  

Mặc dù hệ thống chợ nông thôn những năm qua từng bước được cải tạo, nâng cấp theo đúng quy hoạch, thu hút nhiều hộ tham gia kinh doanh, góp phần tiêu thụ nông sản và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nhưng công tác quản lý chợ ở một số địa phương còn yếu, thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người trực tiếp buôn bán trong chợ nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chợ cần thành lập đội vệ sinh môi trường, trang bị đầy đủ dụng cụ vệ sinh như xe chở rác, chổi quét, quần áo bảo hộ lao động... Bên cạnh đó, các địa phương cần huy động và khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt 

  • Từ khóa