Thứ 4, 17/04/2024, 01:58[GMT+7]

Mô hình nuôi chim bồ câu ở Đông Hưng đơn giản và hiệu quả

Thứ 3, 07/08/2012 | 10:39:26
34,872 lượt xem
Hiện nay, việc nuôi chim bồ câu đang được nhân rộng ra nhiều trang trại ở Đông Hưng. Hiệu quả đã được khẳng định đó là mô hình đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Mô hình nuôi chim bồ câu của chị Nguyễn Thị Điềm xã Đông La

Trước đây, các hộ nuôi chim bồ câu thường với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm này trong các bữa ăn hàng ngày, trong các nhà hàng, khách sạn, các ngày lễ, tết đã dần trở nên phổ biến. Đặc biệt, giá thành lại phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên số lượng tiêu thụ đang có chiều hướng gia tăng. Do đó hiện tại, các trang trại ở Đông Hưng đang đưa thêm loài chim bồ câu vào nuôi với số lượng lớn và nhiều người đã thành công từ mô hình khá mới mẻ này.  

Chúng tôi đến hộ ông Phí Văn Chắc, xã Đông Á là hộ có số lượng chim bồ câu lớn nhất huyện Đông Hưng được biết: những năm trước đây, ông cũng như bao hộ chăn nuôi khác chỉ nuôi gà là chính, sau một thời gian ông nuôi thêm thỏ và tới năm 2010 đã nuôi thêm chim bồ câu Pháp. Qua nhiều nguồn thông tin cộng với sự tìm tòi học hỏi ông đã nhập 100 đôi chim câu Pháp từ Viện giống chăn nuôi trên Hà Nội với giá 250.000 đồng/đôi. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã có thêm 100 đôi chim thương phẩm để bán với giá lúc đó là 180.000 đồng/đôi. Vừa bán chim câu thương phẩm, chim câu giống ông vừa nhân thêm với số lượng hiện nay là 120 đôi sinh sản. Loài chim này cứ 40 ngày chúng lại sinh sản một lứa, bán với giá 280.000 đồng/đôi giống 2 tháng tuổi và 350.000 đồng/đôi 3 tháng tuổi. Trung bình mỗi tháng ông xuất 50 - 60 đôi, trừ chi phí thu lãi trên 10 triệu đồng.

Lý do đến với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của ông Chắc thật đơn giản. Theo ông, lợi thế khi nuôi loài chim này trước hết là chi phí đầu tư thấp, một đôi chim chỉ ăn hết khoảng 100 gam thức ăn công nghiệp/ngày, chuồng nuôi đơn giản chỉ cần làm bằng tre, nứa và lưới vây lại là được. Đặc biệt, khả năng sinh sản của chúng lại đều đặn, kéo dài tới 5 năm, cứ 40 ngày chúng sinh sản 1 lứa. Vì thế mà ngoài chi phí 25 triệu đồng tiền giống ban đầu ông chỉ phải mua thêm vài chục nghìn đồng/ô chuồng tre cộng với tiền thức ăn, thuốc phòng trị bệnh với khoảng 80.000 đồng/ngày đã đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Mặc dù số lượng nuôi lớn nhưng ông vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng. Các thương lái ở trong và ngoài tỉnh, nhất là các khách hàng ở Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên đã tự đến đặt hàng, trao tiền trước, chỉ cần ấn định số lượng, hẹn ngày là đến bắt. Còn đối với chim câu thương phẩm, chỉ cần “alô” thì ngay lập tức các thương lái đến kín nhà. Ông Chắc còn cho biết thêm, loài chim bồ câu này ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần cho chúng ở chỗ thoáng mát, cho ăn 2 lần/ngày và nước uống sạch là được. Với cách làm đó, người nuôi không vất vả như các con vật khác, hàng ngày chỉ cần dành 1 tiếng đồng hồ là xong việc chăm sóc cho chúng.

Cũng nuôi chim câu như ông Chắc nhưng chị Nguyễn Thị Điềm, thôn Cổ Dũng 2, xã Đông La có vẻ đơn giản hơn bởi chị nuôi chim bồ câu ta. Nhà chị sẵn có gần 2 sào vườn chuyển đổi trồng cây cảnh, khi thị trường cây cảnh chững lại nhà chị đã tìm ngay tới mô hình nuôi chim bồ câu để tăng thêm thu nhập. Tới đầu năm 2012, chị đã mua 30 đôi về nuôi trên diện tích 100m2, vừa nuôi vừa bán đến nay chị đã gây được 50 đôi sinh sản và thường xuyên nuôi hàng trăm đôi thương phẩm. Do là loại chim bồ câu ta, lại nuôi theo phương pháp nuôi thả tự nhiên nên có thể cho ăn những sản phẩm nông sản có sẵn như thóc, gạo, ngô. Mô hình chuồng trại cũng không phải đầu tư nhiều, chỉ với vài chục triệu đồng để đổ ít cột bê tông, vây lưới lại, trên lợp ngói prô xi măng và mua vài chục chuồng tre với giá 80.000 đồng/chuồng đã thoả sức cho hàng trăm đôi chim sinh sống.

Như vậy loài vật nuôi này không cần nhiều diện tích, đầu tư không cao, không tốn nhiều công chăm sóc mà lại thu hồi vốn nhanh, lãi cũng khá cao. Hiện nay nhà chị Điềm chủ yếu bán chim ra ràng với giá 100.000 đồng/đôi. Cũng từ ngày nuôi đến nay chưa bao giờ chị phải ra chợ bán, chim non có đến đâu là có người đến mua ngay đến đó, thậm chí các thương lái còn tính thời gian chim bồ câu sinh sản, ấp trứng theo lứa để đến bắt đúng thời điểm. 

                                                                       Bài, ảnh: Thu Thuỷ

  • Từ khóa

Ngô Chinh Nam - 5 năm trước

Cần phải xem lại thông tin nhé Thu Thủy. 120 đôi sinh sản 1 tháng lãi 10.000trieu đồng. Một con số mà ai nuôi chim nghe cũng phải ao ước. đúng là nhà báo. còn với chúng tôi những người nuôi chim lâu năm đã có nhiều kinh nghiệm thì 120 đôi tháng có giỏi cungx chỉ được 3 triêu nếu thuận buồm xuôi gió. Chăn nuôi không dễ như bạn viết đâu. THÂN!

Tải thêm