Thứ 4, 24/04/2024, 09:54[GMT+7]

Bác Hồ với Báo Thái Bình Tiến Lên

Thứ 7, 31/12/2016 | 17:31:23
1,207 lượt xem
Ngày 1/1/1962, Báo Tiến Lên, tiền thân của Báo Thái Bình ra số đầu. Ngay từ khi còn là tờ Tin Thái Bình đến khi là Báo Tiến Lên, đến năm 1963 đổi thành Báo Thái Bình Tiến Lên, tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn nhận được sự quan tâm của Bác. Từ năm 1962 đến năm 1969, qua đọc báo, Bác đã tặng Huy hiệu của Người cho 66 cá nhân được biểu dương trong nhiều chuyên mục như "Báo công, lập công - chống Mỹ cứu nước", "Người mới, việc mới", "Bốn tốt".

Bác quan tâm đến mọi điều trên báo

Chuyển từ tờ Tin Thái Bình thành Báo Tiến Lên, mỗi tuần Báo có hai số, mỗi số 4 trang, khổ A4. Dù ít trang và khổ nhỏ nhưng Báo vẫn phản ánh đầy đủ, toàn diện mọi mặt hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình. Trên mặt báo có rất nhiều chuyên mục, đặc biệt, gương người tốt, việc tốt không có số nào không xuất hiện, có số thậm chí xuất hiện 3 - 4 gương. Lật lại những trang báo cũ càng hiểu Bác là người đọc nhiều và đọc kỹ Báo Tiến Lên, Báo Thái Bình Tiến Lên như thế nào. Dù chỉ một mẩu tin nhỏ đưa tin một em bé nhặt được vài chục đồng trả lại người mất đăng ở một góc khiêm tốn, gương một cụ già tận tụy xây dựng hợp tác xã, người nông dân làm bèo hoa dâu giỏi, bí thư chi bộ nuôi nhiều lợn, nhân viên bưu tá tận tụy, người mẹ có 5 con đi bộ đội, em học sinh dũng cảm cứu bạn giữa dòng nước khi có máy bay địch ném bom..., tất cả đều được Bác đọc. Sau khi đọc, Bác còn cẩn thận ký, đôi khi là viết khái quát lại nội dung bài báo sang bên lề và gửi về địa phương, đơn vị đó.

Bà Tưởng Thị Phượng ở thôn Hội, xã Song Lãng (Vũ Thư) - một trong những nhân vật được Báo nêu gương và được Bác tặng Huy hiệu năm 1969 nhớ lại: Năm đó, tôi đang là học sinh, khoảng 13 - 14 tuổi. Một hôm, đi cắt cỏ trên đê tôi nhặt được một chiếc ví khá dày. Ngày ấy, tất cả học sinh đều được giáo dục và nêu cao đức tính thật thà, nhặt được của rơi phải trả lại người đánh mất. Ở trường, mỗi học sinh khi nhặt được dù là cái bút, quyển vở cũng nộp lại cho nhà trường, vì vậy tôi cũng không mở ra xem trong ví có gì mà để luôn vào quang gánh. Sau đó có một người quay lại có ý lần tìm trên đường, tôi hỏi biết chắc là ví của người đó nên đưa cho họ. Người đó sau đó viết giấy về trường cảm ơn, đó là số tiền khá lớn mà người đó đi lĩnh lương cho cơ quan. Tôi được tuyên dương trước toàn trường, được viết lên báo, được lên Hà Nội biểu dương và nhận Huy hiệu Bác Hồ. Niềm vinh dự và hạnh phúc đến quá bất ngờ, đó mãi là kỷ niệm lớn trong cuộc đời của tôi!".

Qua đọc báo, dường như không có gì viết trên báo là Bác không quan tâm. Bác biểu dương các cá nhân trên mọi khía cạnh, từ sản xuất nông nghiệp, tham gia chiến đấu, dạy và học đến việc nuôi con của các bà mẹ. Báo Tiến Lên và Báo Thái Bình Tiến Lên ngay trong giai đoạn đầu mới xuất bản cùng với tích cực biểu dương gương người tốt còn có nhiều bài viết phê bình, phản ánh những việc làm chưa tốt. Những bài báo phê bình được Bác đọc, sau đó viết phản hồi, nhắc nhở cơ sở rất sâu sắc, ý nhị. Ngày 1/3/1967, Báo Thái Bình Tiến Lên đăng bài phê bình việc cán bộ cửa hàng thực phẩm Thụy Anh về công tác ở Thụy Trường lạm sát lợn. Sau khi đọc bài báo, Bác đã viết câu chuyện đáng khen và đáng chê. Cuối bài, Bác viết: "Xin hỏi công ty thực phẩm đã kiểm tra, phê bình mấy ông cán bộ đó chưa, đã lấy việc ấy làm bài học để giáo dục cán bộ thực hành tiết kiệm và đã đạt được kết quả như thế nào?".

Sau khi đọc bài báo về nữ đảng viên Phạm Thị Liễu (xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải), Bác đã tặng Huy hiệu cho chị Liễu năm 1967 và nhân vật nữ đảng viên nay đã gần 80 tuổi.

Tinh thần của Bác và Báo cổ vũ nhân dân hăng hái học tập, lao động

Ngày 25/9/1961, tờ Tin Thái Bình đăng bài biểu dương trai, gái Đại Phong với bản danh sách 17 trai, gái Đại Phong của xã Thụy Trung, huyện Thụy Anh (nay là xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy) lao động, sản xuất giỏi. Bài báo được Bác đọc và ký bút tích. Bà Nguyễn Thị Tân (thôn An Lệnh, xã Thụy Liên) - 1 trong 8 nữ xã viên trẻ trong đội sản xuất "trai, gái Đại Phong" năm nay đã 75 tuổi vui vẻ chia sẻ: Ngày ấy chúng tôi được dự họp nghe công bố Bác Hồ bút phê trên bản danh sách đăng tên 17 trai, gái Đại Phong trên tờ Tin Thái Bình, ai cũng vô cùng hạnh phúc, vinh dự và tự hào. Năm 1962, đội trưởng Bùi Văn Lạc đại diện cho cả đội trai, gái Đại Phong được cử sang Đông Lâm (Tiền Hải) đón Bác. Dù chỉ có mình anh Lạc được sang gặp Bác nhưng đó cũng là niềm tự hào và hạnh phúc của cả đội. Sau đó, anh Lạc còn được lên Hà Nội dự hội nghị thi đua. Ngày anh về cả đội tổ chức liên hoan bằng cách đi bắt tôm, đánh cá bán để có tiền làm cỗ.

Được Báo biểu dương, được Bác tặng Huy hiệu, với mỗi người đều là những kỷ niệm không thể quên và trở thành động lực phấn đấu trong cả cuộc đời. Năm 1962, 3 trong 9 người trai Đại Phong lên đường vào Nam chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Những người ở lại hầu hết đều đi học, đi làm cán bộ, công nhân. Bà Trịnh Thị Xuyến (thôn An Lệnh, xã Thụy Liên) chia sẻ: Chúng tôi đã mang niềm tự hào của trai, gái Đại Phong trên mỗi bước đường công tác của mình và điều hạnh phúc nhất là hầu hết anh chị em của Đại Phong ngày ấy đều có cuộc sống thành đạt, ổn định.

Không chỉ có người được nêu gương trên Báo, với những người viết báo, mỗi bài báo đến với Bác cũng là niềm vinh dự, tự hào. Ông Nguyễn Tiến Lộc ở thôn Trung Lập, xã Vũ Hội (Vũ Thư) - một trong số ít người là phóng viên Báo Thái Bình thời kỳ đầu chia sẻ: Thời kỳ đó, đội ngũ cán bộ, phóng viên của Báo ít, phóng viên đi viết chỉ có vài người. Rong ruổi trên những "con ngựa sắt", hễ nghe thấy ở đâu có mô hình hay, người tốt, việc tốt là tìm đến. Nhiều nhân vật ông viết đã được Bác Hồ đọc và tặng Huy hiệu. Mỗi lần có nhân vật được viết và đăng trên Báo, được Bác đọc và tặng Huy hiệu, cơ quan tổ chức họp, biểu dương phóng viên. Không có phần thưởng về vật chất, cũng không có nhuận bút nhưng mỗi phóng viên đều thấy vô cùng vinh dự, càng hăng say đi và viết. Thời kỳ đó, dù Báo ra mỗi tuần chỉ 2 số, khổ nhỏ nhưng đội ngũ cộng tác viên rất đông đảo và họ là những người viết chính trong chuyên mục "Người mới, việc mới" hay "Bốn tốt".

Cũng như bao làng quê khác, xã Thụy Trung xưa, nay là xã Thụy Liên (Thái Thụy) đã có rất nhiều đổi khác so với hơn 50 năm về trước. Những cánh đồng úng trũng một năm chỉ cấy được một vụ lúa nay đã thành đồng làng phì nhiêu, mỗi năm luân canh bốn vụ, thôn xóm mái rạ, tranh tre nay đã thành nhà cao tầng. Trong số 17 trai, gái Đại Phong - những con người đại diện cho thế hệ của một thời kỳ khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy niềm tin và lý tưởng nay chỉ còn 5 người. Những em Phượng, em Nhàn, em Hải..., thiếu niên thật thà, dũng cảm được Báo biểu dương, được Bác tặng Huy hiệu nay đã ở tuổi ông, tuổi bà, thậm chí đã trở thành những liệt sĩ vô danh. Bác Hồ đã đi xa gần 50 năm. Báo Thái Bình đã tròn 55 tuổi và không ngừng phát triển. Phương thức sản xuất báo cũng ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu bạn đọc. Phần đông người viết báo của giai đoạn đầu không còn, nhiều nhân vật của Báo cũng đã đi xa nhưng những bài báo vẫn còn được lưu giữ với bút tích của Bác, ghi lại dấu ấn một thời kỳ khó khăn, gian khổ nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Đọc lại những bài báo đó để chúng ta hiểu hơn, thấy được niềm vinh dự, tự hào về sự quan tâm Bác dành cho Báo Tiến Lên, Báo Thái Bình Tiến Lên (nay là Báo Thái Bình), càng ý thức hơn trách nhiệm của thế hệ làm báo hôm nay đồng thời rút ra những bài học sâu sắc về cách viết báo, làm báo và đọc báo.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa