Thứ 3, 21/05/2024, 00:49[GMT+7]

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Trang sử vàng chói lọi Kỳ 3: Bùn, máu và hoa

Thứ 7, 04/05/2024 | 08:40:53
1,932 lượt xem
Sau khi các đơn vị của ta đã chuẩn bị xong, các mặt trận của quân đội Việt Minh lập tức nã pháo vào các cứ điểm quan trọng của địch vào ngày 13/3/1954, kéo dài suốt 56 ngày đêm và giành chiến thắng vào ngày 7/5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giúp chúng ta có bước tạo đà vững chắc, đi đến ký kết thành công Hiệp định Giơnevơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, góp phần giải phóng miền Bắc, tạo tiền đề tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Thành phố Điện Biên Phủ ngày càng phát triển.

Tổng tiến công trên tất cả mặt trận

Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ diễn ra 3 đợt, đợt 1 từ ngày 13/3 - 17/3/1954. 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng từ 75 - 120mm đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trung tá Piroth, chỉ huy pháo binh pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước thế tấn công như vũ bão của quân đội ta đã dùng lựu đạn tự sát. Cựu chiến binh (CCB) Phạm Ngọc Thát, tổ dân phố số 5, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) cho biết: Hai đồi Him Lam và Độc Lập là cửa ngõ, đây là cứ điểm được quân đội Pháp án ngữ và xây dựng cứ điểm rất chắc chắn. Khi đơn vị tôi đánh xong, quân đội Pháp định kéo pháo tiến vào nhằm cướp lại hai quả đồi, anh em chiến sĩ đều rất quyết tâm giữ bằng được hai quả đồi nên khi giao tranh rất ác liệt, thương vong cũng nhiều.

Đợt 2 của chiến dịch diễn ra từ ngày 30/3 - 30/4/1954. Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Tướng Navarre hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1, quân Việt Minh và quân Pháp giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Du khách từ nhiều tỉnh, thành phố đến thăm di tích lịch sử đồi A1 nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu tại khu vực sân bay Mường Thanh, CCB Nguyễn Quang Mộc, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Sân bay Mường Thanh có vị trí rất quan trọng, vừa là đường tiếp tế cho các cứ điểm của quân đội Pháp bằng đường hàng không vừa là một trong những căn cứ quân sự quan trọng tại Điện Biên Phủ. Chính vì thế, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã giao cho đơn vị tôi tham gia đánh chiếm sân bay Mường Thanh, tấn công bằng việc đào hào lấn sân bay, cắt đôi sân bay làm hai phần. Khi chúng tôi tấn công thì cứ sáng nghỉ, đêm đào; sáng quân Pháp cho người, xe ủi lấp hết các đường hào của quân đội ta, đến tối chúng tôi cuộn rơm thành những con cúi chống đạn, để trước đầu rồi nằm sấp xuống đất để đào. Anh em chiến sĩ còn đùa nhau bảo có con cúi này thì địch cứ bắn thoải mái.

Đợt 3 chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 1/5 - 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đồi A1, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Đêm ngày 6/5/1954, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh, tiếng hò reo vui mừng vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc.

Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh

Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước việc Việt Minh có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ, trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị cùng ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Giơnevơ đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giành độc lập, tự do cho dân tộc vào ngày 30/4/1975.

Đồi A1 - nơi quân đội Việt Minh và quân đội Pháp giành nhau từng tấc đất, mét hào.

Nhớ lại khoảnh khắc cùng quân và dân Điện Biên ăn mừng chiến thắng, CCB Trần Ngọc Ái, xã Tây Tiến (Tiền Hải) vui mừng kể: Khi nghe tin chiến thắng, chúng tôi vui sướng lắm, anh em chiến sĩ cứ giơ hết súng lên bầu trời mà nã đạn để ăn mừng chiến thắng. Mọi người ôm nhau khóc trong sung sướng. CCB Ngô Văn Phủng, xã An Khê (Quỳnh Phụ) nhớ lại: Tôi từng tham gia cả 3 đợt của chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi nghe tin quân Pháp đầu hàng, chúng tôi vui sướng lắm, khi đó tôi ở Đại đoàn 308 được lệnh tiến về tiếp quản Thủ đô. Trên đường về, tôi nhận được mật lệnh di chuyển về Phú Thọ. Đến sáng ngày 19/9/1954, chúng tôi đến Đền Giếng. Đồng chí Vũ Yên tập hợp chúng tôi lại và khi cửa Đền Giếng mở thì Bác Hồ từ trong bước ra. Mọi người thấy Bác liền reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tôi nhớ khi đó ở bên phải Bác là Chính ủy Song Hào, bên trái Bác là đồng chí Thanh Quảng, Bác mặc bộ quần áo nâu, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác chỉ tay lên đền và nói: “Các chú có biết đây là nơi nào không. Đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”. Bác nhắc nhở chúng tôi không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng, còn đế quốc ở miền Nam, ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành lời hịch non sông, sau này trở thành lời thề danh dự, khắc cốt ghi tâm của mỗi chiến sĩ Đại đoàn 308.

Du khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại khu vực khối bộc phá gần 1 tấn phát nổ.

Tiến Đạt

(Còn nữa)