Thứ 6, 19/04/2024, 21:04[GMT+7]

Đến với bài thơ hay - “NGÀN CÂY” Trông cây mà nghĩ đến người

Thứ 2, 23/01/2017 | 08:55:05
1,081 lượt xem

 

Bài thơ “Ngàn cây” của nhà thơ Trần Ngọc Tảo đăng trên Báo Nhân Dân tháng 3/1989 được viết theo thể lục bát, tuy ngắn nhưng hàm chứa triết lý nhân văn sâu sắc gợi cho chúng ta những suy ngẫm về lẽ đời cả trong quá khứ và hiện tại.

 

Bài thơ có 20 câu, kết cấu thành 3 phần. 4 câu đầu là phần tác giả diễn tả tâm trạng của mình khi đi trong rừng ngắm cây giữa ngày xuân nắng đẹp với những sợi tơ vàng xuyên qua kẽ lá xoay tít ở trên đầu và phát hiện ra rằng mỗi cây có một sắc thái riêng:

 

“Ngày xuân đi giữa ngàn cây

Dáng cây bóng lá cứ xoay trên đầu

Nhìn vào kẽ lá thật lâu

Mới hay cây cũng lắm màu xanh riêng”

 

12 câu tiếp theo là phần thực, với nghệ thuật dùng điệp từ “có cây” và sự quan sát tinh tế, tác giả đã nhận diện sâu sắc một số loài cây có tính điển hình trong rừng đang hiển hiện trước mặt. Trước hết, với những loài cây lá nhỏ hình kim, tác giả thấy sao mà cao đẹp và có sức sống kỳ lạ, ở đâu chúng cũng xanh tươi cho dù đá sỏi đất vôi bạc màu:

 

“Có cây lá nhỏ như kim

Giữa nơi sỏi đá vẫn nguyên sắc trời”

 

Khâm phục đức tính cao quý hiên ngang, vững vàng, không đứng khuất mình trong bóng râm và uốn cong mình cả ngay khi mới nhú lên khỏi mặt đất của một loài cây, tác giả trầm trồ:

 

“Có cây đứng thẳng quen rồi

Mầm chồi cứ đội khoảng trời mà lên”

 

Chạnh lòng với những loài cây có cá tính riêng an phận thủ thường không tranh đua chen chúc, cần cù, bền bỉ, kiên cường nơi đất nghèo kiệt đầu non:

 

“Có cây lánh cảnh đua chen

Dẻo dai cắm rễ bám trên đỉnh đèo”

 

Đặc biệt, bàng hoàng khi thấy lạ thay trong thế giới ngàn cây ấy có những loại cây lại chỉ tồn tại được là nhờ đeo bám, không có tư thế nào chủ đạo nhưng lại uốn éo múa máy cành lá theo các chiều gió:

 

“Có cây thân chỉ biết leo

Lại xòe tán lá hát theo gió ngàn”

 

Nhất là thật sự giật mình khi nhận ra rằng có những cây cứ ngỡ là bề thế đàng hoàng nhưng thực ra nếu không có những dây leo chằng chịt kia cuốn quanh, cột vào những thân cây khác thì đã nghiêng ngả lâu rồi:

 

“Có cây gốc ngỡ vững vàng

Nhưng đứng vững được nhờ quàng bụi dây”

 

Và sững sờ với những loại cây mà vỏ bọc bên ngoài lại không hề tương xứng với chất liệu gỗ ở bên trong:

 

“Có cây bọc lớp vỏ dày

Nhưng trong thớ gỗ của cây lại mềm”

 

Với 12 câu thực, tác giả nhận diện khá tinh tế về một số loại cây tiêu biểu, có thể phân thành hai nhóm: Nhóm cây sống đích thực, sống tự lập với sức sống mãnh liệt và tồn tại vững vàng trước mọi biến cố của thời gian. Nhóm cây tồn tại được là nhờ tầm gửi vào những cây khác, mềm yếu khẳng định mình bởi sự che chở và bợ đỡ qua vỏ bọc kín đáo.

 

4 câu kết tác giả mang đến cho người đọc nhận thức chung về các loài cây và sự  suy ngẫm thông qua mối quan hệ tương ứng giữa cây và người với triết lý nhân sinh: thực - hư, hư - thực trong đời sống dâu bể:

 

“Bao loài cây lạ cây quen

Xanh từ mặt đất, xanh lên tận trời

Ngày xuân đi giữa rừng đồi

Ngắm cây thêm hiểu lẽ đời sâu xa”.

 

Trông cây mà nghĩ đến người, chủ đề tư tưởng của bài thơ giúp chúng ta có nhãn quan chính trị trong việc nhận diện con người đúng đắn, góp phần tích cực vào công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 

Phạm Xuân Nghiên

Thượng Hiền, Kiến Xương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày