Thứ 5, 25/04/2024, 09:00[GMT+7]

Hoa tháng ba

Thứ 2, 20/02/2017 | 08:53:00
2,680 lượt xem
Mưa ngớt hạt, nắng ửng hồng hơn. Không gian như được gột rửa sạch sẽ. Vài cánh ngọc lan trắng ngần nhẹ nhàng rơi xuống cỏ non. Không còn những ngày mưa phùn dầm dề nữa. Tháng ba về với những cơn mưa nhỏ làm bật tím những chùm hoa xoan thơm nồng. Có một loài hoa tháng ba nữa cứ cháy lên những khát khao, đó là hoa mộc miên.

Hoa mộc miên ngoài bến sông quê đẹp lắm. Nó cứ chói ngời một màu đỏ sắt son. Xưa, chỉ nghe người làng nói hoa gạo nở rồi. Đấy là sau những cơn mưa rào nhỏ đầu mùa, sau những ngày lạnh giá, cây gạo già xù xì gai nhọn ủ nhựa suốt mùa đông dài bật lên những đốm lửa đỏ rực. Hoa gạo nở đỏ cũng là lúc cây lúa xanh tốt hơn, báo hiệu một mùa vàng bội thu. Người làng vui lắm khi nhìn thấy những gốc cây già ven sông trổ hoa đỏ.

Cái rét nàng Bân như da diết kéo những yêu thương gần nhau hơn, đủ cho con trẻ thấy nhỏ bé trong vòng tay ấm áp của mẹ, đủ cho trai gái thấy tim mình run run những nhịp đập khác lạ trong cái nhìn đầy trìu mến yêu thương dành cho nhau. Thật tuyệt vì có những mùa hoa tháng ba thắm bừng sắc đỏ.

Hàng cây gạo ven sông có từ bao giờ người dân quê cũng không biết nữa. Khi sinh ra đã thấy nó nở những bông hoa chói đỏ rồi. Thuở nhỏ, nghe các cụ kể lại, ngày xưa, tháng ba về người chết đói nhiều lắm. Mỗi sáng thức dậy hay bắt gặp xác người co quắp dưới gốc gạo vì đói rét. Đó là những năm giữa thế kỷ trước. Vậy nên trẻ con hay bị dọa dẫm "thần cây đa, ma cây gạo". Nhưng tuổi thơ hồn nhiên, vô tư, đâu lại vào đấy, vẫn ngày ngày quấn quýt bên cây gạo. Bạn bè với những chiều thả trâu ở bến sông cùng bao trò nghịch ngợm. Những ngày đi học qua đó có biết bao kỷ niệm. Hết tiết năm về bụng đói, rủ nhau ăn cả bông gạo. Cầm cánh hoa đỏ xốp đưa vào miệng chỉ thấy vị chan chát mà cười tít mắt. Giờ lớn rồi mới hiểu, đó là vị tuổi thơ. Hoa gạo năm cánh đỏ tươi, lúc hoa rơi cánh hoa xoay như chong chóng nhìn thật đẹp. Những bông hoa theo vòng xe đạp đến trường. Mãi sau này mới biết hoa gạo còn có tên khác là mộc miên. Mộc miên theo vào giấc ngủ của bao người.

Tháng ba nhẹ nhàng đến, hoa bung sắc thắm trên đoạn đường thân quen để hình ảnh những bông hoa gạo kiêu kỳ đến khó quên trong ký ức. Những bông gạo căng đầy dâng hết mình khoe sắc đỏ giờ khi rụng về đất cũng một màu đỏ son ngập lối. Sắc đỏ trên cao, sắc đỏ dưới lòng đường như hòa quyện vào nhau, cứ rực lên giữa một màu xanh bát ngát của đất trời. Đám bạn xưa kia giờ mỗi người mỗi ngả và đã trưởng thành. Hôm rồi có đứa tải lên facebook ảnh cây gạo già ở quê căng đầy bông đỏ. Bao nhiêu đứa ầm ầm nhắc về những kỷ niệm. Nhớ thời đi học, nỗi nhớ bâng khuâng bởi những chùm lửa đỏ trên cành cây gai sắc nhọn gợi nhắc sắp đến mùa thi. Thế mới biết, dù bon chen nơi đất khách quê người vẫn có người không quên tiếng thì thầm của những bông hoa bình dị, khiêm nhường mà cháy đỏ những yêu thương nơi quê nhà.

Miền quê nào cũng có những gốc cây gai nhọn và cành thì nao lòng những bông hoa đỏ thắm. Lướt mạng mới biết, có gốc cây gạo hơn trăm tuổi có tên trong danh sách cây di sản. Tháng ba về hội làng lại mở. Biết bao đám rước quanh làng qua hàng cây khoe màu đỏ sắc bông. Tình làng nghĩa xóm thắm đượm hơn trong tiếng nói cười vui vẻ. Hồn quê thấm đẫm gốc cây xù xì bạc màu rêu phong, cổ kính. Cây gạo trở thành "cột mốc" để ai đi đâu về làng đều dễ nhận ra. Có gốc cây vẫn còn vết bom sâu hoắm. Chợt thấy yêu hơn cây gạo quê mình.

Làng hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đường ra bến sông đã được đổ bê tông, xe cộ chạy băng băng. Hình ảnh con đường gập ghềnh lỗ chân trâu rụng đầy bông gạo đỏ chỉ còn trong ký ức. Và khi hoa gạo nở, người dân quê hay đọc câu ca nhắc nhở mùa vụ:

"Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng."

Lê Thị Nhung
(Thụy Lương, Thái Thụy)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày