Thứ 6, 17/05/2024, 16:34[GMT+7]

Thanh toán không dùng tiền mặt: Để mọi người dân cùng sử dụng dịch vụ

Thứ 4, 06/12/2017 | 09:01:05
899 lượt xem
Chỉ cần 1 tấm séc, 1 chiếc thẻ ATM hay 1 chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền cho mọi hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của mình mà không phải sử dụng đến tiền mặt. Đây chính là hình thức thanh toán tương đối mới đang được người tiêu dùng dần ưa chuộng bởi tính năng tiện ích của nó.

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là cách thức thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ không có sự xuất hiện của tiền mặt mà được tiến hành bằng cách trích tiền từ tài khoản của người chi trả chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng bằng cách bù trừ lẫn nhau thông qua vai trò trung gian của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngân hàng (ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức được cấp phép). 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc TTKDTM qua hệ thống ngân hàng được thực hiện chủ yếu tại trụ sở ngân hàng, thông qua các máy ATM, thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS), thông qua mạng internet…, trong đó thanh toán tại trụ sở giao dịch của ngân hàng vẫn là phương thức thanh toán truyền thống được các tổ chức, cá nhân lựa chọn để thực hiện giao dịch. Toàn tỉnh hiện có 19 tổ chức tín dụng (TCTD) với 9 chi nhánh cấp huyện và khu vực I, 85 phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm, 48 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 285 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động trải rộng khắp địa bàn các huyện với đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, do đó có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thực hiện các giao dịch thanh toán của doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm
+ Thanh toán bằng séc
+ Séc chuyển khoản
+ Séc bảo chi
+ Thanh toán bằng ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi
+ Thanh toán bằng ủy nhiệm thu hoặc nhờ thu
+ Thanh toán bằng thư tín dụng
+ Thanh toán bằng thẻ ngân hàng


Để việc thanh toán tại trụ sở giao dịch của ngân hàng được thực hiện đạt hiệu quả cao, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình hiện đại hóa, trang bị nhiều máy chủ hiện đại, có dung lượng lớn và nhiều máy tính cá nhân phục vụ tác nghiệp; thực hiện nối mạng trực tuyến phục vụ việc quản lý tập trung và giao dịch trực tuyến; đồng thời phối hợp với đơn vị viễn thông xây dựng và tổ chức đường truyền viễn thông riêng biệt, bảo đảm các giao dịch thanh toán được thực hiện nhanh chóng, an toàn, chính xác. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh còn xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định phù hợp với tình hình thực tế hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh như: quy chế quản lý chữ ký, mã khóa điện tử, quy định về nhân sự, thời gian thanh toán…, từ đó tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích hoạt động thanh toán qua ngân hàng phát triển. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh còn vận hành có hiệu quả hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, bảo đảm điều chuyển vốn của các TCTD, hệ thống Kho bạc Nhà nước trên địa bàn được thông suốt, góp phần nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Đến cuối năm 2016, các TCTD trên địa bàn đã mở trên 612.000 tài khoản thanh toán các loại với tổng số dư hơn 3.727 tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, TTKDTM trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện thông qua các máy ATM và POS. Đến nay, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã phát hành 821.000 thẻ thanh toán các loại; lắp đặt 140 máy ATM, 422 máy POS với hệ thống các máy hoạt động an toàn, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó, toàn ngành còn tích cực tiếp cận các cơ quan, doanh nghiệp để giới thiệu, phát triển dịch vụ trả lương qua tài khoản theo Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 11/10/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 1.600 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với gần 278.000 lao động nhận lương qua tài khoản. 

Chị Bùi Thị Chung Anh (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình) cho biết: Tôi thường xuyên sử dụng tài khoản thẻ ATM để thanh toán tiền điện thoại, tiền điện và mua sắm hàng hóa. Tôi thấy đây là dịch vụ rất tiện ích bởi tôi không phải mất thời gian đi rút tiền mặt; không sợ quên mỗi khi đến kỳ đóng tiền điện, tiền nước và tiền điện thoại, cũng không cần phải cầm tiền mặt khi đi mua sắm hàng hóa, đặc biệt là trong những lần đi công tác.

Thanh toán qua internet cũng là một trong những phương thức đang được khách hàng dần sử dụng bởi nhiều tính năng tiện ích của nó. Sử dụng phương thức thanh toán này, khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng tại nhà, tại nơi làm việc hay bất cứ đâu chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại di động có kết nối internet. Đây là hình thức thanh toán rất phù hợp trong xu thế phát triển mạnh của thương mại điện tử hiện nay, đặc biệt là các giao dịch mua bán trực tuyến.

Ông Nguyễn Minh Thiêm, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Bình

Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện khá tốt thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Bình đã không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ thanh toán. Cùng với việc tăng cường đầu tư lắp đặt các máy ATM, BIDV Chi nhánh Thái Bình còn chú trọng phát triển dịch vụ trả lương qua tài khoản, thanh toán qua máy ATM, máy POS. Bên cạnh đó, BIDV Chi nhánh Thái Bình còn tăng cường nhân sự phục vụ công tác thanh toán, đồng thời áp dụng quy trình công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán. Đến ngày 31/10/2017, tổng doanh số thanh toán của BIDV Chi nhánh Thái Bình đạt 38.913,9 tỷ đồng, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 74,4%; toàn Chi nhánh đã lắp đặt 14 máy ATM, 53 máy POS, phát hành 54.726 thẻ thanh toán các loại với doanh số thanh toán qua thẻ 50,11 tỷ đồng, thực hiện trả lương qua tài khoản cho 170 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với hơn 29.000 lao động nhận lương qua tài khoản.


Ông Đinh Xuân Chiến, Giám đốc Công ty Dệt Mỹ Hoa (Hưng Hà)

Tôi thấy thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những hình thức thanh toán rất phù hợp với Công ty Dệt Mỹ Hoa bởi trung bình mỗi năm Công ty xuất bán ra thị trường hơn 200 tấn khăn các loại với tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Nếu không có hình thức thanh toán này, đặc biệt là thanh toán bằng ủy nhiệm chi thì Công ty sẽ không biết phải làm thế nào để thanh lý các hợp đồng mua và bán do nhà phân phối nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của Công ty nằm ở tỉnh ngoài, sản phẩm của Công ty không chỉ xuất bán ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Chị Bùi Thị Ngọc Liên, Trưởng bộ phận tiền sảnh Khách sạn Dầu khí Thái Bình

Trung bình mỗi tháng Khách sạn Dầu khí Thái Bình tiếp đón khoảng 2.000 lượt khách đến nghỉ, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 30%. Chính vì thế, việc chấp nhận thanh toán qua thẻ đã giúp bộ phận lễ tân của Khách sạn giảm bớt được rất nhiều áp lực trong công việc, đặc biệt là việc phân biệt tiền giả, tiền thật khi thanh toán. Đến nay, khoảng 70% số khách đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán bằng thẻ và chuyển khoản), trong đó doanh số thanh toán thẻ trung bình khoảng 600 triệu đồng/tháng.

Minh Hương