Thứ 4, 24/04/2024, 10:44[GMT+7]

Nông thôn chuyển mình

Thứ 5, 05/04/2012 | 10:23:29
4,203 lượt xem
Ngay sau chuyến thăm và làm việc với Thái Bình, nghe lãnh đạo xã Thanh Tân báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Thái Bình đưa vào điểm chỉ đạo của cả nước. Ý Ðảng, lòng dân và tấm lòng của Thủ tướng đã truyền nên sức mạnh mới, nhân dân các địa phương hăng hái làm NTM- như một cuộc cách mạng mà cha ông mình đã làm.

Hệ thống đường giao thông thủy lợi nội đồng xã Trọng Quan (Ðông Hưng) vừa được đầu tư bê tông hóa. Ảnh: Thành Tâm

Nếu như cải cách ruộng đất và cơ chế khoán 10 trong nông nghiệp là hai cuộc cách mạng, thì xây dựng nông thôn mới của thập kỷ thứ nhất, thể kỷ 21, có thể được coi là cuộc cách mạng thứ 3 trong nông thôn. Lần thứ nhất, người nông dân hân hoan trong niềm vui được làm chủ thật sự trên mảnh đất của mình, thực hiện chủ trương “người cày có ruộng”, chấm dứt bao đời “làm thuê, cuốc mướn” cho địa chủ, cường hào.

 

Lần thứ hai, cơ chế khoán 10 mở ra như luồng gió mới thổi vào nông thôn với mấy chục năm “làm công, ăn điểm” của thời kỳ bao cấp. Bát cơm của người nông dân đã đầy đặn, cuộc sống khấm khá, bức tranh thời đổi mới cũng khởi sắc hơn và nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, tiếp cận dần với cơ chế thị trường thời hội nhập. Mỗi bước đi như thế kéo dài hàng vài chục năm. Từ cuộc cách mạng thứ hai- cơ chế khoán 10, đất nước vận hành theo công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng đã đi qua 25 năm. Một phần tư thế kỷ- bức tranh kinh tế nông nghiệp, bộ mặt nông thôn và gương mặt người nông dân đã có nhiều khởi sắc. Song, như quy luật tất yếu của cuộc sống; chính sách nào, cơ chế nào cũng tồn tại ở thời gian nhất định, ở thời điểm nhất định. Có thể tích cực với hôm qua, nhưng lại lạc hậu với ngày mai.

 

Cơ chế khoán 10, ruộng đất được giao cho nông dân sử dụng và Luật đất đai ra đời như một bằng chứng sinh động khẳng định quyền và nghĩa vụ của người nông dân trên mảnh đất của mình. Nhưng rồi khoán 10 lại không còn hấp dẫn, người nông dân không còn mặn mà với ruộng đất, âu cũng là quy luật của sự phát triển. Nghị quyết Trung ương 3 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn như định hướng chiến lược, mở đường để chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) chính thức ra đời. Và cũng như các cuộc cách mạng trước đây, xây dựng NTM được nông dân hưởng ứng chỉ với một lẽ giản đơn là nông dân được bàn, được làm và được quyết định cho cuộc sống của mình. Thái Bình không nằm trong các tỉnh làm điểm của cả nước về xây dựng NTM. Ban chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã nắm bắt thời cơ và có quyết định sáng suốt: Khởi động phong trào xây dựng NTM, chọn mỗi huyện thành phố một điểm chỉ đạo để hình thành mô hình và từ thực tiễn để nhân ra diện rộng.

 

Qua 3 năm, với trên một nghìn ngày nỗ lực, diện mạo một vùng nông thôn mới đã hình thành. Nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ và nông dân thấy yêu hơn mảnh đất mình đang sống. Từ 8 mô hình  làm điểm cho ta cái nhìn đầy đủ hơn về tư duy, nhận thức, phương pháp tổ chức và bài học thực tiễn. Bức tranh nông thôn Thái Bình được điểm xuyết từ: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa có bước phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bộ mặt thôn, xóm và diện mạo đồng ruộng có bước đổi thay rõ nét. Hầu hết các xã đều đạt từ 9 đến 12 tiêu chí. Hôm về thăm Thanh Tân (Kiến Xương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất hài lòng về sự sáng tạo của Thái Bình trong tư duy chỉ đạo, trong tầm nhìn về chọn thời cơ, thời điểm. Thủ tướng quan tâm nhiều đến tư tưởng nông dân khi triển khai xây dựng NTM và người đứng đầu Chính phủ vui thấy hình hài NTM đã hiện hữu. Chủ trương của Chính phủ đi vào cuộc sống ngay ở một tỉnh chưa được Trung ương chọn làm điểm.

 

Ngay sau chuyến thăm và làm việc với Thái Bình, nghe lãnh đạo xã Thanh Tân báo cáo, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của Thái Bình đưa vào điểm chỉ đạo của cả nước. Ý Ðảng, lòng dân và tấm lòng của Thủ tướng đã truyền nên sức mạnh mới, nhân dân các địa phương hăng hái làm NTM- như một cuộc cách mạng mà cha ông mình đã làm. Họ góp công, góp của cho các chương trình mục tiêu: Xã Thanh Tân “sức dân” đã đóng góp gần 17 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, đóng góp hàng nghìn ngày công với tinh thần tự nguyện. Xã Nguyên Xá (Vũ Thư) nhân dân góp 1,8 tỷ đồng; Hồng Minh (Hưng Hà): 2,5 tỷ đồng; Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) gần 6 tỷ đồng; Trọng Quan (Ðông Hưng) nửa tỷ đồng cho xây dựng công trình nước sạch, kênh mương, nhà văn hóa thôn, giao thông nội đồng, điện sáng, xây bờ ao, làm nhà văn hóa. Chỉ tính ở 3 xã: Quỳnh Minh, Thanh Tân, Trọng Quan, nhân dân đã đóng góp 40- 48% tổng vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xây dựng NTM. Xây mới 2 trạm cấp nước sạch, nâng tổng số 5 trên 8 xã điểm có nước sạch. Ðắp bờ vùng, bờ thửa 498.804 m2. San lấp 31.500 m2 mặt bằng để cải tạo đồng ruộng, khu dân cư. Cứng hóa 45 km kênh mương, đạt 74,54% yêu cầu của quy định: làm 17800 m đường giao thông nông thôn; xây dựng 7 trường THCS, tiểu học và trường mầm non; xây nhà văn hóa xã, thôn, trạm y tế, bãi xử lý rác thải. UBND tỉnh đã hỗ trợ 3,86 tỷ đồng để  HTX nông nghiệp và tư nhân mua 23 máy gặt đập liên hoàn, 8 máy làm đất cỡ trung bình và 10      gieo sạ hàng. Vẫn là không thấm tháp vào đâu, khi sức dân được huy động với: 42 máy gặt đập liên hợp, 7 máy cày cỡ nhỏ, 118 máy tuốt lúa. HTX tự đầu tư xây dựng 5 kho lạnh.

 

Một vùng nông thôn mới đã “chắp cánh” cho những cánh đồng “đầy ắp” tư duy của sản xuất hàng hóa tập trung: xã Trọng Quan, bố trí vùng sản xuất khoai tây tập trung rộng cả 100 ha. Thanh Tân quy hoạch 100 ha cho cây đậu tương và màu vụ đông. Nguyên Xá, hình thành vùng lúa chất lượng cao: Bắc Thơm, T10 cũng rộng 100 ha. Quỳnh Minh, 52 ha trồng ớt xuất khẩu. Hồng Minh, có 4 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa: 533 ha; vùng lớn nhất rộng 175 ha sản xuất 2 vụ lúa và một vụ đông. Ðến những nơi ấy, nghe bà con hồ hởi kể về hiệu quả kinh tế của vùng nông thôn mới như: Vùng trồng ớt, khoai tây cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần trước đây mà thấy ấm lòng, thêm niềm tin lớn về chủ trương xây dựng NTM.

 

Xây dựng NTM là của dân, cho dân nên lòng dân đồng thuận. Xã Hồng Minh (Hưng Hà) có 31 hộ hiến đất làm đường thôn với diện tích 1.370m2; phá dỡ 470 m tường xây, 13 cổng nhà, 9 bể nước; nơi linh thiêng là nhà thời họ cũng được cả dòng họ tự nguyện tháo dỡ để mở đường nông thôn, khang trang hơn. Nếu tính “tấc đất, tấc vàng: thì việc hiến dâng đất của người dân các xã được xem là cả núi vàng, đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM. Khi còn trên cương vị Bí thư Ðảng ủy và bây giờ là Chủ tịch xã Thanh Tân - Bùi Mạnh Hà, có lần tâm sự với tôi rằng: Thanh Tân không có dân không làm được như thế. Câu khẩu hiệu được người dân Thanh Tân nhớ nhất “Mỗi người hãy đóng góp 1 ý tưởng cho xây dựng NTM”. Vâng, chỉ một ý tưởng thôi có thể làm nên cả một chuyện lớn ở nông thôn.

 

Có lần theo Bí thư huyện ủy Vũ Thư, Nguyễn Tiến Thành đi kiểm tra ngày lao động xã hội chủ nghĩa xây dựng NTM; gặp rất nhiều cụ già tuổi 70- 80 vẫn hăng hái vác cuốc ra đồng làm thủy lợi với con cháu. Có một chuyện khi đi  cơ sở nắm tình hình xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Văn Sinh kể rằng: Về xã Hồng Minh, anh em báo cáo chuyện làm đường nông thôn, mặt đường không đạt kích thước như quy định của tỉnh, như thế có được hỗ trợ “không”? Anh Sinh trả lời: Làm thế nào cũng được, nhưng không đủ kích thước quy định thì không được hỗ trợ. Nghe vậy, chính quyền xã, thôn vội họp bàn với bà con: nên mở rộng đường theo quy định thì được hỗ trợ vốn, nếu không sẽ không được hỗ trợ. Bà con nghe ra nhất trí mở rộng đường vừa đi lại thuận tiện mà được tỉnh hỗ trợ, dù chỉ một phần kinh phí, so với công sức, tiền của bà con đóng góp cũng là rất quý. Bài học ấy cho ta nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình xây dựng NTM là hãy để người dân được bàn, được quyết định những vấn đề liên quan đến lợi ích của chính họ.

 

Từ 8 xã làm điểm, đến nay dưới ánh sáng NQ 02 của Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo của tỉnh đang nỗ lực để xây dựng thành công 70 xã NTM vào năm 2015 và phấn đấu để Thái Bình trở thành tỉnh NTM trong tương lai không xa.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa