Thứ 6, 17/05/2024, 11:10[GMT+7]

Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thứ 6, 08/06/2018 | 09:53:35
911 lượt xem
Để bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão năm 2018, ngành Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được giao quản lý. Tập trung bạt lề đường, khơi thông cống rãnh để phát huy chức năng thoát nước và chống hư hỏng lề, mặt đường khi bị ngập nước.

Cắt, tỉa cây xanh trước mùa mưa bão năm 2018 tại phố Hai Bà Trưng (thành phố Thái Bình).

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trực thuộc huy động nhanh nhất lực lượng, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN khi có lệnh điều động.

Năm 2017 có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình và một số đợt mưa lớn kéo dài đã làm mặt đường một số đoạn bị ngập nước trong thời gian dài, gây hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, ngay sau khi bão tan, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN ngành Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban, Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình khẩn trương khơi thông rãnh thoát nước và các vị trí cống bị bồi lấp, bảo đảm khả năng thoát nước cho các tuyến đường, khẩn trương xử lý các vị trí bị lún sụt, sạt lề. Do làm tốt công tác chuẩn bị, ngành Giao thông Vận tải đã kịp thời khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Các sự cố được xử lý kịp thời, giao thông bảo đảm thông suốt, an toàn.

Để bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão năm 2018, ngành Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được giao quản lý. Tập trung bạt lề đường, khơi thông cống rãnh để phát huy chức năng thoát nước và chống hư hỏng lề, mặt đường khi bị ngập nước. Đối với những vị trí xung yếu có khả năng sạt, trượt khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để gia cường, củng cố bảo đảm an toàn công trình giao thông. Thường xuyên kiểm tra, chặt tỉa, đốn hạ các cây xanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra. Kiểm tra cầu, cống, đường giao thông để có kế hoạch sửa chữa, gia cường cầu yếu, vá ổ gà, xử lý cao su... Xây dựng phương án chống va trôi cho các cầu Triều Dương, Vô Hối, Trà Lý, Thái Bình, Hiệp, Trà Giang, Diêm Điền, Tịnh Xuyên...

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Hiện nay, lực lượng thanh tra giao thông đang tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn công trình giao thông. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện những hư hỏng công trình, đôn đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình sửa chữa kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ phương tiện vận tải thủy tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền vào công trình cầu. Phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố, lực lượng công an, Thanh tra Cục Đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra các bến phà, bến khách ngang sông. Đặc biệt chú ý chất lượng kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị an toàn, bằng lái của người điều khiển phương tiện, giấy phép mở bến khách ngang sông... Trong quá trình kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN ngành cũng yêu cầu các đơn vị vận tải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật, hệ thống thông tin, tín hiệu liên lạc theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu và người điều khiển phương tiện sẵn sàng phục vụ hoạt động PCTT - TKCN. Đối với các phương tiện vận tải thủy, cần khảo sát, tìm nơi trú ẩn và có phương án bảo đảm an toàn phương tiện, hàng hóa. Khi có báo động số 2 trở lên, các phương tiện vận tải thủy tạm ngừng hoạt động. Riêng bến phà Cồn Nhất phải dừng hoạt động khi điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của phà; đồng thời, xem xét độ an toàn, cần thiết mới cho chạy phà...

* Nằm cạnh sông Luộc, hàng năm luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đợt mưa bão, vì vậy, công tác PCTT - TKCN là nhiệm vụ luôn được xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) đặt lên hàng đầu.

Quỳnh Ngọc có hơn 2,3km bờ đê, 24ha cây màu ngoài đê, 312 bè cá lồng, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đê Quỳnh Ngọc cũng là một trong những điểm xung yếu của huyện Quỳnh Phụ trong các mùa mưa bão. 

Ông Lưu Xuân Hoài, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã cho biết: Trước diễn biến bất thường của thời tiết, sau khi nhận được kế hoạch của huyện, Đảng ủy xã đã họp và ra nghị quyết lãnh đạo, UBND xã xây dựng kế hoạch, ra quyết định thành lập Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã, phân công nhiệm vụ cụ thể đến các tổ chức, cá nhân từ xã đến thôn. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo đài truyền thanh làm tốt công tác tuyên truyền, viết tin, bài, tiếp âm đầy đủ các chương trình của đài huyện và đài tỉnh, đặc biệt là trong các đợt mưa bão để nhân dân theo dõi, chủ động trong công tác phòng, chống. Với các hộ dân có nhà không bảo đảm an toàn, nhà ngoài đê, xã lập danh sách và các phương án di dời kịp thời khi có mưa bão xảy ra. 

Hộ nuôi cá lồng ở xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) gia cố lồng bè để ứng phó với mưa bão.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, Quỳnh Ngọc đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện như bao bì, cuốc xẻng, thuyền, máy phát điện...; phát động nhân dân các thôn chuẩn bị rào tre, đuốc, tập trung sẵn sàng tại những điểm tập kết. Tại các điểm xung yếu, thường xuyên xảy ra mạch ngầm, mạch sủi trên thân đê thuộc địa phận xã, một khối lượng đất đá đã được huyện tập kết, sẵn sàng xử lý khi có tình huống phát sinh. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN xã đã thành lập các tiểu ban tiền phương, hậu phương, tổ chống úng, tổ hỗ trợ di dân, tổ giao thông, cứu thương, canh gác thường trực... với lực lượng cừ sách 100 người, lực lượng xung kích 120 người và gần 70 người thuộc lực lượng tiếp vận sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có thiên tai xảy ra.

Trước mỗi mùa mưa bão, UBND xã Quỳnh Ngọc chỉ đạo HTX DVNN và các thôn kiểm tra hệ thống thủy lợi trên toàn bộ diện tích, kịp thời nạo vét, khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện thông thoáng sông trục khi mưa, lũ xảy ra. Nhờ đó, hàng năm đã hạn chế thấp nhất tình trạng úng ngập cho hơn 370ha lúa trong nội đồng vào mùa mưa bão. Thôn Tân Mỹ nằm sát đê hữu Luộc với hơn 1.000 hộ dân, có bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và chuồng trại nằm ngoài đê. Đặc biệt, 15 hộ có 312 bè cá lồng trên sông, đây là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thiên tai xảy ra. Địa phương đã tập trung kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức PCTT - TKCN cho người dân. 100% hộ nuôi cá lồng đều bảo đảm các phương án chằng chống, gia cố lưới lồng, hệ thống dây neo, phao lồng, bè dự trữ khi có mưa, lũ xảy ra. 

Anh Nguyễn Văn Tuy chia sẻ: Gia đình tôi là một trong những gia đình tiên phong nuôi cá lồng ở địa phương từ năm 2014, hiện tại có 4 lồng bè, lượng thả trung bình 5.000 con/lồng, chủ yếu là cá lăng và cá diêu hồng. Nhờ xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức nên qua các mùa mưa bão chúng tôi đã giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn lồng bè, vật nuôi. 

Ông Nguyễn Duy Lễ, Bí thư Chi bộ thôn Tân Mỹ cho biết: Trước mùa mưa bão năm 2018, thực hiện chỉ đạo của xã, chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án, lập kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng, vật tư, phương tiện cho công tác PCTT - TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”. Thôn đã thành lập các đội gác nước, đội bơi cứu nạn, đội trực canh đê... với hơn 50 thành viên giàu kinh nghiệm, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Ngoài ra, công tác hậu cần cũng được chú trọng, trong điếm canh đê thuộc Km16+500 đê hữu Luộc do thôn Tân Mỹ quản lý đã tập kết sẵn lượng bao bì, áo phao, đèn hiệu, loa máy... phục vụ công tác PCTT - TKCN.

Phạm Hưng - Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày