Thứ 6, 10/05/2024, 12:46[GMT+7]

Múa rối nước di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ 2, 17/09/2018 | 08:54:02
11,974 lượt xem
Nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các (Đông Hưng) là 1 trong 8 di sản vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, giờ đây nghệ thuật múa rối nước đã tìm được chỗ đứng và khẳng định được vị trí của mình trong nền văn hóa dân tộc.

Múa rối nước là nghệ thuật trình diễn dân gian, phản ánh đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của cư dân vùng lúa nước. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp đòi hỏi trí tuệ sáng tạo, nhịp nhàng, tài hoa của nhiều nghệ nhân. Dùng mặt nước làm sân khấu, nghệ thuật múa rối nước có những nét đặc trưng riêng với nhiều thành phần tạo nên như: sân khấu, buồng trò, quân rối, máy điều khiển quân rối, nghệ nhân, trò và tích trò, văn học, âm nhạc… Nghệ nhân múa rối dùng sức cản đẩy và thể lỏng của nước vào điều khiển quân rối bằng gỗ. Không ai nhớ và khẳng định được múa rối nước tại xã Nguyên Xá và Đông Các ra đời từ khi nào. 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đường, phường múa rối nước xã Nguyên Xá cho biết: Ngay cả các bậc cao niên trong xã cũng chỉ biết múa rối nước ở xã có từ lâu lắm, có trước đây 12 đời. Còn chính xác từ khi nào thì không ai dám khẳng định. Bởi nghệ thuật múa rối nước rất có thể có từ trước khi mà múa rối nước và múa rối cạn đã khá thịnh đạt. Điều này được ghi tại bia đá ở chùa Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Chú Tễu - một trong những quân rối độc đáo của phường múa rối nước xã Đông Các (Đông Hưng).

Ở Thái Bình, đến trước năm 1945, toàn tỉnh có 7 phường rối cổ truyền: Bắc Lạng, Tây Trong, Tây Ngoài (xã Nguyên Xá); Tăng (xã Phú Châu); Tuộc (xã Phú Lương); Đống (xã Đông Các); Kỳ Trọng (xã Đông Hà). Những làng có các phường rối này đều là làng chèo với nhiều gánh chèo, phường chèo có danh tiếng. Trong số ấy, phường rối nước xã Nguyên Xá (tiền thân là phường rối nước làng Nguyễn) và phường rối nước xã Đông Các (phường rối nước làng Đống) còn tồn tại đến ngày nay và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Không chỉ có thế mạnh với những nét đặc trưng riêng trong từng tiết mục mà các phường rối này còn sở hữu hai quân rối Tễu đẹp nhất của sân khấu múa rối nước và của cả ngành múa rối truyền thống Việt Nam.

Nếu phường rối nước xã Đông Các có chú Tễu cao 0,7m như một chàng trai làm ruộng béo tròn, phốp pháp, mình trần vận khố, áo treo trễ tràng, cổ đeo khánh bạc, tóc để trái đào, da dẻ hồng hào, miệng cười tươi thì phường rối nước xã Nguyên Xá lại tự hào về chú Tễu cao to nhất các phường với trên 0,9m trẻ trung, nghiêm trang, trên mình đóng chiếc khố điều. Ngoài chú Tễu ở Nguyên Xá còn có nét độc đáo trong quân rối là cô tiên cao 85cm và con cá dài hơn 1m. Bên cạnh đó, nét đặc trưng ở phường rối nước xã Đông Các là nghệ nhân dùng máy sào và que tay để điều khiển con rối còn ở Nguyên Xá dùng cả máy sào và máy dây.

Ông Nguyễn Văn Chật, Phó Trưởng phường múa nước xã Đông Các cho biết: Phường rối của xã có 21 thành viên. Ngoài các tích trò cổ, nhiều thành viên trong phường đã soạn và viết một số tích trò mới như: chọi trâu, thị màu lên chùa. Đặc biệt, lời giới thiệu còn được viết bằng tiếng Anh để phù hợp với thực tiễn khi có đoàn nước ngoài đến xem, biểu diễn. Máy điều khiển của phường rối chúng tôi do các cụ cao niên nghĩ ra rồi tự làm, máy được cải tiến trở thành loại độc đáo hơn hẳn các máy điều khiển của các phường rối nước ở các phường khác. Để đi biểu diễn lưu động thay cho hồ ao, nghệ nhân của phường còn sáng chế ra thùng múa rối.

Trong nghệ thuật múa rối nước, người vào phường rối ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo thì phải có sức khỏe tốt để lội nước, chịu được lạnh, đóng cọc, kéo dây, gánh gồng, khuân vác... Nghệ nhân được chia thành hai nhóm: nhóm điều khiển con rối và nhóm nhạc công, nghệ sĩ hát, diễn trình lời. Để trình diễn được một vở dài 30 - 60 phút, các nghệ nhân phải luyện tập cùng nhau cả tháng và phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ. Điều khiển một quân rối có lúc chỉ cần 2 người nhưng đôi khi phải 3 - 4 người. Các quân rối điều khiển phải tự nhiên, có hồn vì thế người điều khiển cần nhập tâm, hòa cùng nhân vật và phối hợp nhịp nhàng với bạn diễn. Hiện nay, ở các phường rối, độ tuổi tham gia rất đa dạng từ 26 - 80 tuổi. Nhiều cụ cao niên vì quá “say” nghề, đam mê với nghệ thuật múa rối nước nên vẫn tiếp tục tham gia. Thế hệ trẻ kế cận được các cụ trong phường truyền nghề chứ không qua trường lớp đào tạo.

Về lời giáo, phường múa rối nước Nguyên Xá dùng một dàn hát lồng tiếng, hát làm nền hoặc thoại nhân vật, thuyết minh nội dung trò còn phường rối Đông Các dùng băng thu sẵn lời hát, bài giới thiệu biểu diễn cùng quân rối. Cùng với lời giáo, quân rối, nghệ nhân, trò và tích trò, buồng trò, kỹ thuật chế tác quân rối… cũng được các phường rối đặc biệt chú trọng nhằm mang đến cho khán giả những vở diễn hay, độc đáo, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy chịu ảnh hưởng tác động của các loại hình văn hóa hiện đại, hoạt động tự thu, tự chi và thiếu các nghệ nhân trẻ song thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tổ chức trong nước, quốc tế, các ban, ngành, địa phương, múa rối nước xã Nguyên Xá và Đông Các đã xây dựng được hệ thống thủy đình, được nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiết mục mới, nhiều nghệ nhân được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân. Nhờ đó, các phường rối nước tổ chức nhiều chuyến lưu diễn, có khi biểu diễn ở các nước châu Âu và giành được nhiều huy chương vàng, bạc trong các hội thi toàn quốc.

Bảo tồn và phát huy được nghệ thuật múa rối nước là việc làm cần thiết và cần có sự chung tay của cộng đồng nhất là khi nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đòi hỏi cần có sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực gìn giữ, trao truyền của các nghệ nhân, sự tiếp nối, trách nhiệm gìn giữ của thế hệ trẻ.

Bảo lưu và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể

Nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của những người công tác trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của những nghệ nhân phường rối mà còn là niềm vinh dự cho người dân Thái Bình. Bởi thông qua loại hình nghệ thuật này, đời sống, phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa… của cư dân vùng sông nước sẽ được bảo lưu, gìn giữ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tính cả nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các thì đến nay, toàn tỉnh có 8 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước ở xã Nguyên Xá và Đông Các, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên quan tâm và hỗ trợ kinh phí đầu tư cho hai phường rối nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiết mục mới và tham dự liên hoan rối nước toàn quốc đồng thời thành lập hội đồng xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân phường rối. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì thế, cùng với việc gìn giữ và phát huy các di sản đã được công nhận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lựa chọn và lập hồ sơ các di sản văn hóa tiêu biểu báo cáo UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá

Phường rối nước của xã có tiền thân là phường múa rối nước làng Nguyễn, đã có từ lâu đời. Với những tích trò phản ánh cuộc sống sinh hoạt của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, múa rối nước được khán giả đón nhận tích cực. Hàng năm, trong các lễ hội, ngày kỷ niệm của địa phương múa rối nước đều tham gia biểu diễn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, xã đã cùng các cụ cao niên trong phường rối xây dựng hệ thống tổ chức đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, hồ sơ xét duyệt các danh hiệu nghệ nhân. UBND xã cũng thường xuyên động viên tinh thần các nghệ nhân và tuyên truyền, vận động những thanh niên có niềm đam mê, nhiệt huyết tham gia vào phường rối.
Ông Nguyễn Đình Bẩy, Trưởng phường múa rối nước xã Nguyên Xá

Phường múa rối nước của xã có 25 thành viên, có độ tuổi từ 26 - 74 tuổi. Đây là những người có niềm đam mê, nhiệt huyết và luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa rối nước. Hiện phường có hàng trăm trò và tích trò cổ được lưu truyền qua nhiều đời. Các trò biểu diễn có mật độ quân rối dày đặc, lời ca phong phú đã mang lại niềm vui, nâng cao đời sống tinh thần cho khán giả. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, phường rối của xã đã đi lưu diễn nhiều nơi như: Pháp, Nhật, Nga… Tại các kỳ liên hoan rối nước toàn quốc, phường giành được nhiều huy chương vàng, bạc. Nhiều nghệ nhân trong phường đã được phong nghệ nhân ưu tú. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui song cũng đặt ra trách nhiệm với những nghệ nhân trong phường để có thể gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo này.
Ông Phạm Viết Rục, nghệ nhân phường múa rối nước xã Đông Các


Từ bé, tôi đã được cha mẹ cho đi xem biểu diễn múa rối nước mỗi khi làng có lễ hội, vì quá yêu thích nên tôi xin tham gia vào phường rối. Đến nay, 80 tuổi tôi đã có hơn 50 năm gắn bó với nghệ thuật rối nước. Mỗi lần được tham gia biểu diễn, tôi như quên hết mệt mỏi, hóa thân vào nhân vật để mang đến cho khán giả những tiết mục hay, độc đáo. Sau mỗi đợt biểu diễn, tôi đã cùng với các thành viên trong phường lại nghiên cứu, tìm tòi, chế tạo máy biểu diễn sao cho các nhân vật thể hiện sinh động, có hồn và có thể trao đổi đồ trên sân khấu. Tôi sẽ vẫn tiếp tục tham gia biểu diễn và sẵn sàng truyền nghề cho những người trẻ tuổi có lòng đam mê để nghệ thuật múa rối nước được duy trì, phát triển.
Nhóm phóng viên

Hoàng Lanh