Thứ 5, 16/05/2024, 13:08[GMT+7]

Nguy hiểm từ bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 20/09/2018 | 08:29:17
466 lượt xem
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Thái Bình đã chỉ đạo các địa phương tích cực tuyên truyền về diễn biến của bệnh đến nhân dân đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống.

Các hộ chăn nuôi tăng cường tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10/9/2018 đã có 17 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 500.000 con. 

Đặc biệt, bệnh DTLCP đang bùng phát tại Trung Quốc, do đó nguy cơ bệnh dịch từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ mắc bệnh chết 100%. Vi rút gây ra bệnh DTLCP có sức đề kháng cao, lợn khỏi bệnh lâm sàng có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh DTLCP. 

Theo ngành chuyên môn hiện chưa có vắc-xin, thuốc điều trị được bệnh DTLCP, do đó giải pháp phòng bệnh là chính, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm vào đàn lợn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học... 

Đối với Thái Bình, UBND tỉnh đã sớm chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm tập kết, buôn bán lợn thịt, lợn giống và sản phẩm từ lợn. Yêu cầu các ngành, các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn; nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn trên địa bàn tỉnh. 

Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15/9 đến ngày 15/10. Đáng chú ý, bệnh DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Tuy nhiên, vi rút gây DTLCP có thể gây chết 100% lợn nhiễm bệnh, trong khi hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. 

Do đó, các địa phương phải hành động quyết liệt, nếu chủ quan, lơ là thì hậu quả khi dịch bệnh xảy ra sẽ rất nặng nề, đe dọa tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân. Trước đó, trong tháng 9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã phát động chiến dịch tiêu độc khử trùng tại các huyện, thành phố. Mục đích chủ động ngăn chặn, tiêu diệt các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm bảo đảm cho môi trường chăn nuôi an toàn. Phạm vi tiêu độc khử trùng các địa phương cần chú ý toàn bộ nơi có ổ dịch cũ lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm và nơi có nguy cơ cao như khu vực chợ, nơi giết mổ, nơi tập trung, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, khu vực bến đò, phà, nơi công cộng, các trang trại, chuồng nuôi gia súc, gia cầm và vùng phụ cận trên địa bàn tỉnh.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày