Thứ 6, 10/05/2024, 20:23[GMT+7]

Đông Hưng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Thứ 7, 05/01/2019 | 09:27:09
1,081 lượt xem
Thời gian qua, huyện Đông Hưng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm tăng giá trị trên đơn vị canh tác. Đây là chủ trương đúng, trúng, nhận được sự hưởng ứng của các địa phương, tạo cú hích cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

HTX DVNN xã Mê Linh (Đông Hưng) thu mua khoai tây cho các hộ xã viên.

Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất
Vẫn cấy lúa nhưng anh Vũ Viết Thủy ở xã Đông Phương nhờ tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi. Với 11 mẫu lúa, anh Thủy quy hoạch thành 2 vùng thuận tiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 100% diện tích được cấy bằng giống lúa BC15. Anh còn đầu tư 400 triệu đồng cùng tiền hỗ trợ của nhà nước mua máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hoàn, chế tạo dàn máy phun thuốc trừ sâu để khép kín quá trình sản xuất lúa của gia đình. Anh cũng tự tìm và ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định toàn bộ lượng thóc sản xuất ra với thương lái. Nếu như trước đây mỗi năm anh thu từ cấy lúa, làm thuê chỉ khoảng 20 triệu đồng thì nay số tiền đó đã lên tới 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120 triệu đồng.

Đến thăm vườn cam canh rộng trên 7.000m2 của ông Nguyễn Văn Vinh (xã Đô Lương) trĩu quả đang mùa thu hoạch, ai cũng phải trầm trồ khen ngợi song ít ai biết rằng trước đây vùng đất này chỉ có sự tồn tại của cỏ. Để đất cằn vẫn cho trái ngọt, ông Vinh đã mạnh dạn nhận chuyển đổi hết diện tích “bờ xôi ruộng mật” của gia đình về đó, đồng thời thuê thêm ruộng, đầu tư cải tạo làm vườn trồng cam canh. Ông Vinh cho biết: Nhận thấy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống không mang lại hiệu quả nên từ năm 2013 tôi đã chuyển đổi ruộng, quy vùng, đổ đất thành vườn trồng cam canh. Vì trồng cam hữu cơ nên cho quả ngọt, sạch, thị trường tiêu thụ rất rộng, cung không đủ cầu. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi từ 130 - 150 triệu đồng. Ông Vinh vẫn muốn xã tạo điều kiện để ông thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng cam.

Thành công của anh Thủy, ông Vinh đã minh chứng cho việc tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp hàng hóa là hướng đi lâu dài, bền vững, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đến nay,  Đông Hưng đã xây dựng được 31 cánh đồng lớn với diện tích 1.409ha và 6 cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm với diện tích 76,32ha, năng suất cao hơn so với năng suất của cánh đồng đại trà từ 15 - 20%.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn.

Tìm đầu ra cho nông sản
Để sản xuất nông nghiệp bền vững không chỉ là vấn đề quy hoạch vùng sản xuất tập trung hay đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người nông dân mà quan trọng là phải tìm được đầu ra ổn định cho nông sản để tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Với các cơ chế, chính sách cởi mở, trải thảm đỏ của huyện mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty TNHH Thuận Khang, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Lam Sơn... bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân. Đặc biệt, huyện và tỉnh vừa ký kết với Viện Nông nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và các khu chế xuất ở một số xã làm điểm.

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc (cụm công nghiệp Xuân Quang, xã Đông Xuân, Đông Hưng) cho biết: Để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa hàng hóa, Công ty liên kết với gần 30 HTX DVNN trong toàn tỉnh, trong đó có nhiều HTX của huyện Đông Hưng tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Bình quân hàng năm Công ty thu mua trên 100.000 tấn thóc, trong đó trên 50.000 tấn thóc mua trong tỉnh.

HTX DVNN các xã thời gian qua cũng rất tích cực nhận ruộng hoang, ruộng cấy lúa kém hiệu quả của bà con không sản xuất để cấy lúa, trồng cây vụ đông, đồng thời liên kết với các công ty nông sản trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Điển hình như HTX DVNN các xã Phú Châu, An Châu, Mê Linh... Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX DVNN xã Mê Linh cho biết: Năm 2018, HTX liên kết với Công ty TNHH Thuận Khang bao tiêu 30 tấn thóc Nhật, Đài thơm 8, Bắc thơm và 20 tấn khoai tây cho nông dân trong xã. HTX mượn, thuê ruộng của bà con trồng bí, khoai tây (năm 2017 là 5ha, năm 2018 là trên 5 mẫu), thuê gần 30 người chăm sóc, thu hoạch; liên kết với Công ty Thương mại Hoa Nam (Hà Nội) thu mua toàn bộ khoai tây cho bà con với giá cao. Năm 2019, HTX sẽ triển khai 3 mô hình sản xuất lúa hàng hóa trên cánh đồng mẫu lớn với sự tham gia của 150 hộ xã viên gồm: mô hình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính 10ha, trồng lúa Đài thơm 8 là 10ha và 5ha lúa Nhật. HTX đã ký kết với Công ty TNHH Thuận Khang cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các mô hình trên.

Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện Đông Hưng đạt 3.145 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2017; năng suất lúa đạt 132,4 tạ/ha, cao nhất tỉnh. Việc đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn. Nhờ vậy, đời sống của người nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 39 triệu đồng, năm 2019 phấn đấu đạt từ 41 triệu đồng trở lên.


Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hưng

Để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện Đông Hưng tiếp tục vận động các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, theo hướng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất quy mô lớn; tiếp tục đồng hành với bà con xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm đưa sản phẩm có thế mạnh của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Bùi Văn Khuể, xã An Châu, huyện Đông Hưng

Nhận thấy việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ sẽ tăng giá trị trên đơn vị canh tác, tôi đã xin chuyển toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình, thuê lại ruộng của những hộ không cấy gồm 2 mẫu về vùng chuyên màu, quy vùng, làm tường bao quanh trồng cây ăn quả và cây dược liệu. Trong vùng chuyển đổi tôi trồng 150 gốc thanh long, 70 gốc táo, 4.000 gốc đinh lăng và hàng trăm cây mít, ổi, cam canh. Với cách sản xuất này, mỗi năm tôi thu được từ 100 - 150 triệu đồng.


 Đỗ Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày