Thứ 7, 11/05/2024, 04:51[GMT+7]

Vũ Thư: Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

Thứ 2, 25/03/2019 | 09:32:05
2,682 lượt xem
Trên 7.800ha lúa xuân của huyện Vũ Thư hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Nông dân Vũ Thư tập trung chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh sớm để bảo vệ an toàn cây lúa non.

Ông Bùi Thanh Nhàn, thôn Tây Hồ, xã Hòa Bình (Vũ Thư) bón phân hoai mục cho lúa xuân.

Năm nay, sau gieo cấy, nhiệt độ và độ ẩm không khí thường xuyên duy trì ở mức cao tạo thuận lợi cho lúa xuân phát triển nhanh. Hiện hầu hết lúa của huyện đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ. Cánh đồng thôn Tây Hồ, xã Hòa Bình trải rộng một màu xanh mướt của lúa non. 

Trên cánh đồng, nông dân tiến hành tỉa dặm, bón phân, cắt cỏ bờ, phun thuốc phòng trừ ốc bươu vàng. Bà Trần Thị Ân, thôn Tây Hồ chia sẻ: Gia đình bà gieo cấy 4 sào lúa, bằng giống lúa T10. Hiện lúa lên đều, đẹp, đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Theo khuyến cáo của HTXNN xã Hòa Bình, bà Ân không chủ quan mà tập trung bón thúc đợt 2 đúng lịch với lượng phân NPK còn lại để lúa phát triển tốt. Bà tiến hành dọn sạch cỏ bờ, thu gom tiêu hủy những chòm mạ dư thừa để hạn chế nguồn bệnh. Đặc biệt, do thời tiết mưa ẩm kéo dài, ruộng lúa của gia đình bà Ân đã xuất hiện bệnh đạo ôn rải rác. Nhằm ngăn ngừa bệnh đạo ôn phát triển lây lan ra diện rộng, bà Ân nghe tư vấn kỹ thuật của HTXNN và tiến hành phun thuốc phòng trừ kịp thời... 

Trên cùng cánh đồng thôn Tây Hồ, ông Bùi Thanh Nhàn có nỗi lo khác. Ông Nhàn cho biết: Lúa của gia đình ông phát triển khá tốt, chưa có sâu bệnh phát sinh. Ông đang tiến hành tập trung bón thúc lần 2. Tuy nhiên, lúa bị chuột cắn phá gây hại mạnh. Từ đầu vụ đến nay, ông và các hộ trong thôn đã tổ chức rải bả đánh chuột đồng loạt 3 lần nhưng chuột vẫn gây hại. Do đó, ông Nhàn dùng phân gà hoai mục để bón thúc cho lúa, vừa tạo nguồn phân hữu cơ, tốt cho cây lúa và đất, vừa dùng phân gà như một “bí quyết” để đuổi chuột... 

Ông Đoàn Văn Hà, Giám đốc HTXNN xã Hòa Bình cho biết: Bón thúc tập trung sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng suất lúa. HTXNN hướng dẫn nông dân không bón đạm đơn mà sử dụng các loại phân bón NPK chuyên thúc có đủ thành phần đạm, lân, kali với tổng lượng từ 10 - 12kg/sào để bón 2 đợt, trong đó đợt 1 bón 2/3 lượng phân, đợt 2 bón toàn bộ lượng phân còn lại. Hướng dẫn bà con năm nay tăng lượng phân 10 - 15% so với mọi năm. HTXNN cung ứng đầy đủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ bà con chăm sóc, bảo vệ lúa; chỉ đạo tổ nông giang thường xuyên vận hành các trạm bơm để bảo đảm nước tưới cho lúa. Ngoài ra, HTXNN phối hợp với các ngành chuyên môn theo dõi sát sao đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh phát sinh.

Bà Lê Thị Thu Hồi, Quyền Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư cho biết: Thời tiết đầu vụ xuân năm nay, nền nhiệt độ và độ ẩm cao, ánh sáng yếu, rất phù hợp, tạo thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển, tuy nhiên cũng tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Qua kiểm tra đồng ruộng, chúng tôi phát hiện bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên diện tích lúa cấy sớm, ở một số giống nhiễm như BC15, Q5, nếp, TBR225, Bắc thơm... Bệnh xuất hiện rải rác tỷ lệ 3%, nơi cao từ 10 - 15%, cá biệt trên 20%, đặc biệt đã xuất hiện một số ổ lùn lụi. Các vết bệnh đều là vết mới, cấp tính, đang hình thành và phát triển. Điều kiện thời tiết mưa ẩm kéo dài như hiện nay, dự kiến từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, bệnh đạo ôn có nguy cơ phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng. Do đó, chúng tôi đã tham mưu cho huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến của bệnh; phát động bà con vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy chòm mạ dư thừa, nếu có điều kiện rắc vôi bột xung quanh bờ ruộng là tốt nhất. Bà con cần chú ý chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý để cây lúa khỏe, tránh bón đạm đơn, sử dụng phân qua lá và các loại kích thích sinh trưởng, gây ra tình trạng tốt “lốp” dễ sâu bệnh. Đặc biệt, các HTXNN luôn chủ động điều tiết nước hợp lý, đối với những ruộng chớm bị bệnh, tuyệt đối không để ruộng khô hạn vì bệnh tuyến trùng dễ gây hại bộ rễ lúa. Khi ruộng bị nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 3 - 5% trở lên, khuyến cáo nông dân dùng một trong các loại thuốc đặc trị như Filia 525SE, Katana20SC, Bump 650WP... để phun phòng trừ; sau 5 - 7 ngày cần kiểm tra lại, nếu có vết bệnh mới, phải phun thuốc lần 2. 

Cùng với phòng trừ bệnh đạo ôn, Trạm phối hợp với các HTXNN tuyên truyền nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để đánh bắt, ngăn ngừa chuột, ốc bươu vàng gây hại và phát hiện sớm, xử lý kịp thời các loại sâu bệnh khác có thể phát sinh, tránh lây lan thành dịch, bảo vệ an toàn lúa xuân đầu vụ.


Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày