Thứ 5, 16/05/2024, 13:20[GMT+7]

Kiểm soát nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ 4, 22/05/2019 | 08:37:55
1,109 lượt xem
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) lĩnh vực thực phẩm trên địa bàn diễn biến phức tạp nhưng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 huyện Đông Hưng vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự vào cuộc kịp thời của đơn vị đã góp phần giữ cho môi trường SXKD lành mạnh, ổn định và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng liên ngành huyện Đông Hưng kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh Nguyễn Thị Hoài, xã Đông Sơn (Đông Hưng).

Huyện Đông Hưng có 44 xã, thị trấn. Theo thống kê của Đội QLTT số 2, toàn huyện có 427 hộ SXKD thực phẩm, gần 10 doanh nghiệp, nhà phân phối mặt hàng thực phẩm và có 38 chợ nông thôn, nơi hoạt động giao lưu hàng hóa thực phẩm diễn ra sôi động. Ông Phạm Huy Hiện, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết: Đối tượng SXKD nhiều nhưng quy mô nhỏ lẻ, phân tán, đội ngũ cán bộ chỉ có 7 người, địa bàn phụ trách rộng nên việc quản lý, giám sát, phát hiện hoạt động SXKD thực phẩm của Đội gặp nhiều khó khăn.

Phần lớn các cơ sở, hộ SXKD thực phẩm ở Đông Hưng nằm ở các làng nghề truyền thống như bánh cáy, kẹo lạc xã Nguyên Xá; quẩy ở xã Đông Quang, bún ở xã Đông Xuân... Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất của các hộ còn hạn chế, mặt bằng sản xuất chật hẹp, nhận thức pháp luật còn thấp dẫn đến tình trạng các sản phẩm ở làng nghề chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua các đợt kiểm tra của lực lượng chức năng, những lỗi vi phạm phổ biến của các hộ SXKD thực phẩm ở các làng nghề là: sản phẩm khi lưu thông chưa ghi nhãn hàng hóa, thiếu hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, mang mặc trang phục bảo hộ lao động và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm định kỳ theo quy định chưa được thực hiện nghiêm. Thêm vào đó, việc SXKD thực phẩm đối với mặt hàng bia, rượu, nước giải khát trên địa bàn huyện cũng tồn tại nhiều bất cập. Nổi cộm là tình trạng sản xuất rượu thủ công và kinh doanh rượu chưa được cấp phép; các hộ SXKD mặt hàng này chưa thực hiện nghiêm quy định về tài liệu, chứng từ, hóa đơn và công bố chất lượng. Đây là một trong những mối nguy cơ dẫn đến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để duy trì môi trường, SXKD thuận lợi cho các hộ SXKD và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, Đội QLTT số 2 tích cực phối hợp với các cấp, ngành của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp, hộ SXKD trên địa bàn. Đội tổ chức cho các doanh nghiệp, hộ SXKD ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, lực lượng QLTT cũng làm tốt công tác quản lý, nắm tình hình địa bàn kết hợp với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Năm 2018, Đội QLTT số 2 đã tổ chức kiểm tra gần 200 lượt cơ sở SXKD thực phẩm, phát hiện và xử lý 83 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 93,5 triệu đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, Đội đã kiểm tra 18 lượt, phát hiện, xử lý 13 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 25 triệu đồng. Song song với việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thông qua kiểm tra, phát hiện các sai phạm, Đội QLTT số 2 nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ SXKD thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, SXKD thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, kiểm soát viên thị trường, Đội QLTT số 2 chia sẻ: Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực SXKD thường xuyên thay đổi nên ngoài nỗ lực khắc phục khó khăn về lực lượng và thiếu trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ, anh em trong Đội thường xuyên phải học tập, cập nhật những chính sách, quy định mới của pháp luật. Một mặt phục vụ nhiệm vụ của đơn vị, mặt khác giúp cho lực lượng QLTT tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ SXKD nắm bắt kịp thời để thực hiện đúng, tránh tình trạng vi phạm do thiếu kiến thức pháp luật.

Cơ sở SXKD Nguyễn Thị Hoài ở thôn Phấn Dũng, xã Đông Sơn là một trong những hộ SXKD thực phẩm lớn của huyện Đông Hưng với các mặt hàng chủ lực: bánh cáy, kẹo lạc, kẹo dồi mang thương hiệu Đình Mạnh. Ông Nguyễn Đình Mạnh, đại diện cơ sở cho biết: Sản lượng bánh, kẹo đạt 180 tấn/năm, tiêu thụ khắp cả nước, nộp ngân sách nhà nước từ 50 - 60 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 8 lao động. Hàng năm, lực lượng liên ngành và Đội QLTT số 2 đều kiểm tra hoạt động SXKD của gia đình. Sau mỗi lần kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ ra những thiếu sót và hướng dẫn gia đình hoàn thiện các thủ tục hành chính, thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp cho cơ sở nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững.

Khắc Duẩn