Thứ 6, 19/04/2024, 14:23[GMT+7]

Vi vu tiếng sáo diều

Thứ 2, 23/01/2017 | 16:05:56
7,802 lượt xem
Không viết từ bao giờ hình ảnh cánh diều chao liệng giữa bầu trời lộng gió đã là biểu tượng của sự thanh bình, là khát vọng bay xa với ý nghĩa xua tan mọi xui xẻo và cầu mong về cuộc sống “thuận buồm xuôi gió”. Thả diều từ thú chơi giản dị của tuổi thơ, của những người nông dân chân lấm tay bùn trên cánh đồng quê hương giờ đã trở thành bộ môn nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam.

 

Cuộc hội ngộ của niềm đam mê diều

 

Tháng 12/2016, sau thành công của lễ hội diều quốc tế diễn ra tại Vũng Tàu, thay vì trở về nước, các nghệ nhân diều quốc tế đã quyết tâm đi tìm hiểu về nguồn gốc chiếc diều sáo độc đáo của Việt Nam. Bởi vậy, họ lên đường đến với quê hương Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư với niềm háo hức được tìm tòi, chinh phục loại diều độc đáo mang thứ thanh âm trong trẻo, có khả năng giúp người nghe được nghỉ ngơi, thư giãn. Thế là, cuộc gặp gỡ giữa bao con người cùng chung niềm đam mê với những cánh diều quê lúa được diễn ra trong không gian linh thiêng của ngôi đền cổ kính và tấm lòng nồng hậu, gần gũi của người dân nơi đây. Dù mang nhiều trở ngại vì bất đồng ngôn ngữ, nghệ nhân diều quốc tế vẫn chăm chú dõi theo bao câu chuyện về lịch sử lễ hội Sáo Đền với lễ thả diều độc đáo trong mỗi mùa lễ hội và đặc biệt là cùng tìm hiểu về nét riêng biệt của loại diều sáo nơi đây. Không thể sản xuất đại trà hay sử dụng máy móc công nghiệp trợ giúp, mỗi chiếc diều sáo được làm ra dù với kích cỡ nhỏ hay lớn, đều là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo từ khâu chọn những cây tre già để làm khung, chọn hình dáng, kích cỡ, chất liệu của thân diều và đặc biệt là làm nên bộ sáo. Tùy theo mức độ cầu kỳ và hình dáng chế tác mà thời gian của người nghệ nhân để làm ra một chiếc diều sáo phải mất từ vài ngày đến nhiều tháng trời mới có thể hoàn thiện. Bởi mỗi vùng lại có sự kết hợp khác nhau nên tiếng sáo diều cũng mang nét đặc trưng của từng làng quê. Và ngay chính trong làng, mỗi người cũng làm nên bộ sáo với thanh âm riêng, không thể trộn lẫn. Người chơi diều lâu năm, chỉ cần nghe tiếng sáo ấy, là đã có thể đoán ra đó là diều của ai.

 

Nặng lòng với lễ hội truyền thống

 

 

Về xã Song An, thật khó để có thể tìm ra gia đình nào không sở hữu một chiếc diều sáo. Niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật cổ truyền của cha ông dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Bởi vậy mà mỗi mùa lễ hội truyền thống luôn là dịp hội ngộ được mong chờ trong cả một năm bận mải, bộn bề với công việc. Hàng năm, hội thi thả diều được diễn ra trong chuỗi hoạt động của lễ hội Sáo Đền vào dịp tháng 3 âm lịch. Ngoài loại diều nghệ thuật dễ làm, dễ chơi, xã tổ chức hội thi diều truyền thống với các yêu cầu về chất liệu, trang trí, cách thức thi diều giữ nguyên như xưa. Mỗi dịp lễ hội, hàng trăm chiếc diều với đủ kích cỡ, màu sắc khác nhau tụ hội về Song An. Cánh diều no gió bay bổng, vi vu như ước vọng của nhân dân về quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Những cánh diều sáo đơn sơ, mộc mạc mà rất đỗi nên thơ, lãng mạn, như chính tâm hồn của người dân quê lúa. No gió, trăm con diều sáo như những cánh én nhỏ chao liệng trên không trung. Hòa quyện trong tiếng gió là tiếng sáo diều thanh thoát, trong trẻo như xua tan đi bao mệt mỏi, nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh, bỗng chốc khiến lòng người thanh thản, nhẹ nhàng, thư thái. Mỗi cánh diều ấy cũng gợi nhớ về năm tháng tuổi thơ, khi dõi theo cánh diều mà ngước lên bầu trời cao rộng, phóng khoáng. Bởi vậy mà cánh diều ấy cũng mang theo cả bài học đầu tiên của cuộc đời của mỗi chàng trai về gió và những ước mơ. 

 

 

Năm 2013, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam đã chính thức được thành lập, đưa ra những quy tắc chuẩn mực trong việc chơi diều. Tuy nhiên, để thú chơi diều, thú chơi của dân gian có thể mãi lưu truyền và phát triển cần đến nỗ lực không nhỏ từ chính mỗi niềm đam mê với loại hình giải trí lâu đời mang nhiều khát vọng của dân tộc. Trên thế giới, nhiều quốc gia có diều truyền thống. Nhưng chỉ với diều Việt Nam, người thưởng lãm mới có thể vừa ngắm cánh diều no gió chao liệng trên bầu trời, cong vút như mảnh trăng khuyết, vừa được lắng nghe bên tai tiếng sáo diều trầm bổng, ngân nga.

 

 

 

Bà Lê Thị Thiết, Trưởng ban sáng lập Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam

 

Với mong muốn có thể quảng bá, mang nét đẹp văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam đã đi đến rất nhiều quốc gia. Tại các cuộc thi diều ở các nước châu Âu, các nước Đông Nam Á, nhiều nghệ nhân diều thế giới đã vô cùng thích thú với những chiếc diều sáo cổ truyền của Sáo Đền. Song song với việc quảng bá hình ảnh diều sáo Việt Nam, điều tôi mong mỏi nhất đó là làm sao trò chơi cổ truyền này của cha ông có thể được gìn giữ, bảo tồn, được phát huy và thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu, thêm gắn bó với trò chơi thả diều - một thú vui tao nhã mang những nét đặc trưng của hình học.

 

Ông Quan Hằng Cao, thành viên Hiệp hội Diều thế giới

 

Khi tham dự các lễ hội diều trên thế giới, được tận tay cách thả diều sáo cổ truyền của đất nước mình lên bầu trời, tôi tự hào khi thanh âm trong trẻo của tiếng sáo diều đã làm lay động biết bao trái tim của các nghệ nhân diều trên thế giới. Tôi hiểu rằng diều sáo là di sản vô cùng quý giá của đất nước, quê hương mình mà không nơi nào có được, bởi vậy, cùng với các nghệ nhân diều, chúng ta hãy cùng cố gắng khôi phục, gìn giữ và phát huy nét đẹp này.

 

Ông Hoàng Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam

 

Thái Bình là một trong những cái nôi của diều sáo. Bởi vậy hiện nay diều sáo được phát triển rất tốt, đặc biệt thông qua mỗi mùa lễ hội Sáo Đền. Ngày càng có nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ đam mê thú vui tao nhã, cổ truyền này. Các nghệ nhân diều quốc tế rất tâm đắc với chiếc diều sáo Việt Nam bởi nó xuất phát từ chính cuộc sống đời thường của người dân lao động và từ tâm linh nên luôn mang giá trị tinh thần to lớn.

 

Anh Tú

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày