Thứ 5, 28/03/2024, 23:42[GMT+7]

Thương mại điện tử chưa tương xứng tiềm năng

Thứ 3, 01/12/2020 | 08:52:50
8,173 lượt xem
Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2020, phần lớn các mục tiêu đề ra đều hoàn thành. Song tốc độ tăng trưởng TMĐT trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi nhu cầu cuộc sống bởi vẫn còn đó những rào cản kìm hãm TMĐT phát triển.

Mặc dù cửa hàng này có máy POS nhưng phần lớn người tiêu dùng vẫn sử dụng tiền mặt khi thanh toán.

Đợt dịch Covid-19 xảy ra đầu năm nay lại là cơ hội cho thị trường TMĐT tăng trưởng. Thêm một lần nữa chúng ta thấy rõ đây là loại hình thương mại xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và là kết quả của quá trình đầu tư của tỉnh cho hạ tầng TMĐT phát triển. Hệ thống mạng lưới viễn thông, internet cáp quang trên địa bàn tỉnh được nâng cấp và không ngừng mở rộng, được doanh nghiệp, đông đảo người dân sử dụng dịch vụ. 

Bà Ngô Thị Liên, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế (Sở Công Thương) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 517 máy chấp nhận thanh toán thẻ (máy POS), 781.000 tài khoản thanh toán, phát hành 946.000 thẻ thanh toán các loại tạo thuận lợi cho việc giao dịch TMĐT không dùng tiền mặt. 70% siêu thị, cửa hàng tự chọn và cơ sở phân phối trên địa bàn tỉnh có máy POS, sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua internet banking. Bưu điện tỉnh mở rộng trung tâm khai thác, mạng lưới bưu cục đến tận điểm xã, có xe ô tô chuyên dùng vận chuyển thư, hàng hóa và thực hiện dịch vụ giao hàng nhận tiền (COD). 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng mạng internet, trang bị máy tính và các thiết bị di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển, 5 năm qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không chỉ được tuyên truyền, tập huấn kiến thức về TMĐT, nhiều doanh nghiệp còn được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng website doanh nghiệp, bộ thương hiệu trực tuyến, phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng, xúc tiến bán hàng trực tuyến, hệ thống quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trực tuyến... Đến nay, khoảng 40% doanh nghiệp có website để quảng bá thông tin, hình ảnh sản phẩm và sử dụng các mạng xã hội, nền tảng di động và tham gia các sàn TMĐT để kinh doanh. 90% doanh nghiệp đã sử dụng thư điện tử để trao đổi, giao dịch với khách hàng; sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao tiếp như Viber, Facebook Messenger, Zalo... 50% doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh để phát triển giao dịch TMĐT theo mô hình B2B và B2C. Áp dụng phổ biến chữ ký số và chứng thực chữ ký số để bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT. Phần lớn các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được vị trí, vai trò và lợi ích của TMĐT, do đó đã phát sinh nhiều hoạt động giao dịch mua sắm trực tuyến.

Mặc dù rất nhiều cửa hàng, siêu thị chấp nhận thanh toán qua QR Code, ví điện tử nhưng số lượng khách hàng sử dụng không nhiều.

Do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc nhiều người dân phải lựa chọn mua sắm trực tuyến dẫn đến TMĐT tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hết thời gian giãn cách xã hội, thị trường TMĐT lại hạ nhiệt. 

Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Các hạ tầng TMĐT có tốc độ phát triển và thay đổi nhanh; nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện phức tạp về phương thức hoạt động và chủ thể tham gia, phạm vi giao dịch rộng lớn, vượt khỏi các khuôn mẫu kinh doanh truyền thống, do đó việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán, đánh lừa người tiêu dùng trên các sàn TMĐT hoặc website, mạng xã hội mua bán trực tuyến dẫn đến tâm lý người mua chưa yên tâm mua sắm và ngại thanh toán online. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về TMĐT còn gặp nhiều khó khăn về nắm bắt các thông tin để quản lý và giám sát các hoạt động TMĐT của các thương nhân, tổ chức tại địa phương.

TMĐT chậm phát triển còn nằm ở chỗ, nhận thức của một số doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT còn hạn chế, chưa chấp hành pháp luật về TMĐT trong việc kê khai, thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp có website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin đơn thuần, chưa khai thác hết các tính năng ứng dụng của website trong hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; còn thiếu những doanh nghiệp thực hiện kinh doanh TMĐT dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng. 

Bà Ngô Thị Liên cho biết thêm: An toàn bảo mật thông tin, sự tin cậy đối với môi trường kinh doanh không giấy tờ, không sản phẩm, không tiếp xúc trực tiếp là một vấn đề gây trở ngại lớn đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Người mua thiếu thông tin về sản phẩm, đôi khi bị người bán cung cấp thông tin không trung thực; việc trả hàng do sản phẩm lỗi, không đúng như cam kết thì thủ tục hoàn tiền cho người mua chậm, khó khăn cũng là nguyên nhân kìm hãm giao dịch trên TMĐT.

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, một trong những nguyên nhân TMĐT phát triển chậm là vì đặc thù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Khả năng tài chính của doanh nghiệp hạn hẹp nên việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng TMĐT chưa thực sự được chú trọng. Mặt khác, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán, đánh lừa người tiêu dùng ngay trên các sàn TMĐT hoặc website mua bán trực tuyến còn nhiều làm cho thị trường TMĐT bị méo mó, mất niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư vào TMĐT của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Khắc Duẩn