Thứ 3, 23/04/2024, 22:21[GMT+7]

Một bản án thấu tình đạt lý

Thứ 4, 06/09/2017 | 09:04:32
56,922 lượt xem
Sau khi nghe tòa tuyên án xong, niềm vui lại hiện về trên khuôn mặt người lính cựu mà bấy lâu nay chỉ biết có lo lắng. Vậy là sau 5 năm bị kiện tụng thì cuối cùng công lý cũng tìm về với gia đình ông...

Ảnh minh họa.

Diễn biến sự việc

Sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ trở về quê hương, ông Phạm Đức Thiện, sinh năm 1954, ở thôn Phúc Tiền, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy mang trong người di chứng của chất độc da cam. Tuy sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn hăng say lao động và luôn giúp đỡ mọi người. Cụ Tý nhà bên cạnh có con trai là ông Khải nhưng sinh sống ở Hà Nội, vì cụ sống một mình lại do tuổi cao sức khỏe yếu nên nhờ ông Thiện là hàng xóm sát vách ngày ngày sang trông nom, chăm sóc cụ.

Gia đình cụ Tý có thổ đất ở diện tích 220m2 trên đó có căn nhà bốn gian cấp bốn. Năm 1990, cụ Tý có ý định bán nhà để chuyển lên sống cùng con trai nhưng không có ai mua. Lúc này ông Thiện biết nên mới thỏa thuận mua lại toàn bộ diện tích nhà và đất với giá 1,8 triệu đồng. Việc mua bán có làm hợp đồng và nhờ người khác viết hộ, cụ Tý do không ký được nên đã điểm chỉ vào giấy bán nhà, ngoài ra còn có chữ ký của bà Nguyên (vợ ông Thiện) và 1 người làm chứng nhưng không có xác nhận của UBND xã.

Sau khi bán nhà, cụ Tý chuyển lên Hà Nội ở cùng con trai nhưng được một tháng thì cụ quay về và có nói với vợ chồng ông Thiện cho ở nhờ trên chính ngôi nhà mình đã bán. Cụ còn gửi lại 300.000 đồng tiền bán nhà cho ông Thiện và thỏa thuận khi nào cụ chết thì ông Thiện giao nốt số tiền này để lo tang ma cho cụ. Vợ chồng ông Khải hàng năm đều về thăm mẹ và biết việc mẹ mình đã bán đất cho ông Thiện. Năm 2003, vợ chồng ông Thiện làm nhà mái bằng và sửa sang, xây dựng các công trình phụ trên mảnh đất này. Cụ Tý là người đứng ra tổ chức làm lễ cúng thần linh giúp ông. Trong thời gian làm nhà ông Khải cũng có về chơi vài lần. Cụ Tý ngày càng tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông Thiện càng vất vả và không ngừng chăm sóc cụ, xem cụ như người thân trong gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng cụ trong suốt 17 năm. Năm 2008, khi cụ Tý qua đời, vợ chồng ông đứng ra lo tang ma cho cụ chu đáo, vẹn toàn.

Khi cụ Tý mất được một thời gian, ông Khải ngỏ ý muốn mua lại phần đất trước kia của gia đình để làm từ đường nhưng ông Thiện không đồng ý. Tháng 9/2012, ông Khải về sửa nhà đã xuống cấp và bị sập mái thì ông Thiện đưa ra tờ giấy bán nhà, đất với lý do cụ Tý đã bán toàn bộ nhà ở và đất cho ông. Do hai bên không giải quyết được mâu thuẫn nên tháng 10/2012 ông Khải khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán nhà, đất vô hiệu. Ông Khải cho rằng dấu vân tay điểm chỉ trong giấy bán nhà không phải của mẹ ông và chữ ký của người làm chứng cũng giả mạo, nhà cửa do ông xây dựng nên cụ Tý không có quyền bán. Vợ chồng ông Thiện lợi dụng mẹ ông già yếu ở nhà nên tự ý viết ra giấy bán nhà để chiếm đoạt nhà, đất của gia đình ông.

Phiên tòa sơ thẩm lần 1

Tháng 4/2013, Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy xử sơ thẩm đã căn cứ Luật Đất đai năm 1987 cho rằng hành vi mua bán đất đai thời điểm đó đều bị cấm, do đó giao dịch mua bán nhà đất giữa cụ Tý và vợ chồng ông Thiện là vi phạm pháp luật và không có giá trị thực hiện ngay từ thời điểm xác lập. Theo đó, Tòa tuyên bố hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở lập ngày 7/10/1990 giữa cụ Tý với gia đình ông Thiện bị vô hiệu; xử buộc ông Thiện phải trả lại nhà ở và đất; giao cho ông Khải được quyền tạm quản lý trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất.

Phiên tòa phúc thẩm lần 1

Phiên tòa sơ thẩm kết thúc, vì quá bức xúc với việc làm của ông Khải nên ông Thiện đã làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 01/2013/DS-ST ngày 4/4/2013 của Tòa án nhân huyện Thái Thụy vì vi phạm thủ tục tố tụng và xét xử sai về đường lối áp dụng pháp luật, giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy giải quyết lại từ đầu.

Hành trình tìm lại công lý

Vậy là bao nhiêu công sức chăm sóc cụ Tý trong 17 năm ròng mà hôm nay vợ chồng ông Thiện lại trở thành bị đơn trong vụ án tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và nhà ở. Tại phiên tòa, phía nguyên đơn đều có luật sư bảo vệ còn mình thì không. Tháng 8/2013, Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy tiếp tục thụ lý để giải quyết lại vụ án. Lúc này ông không biết kêu ai, nhờ ai vì hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên không có điều kiện thuê luật sư được.

Cũng trong khoảng thời gian cuối năm 2013, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Thái Thụy tổ chức hội nghị trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Thái Phúc dành cho người có công, hộ nghèo, gia đình chính sách... nơi gia đình ông đang sinh sống. Thông qua hội nghị, ông Thiện đã tìm đến trợ giúp pháp lý để được giúp đỡ tham gia tố tụng. Biết ông Phạm Đức Thiện là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Bình đã cử trợ giúp viên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông trước.

Trong quá trình giải quyết vụ án từ đầu năm 2014 đến năm 2016 Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy đã phải hoãn phiên tòa một lần và sau đó tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do phải chờ kết quả giám định hợp đồng mua bán nhà ở của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Trong vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, trợ giúp viên đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc, đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Tòa về tính pháp lý của vụ án cũng như rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, giúp đương sự khỏi mất thời gian đi lại.

Một cái kết có hậu

Tháng 6/2016, Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm lần 2. Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ nguyên đơn cho rằng hợp đồng vô hiệu vì bị giả mạo (không xác định được chữ ký của người làm chứng), không tuân thủ hình thức hợp đồng vì không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cụ Tý không có quyền bán nhà vì nhà do vợ chồng ông Khải xây dựng nên.

Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ bị đơn nêu quan điểm: giao dịch mua bán nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991 phải được xem xét giải quyết theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 và Thông tư liên tịch số 01/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 25/1/1999 hướng dẫn Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24/8/1998, theo đó hợp đồng mua bán nhà ở không nhất thiết phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi cụ Tý còn sống các bên đều đã thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng, vợ chồng ông Thiện cũng đã làm nhà cửa kiên cố trên đất này, có cụ Tý và các con cháu của cụ chứng kiến. UBND xã xác nhận đất đai, nhà cửa của ông Thiện không tranh chấp với ai, sử dụng ổn định, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Tại phiên tòa, ông Khải cũng không chứng minh được ngôi nhà bốn gian cấp bốn là của mình. Cho nên trợ giúp viên pháp lý đề nghị Hội đồng xét xử công nhận hợp đồng và bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trước những chứng cứ có thật và lập luận sắc bén của trợ giúp viên pháp lý, Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và công nhận hợp đồng có giá trị, yêu cầu các bên thực hiện tiếp nghĩa vụ của hợp đồng.

Tuy nhiên, sau khi Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy tuyên án xong thì nguyên đơn lại kháng cáo và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử lại vì cho rằng bản án sơ thẩm không khách quan, vi phạm pháp luật. Ngày 12/9/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành mở phiên tòa phúc thẩm lần 2, tại phiên tòa, đại diện phía nguyên đơn đã không bổ sung thêm được tài liệu, chứng cứ gì mới nên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xét xử y án sơ thẩm và bản án có hiệu lực pháp luật ngay.

Sau khi nghe tòa tuyên án xong, niềm vui lại hiện về trên khuôn mặt người lính cựu mà bấy lâu nay chỉ biết có lo lắng. Vậy là sau 5 năm bị kiện tụng thì cuối cùng công lý cũng tìm về với gia đình ông. 

Quang Nghị

(Sở Tư pháp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày