Thứ 3, 23/04/2024, 15:05[GMT+7]

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 tại Thái Lan: Nhiều kế hoạch bị đảo lộn

Chủ nhật, 09/05/2021 | 10:22:14
2,179 lượt xem
Suốt 2 tuần qua, Thái Lan liên tục phải chứng kiến số bệnh nhân mắc mới Covid-19 vượt trên 2.000 người/ngày. Làn sóng dịch thứ 3 tấn công đang khiến các bệnh viện của nước này đứng trước nguy cơ quá tải và làm đảo lộn nghiêm trọng kế hoạch phục hồi kinh tế được đưa ra từ đầu năm 2021.

Thái Lan phải thành lập thêm bệnh viện dã chiến để phục vụ bệnh nhân Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Thái Lan, ước tính các bệnh viện nước này có tổng cộng khoảng 1.000 giường chăm sóc tích cực (ICU). Nếu số ca mắc mới Covid-19 theo ngày liên tục ở mức 2.000 người/ngày thì số giường chăm sóc tích cực sẽ nhanh chóng sử dụng hết trong vòng ít ngày tới. Giáo sư Prasit Watanapa, Chủ nhiệm Khoa Y tế của Bệnh viện Siriraj ở thủ đô Bangkok cảnh báo, Thái Lan đang tiến tới giai đoạn khủng hoảng thực sự nếu số ca mắc và tử vong do Covid-19 không giảm. Người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch để chặn đứng đợt bùng phát mới.

Trước nguy cơ thiếu giường bệnh, các cơ quan chức năng của Thái Lan đang chạy đua với thời gian để nâng khả năng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là tăng số giường ICU, thành lập các bệnh viện dã chiến và chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện. Nhằm trấn an người dân, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh, Chính phủ đã sẵn sàng đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 và sẽ làm tất cả những gì có thể để cung cấp giường cho bệnh nhân.

Ngoài tâm lý chủ quan sau 1 năm khống chế thành công đại dịch, nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát dịch trầm trọng lần này được cho là từ các hoạt động đón Tết cổ truyền Songkran. Mặc dù đã cấm tập trung đám đông tham dự phong tục té nước truyền thống, song nhiều người vẫn tới các quán bar, tụ điểm vui chơi ban đêm, đi du lịch hoặc về quê thăm người thân đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Việc chậm trễ trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 và “bài toán” cân bằng giữa các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với sức ép vực dậy nền kinh tế cũng đang khiến cho công tác phòng dịch trở nên khó khăn hơn.

Theo con số thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan giảm 6,1% năm 2020 - kết quả tồi tệ nhất trong vòng 2 thập niên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Dự kiến, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt mức 1,6% trong năm nay nếu Chính phủ Thái Lan không đưa ra những biện pháp kích thích nền kinh tế. Trong khi đó, đợt bùng phát làn sóng dịch thứ 3 này đang đe dọa phá hỏng kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong hai tháng tới. Chính phủ Thái Lan đã giảm số lượng du khách quốc tế dự kiến tới nước này xuống còn 3-4 triệu lượt trong năm nay, đồng thời hạ mức dự báo doanh thu du lịch từ 1.218 tỷ baht xuống còn 850 tỷ baht (27 tỷ USD) trong năm 2021.

Ông Titanun Mallikamas, Thư ký Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết, với mức đóng góp của ngành Du lịch vào GDP lên tới 12%, sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan sẽ chậm hơn so với các quốc gia khác, vốn ít phụ thuộc vào du lịch. Thực tế cho thấy, mức sụt giảm mạnh mẽ lượng khách du lịch quốc tế đã gây ra tác động nặng nề đối với GDP Thái Lan trong quý I-2021. Sẽ phải mất ít nhất 2,5 năm, tức đến giữa năm 2023, nền kinh tế Thái Lan mới có thể hồi phục như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện tại, cải thiện động lực kinh tế từ các đối tác thương mại để tăng trưởng xuất khẩu, kết hợp với các biện pháp kích thích của Chính phủ Thái Lan sẽ là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế nước này hồi phục.

Những tuần tới được dự báo là giai đoạn rất khó khăn đối với xứ sở Chùa Vàng. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi các biện pháp chủ động, sự quyết đoán của Chính phủ và quan trọng hơn là ý thức chống dịch của người dân mới có thể giúp Thái Lan vượt qua làn sóng mới nguy hiểm này.

Theo hanoimoi.com.vn