Thứ 6, 29/03/2024, 13:17[GMT+7]

Sức người quê lúa góp phần đánh thắng giặc Mỹ

Thứ 4, 22/04/2020 | 09:10:44
60,264 lượt xem
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 là trang sử chói lọi của dân tộc, là niềm tự hào bất tận của mỗi người dân Việt Nam. Trong những ngày tháng hào hùng và oanh liệt đó, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Bình đã tích cực chi viện “sức người, sức của” cho miền Nam, làm tròn nghĩa vụ là hậu phương vững chắc đối với tiền tuyến lớn, góp phần tô thắm chiến công vang dội “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Cựu chiến binh xã Hồng Lĩnh (Hưng Hà) trò chuyện, động viên tân binh địa phương trước ngày lên đường nhập ngũ năm 2020.

Đầu năm 1958, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thí điểm việc thực hiện nghĩa vụ quân sự ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An. Tại Thái Bình, tháng 1/1959, 4 đoàn khám sức khỏe của tỉnh do Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh dẫn đầu về các huyện: Tiên Hưng, Quỳnh Côi, Vũ Tiên, Kiến Xương... làm nhiệm vụ tuyển quân. Trong năm 1959 đã có 87% thanh niên trong độ tuổi của các huyện đăng ký khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ngày hội giao quân có 3.832 thanh niên lên đường nhập ngũ, vượt 53,4% chỉ tiêu trên giao.

Cùng với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ giai đoạn 1960 - 1965, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vừa nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Chỉ tính riêng năm 1965, Thái Bình đã tổ chức 4 đợt tuyển quân lớn và nhiều đợt bổ sung với số người lên đường nhập ngũ chiếm 1,75% dân số và 12% lao động nam. Thực hiện lệnh động viên cục bộ năm 1965 và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 4 năm (1965 - 1968), Thái Bình không chỉ giao 20.000 quân mà còn xây dựng, bổ sung từ đại đội đến tiểu đoàn và nhiều tiểu đoàn dẫn quân vào thẳng chiến trường. Động viên trong 4 năm (1965 - 1968), Thái Bình đã tiễn đưa 76.038 con em lên đường nhập ngũ, chiếm 6,2% dân số toàn tỉnh. Chất lượng quân nhân được nâng lên, đa số đều có kiến thức quân sự nhất định của chiến sĩ bộ binh và trình độ văn hóa cấp II, trải qua nhiều lần học tập và sinh hoạt chính trị...

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, công tác tuyển quân của tỉnh gặp một số khó khăn như: nguồn tuyển quân tuổi 18 - 25 đã cạn, thể lực thanh niên phát triển không kịp, số thanh niên còn lại đủ chỉ tiêu hầu hết ở các cơ sở yếu, tư tưởng của một bộ phận nhỏ thanh niên dao động. Trước tình hình đó, Hội đồng Tuyển quân tỉnh vẫn quyết tâm “giao đủ quân, chất lượng cao”. Nhiều địa phương một mặt thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, mặt khác đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn tỉnh hướng ra tiền tuyến” và các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi trên các lĩnh vực... Nhờ vậy, giai đoạn 1969 - 1971, công tác tuyển quân của Thái Bình đã vượt qua khó khăn, hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao.

Quán triệt đường lối, chủ trương cách mạng của Đảng, chỉ đạo của Hội đồng Chính phủ, của Quân khu, trong giai đoạn 1973 - 1975, quân và dân Thái Bình nhận thức sâu sắc nhiệm vụ tổ chức, huy động lực lượng chi viện “sức người, sức của” cho tiền tuyến là một công tác chủ yếu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà. Đầu năm 1975, Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung làm tốt nhiệm vụ tuyển quân gắn với thực hiện chính sách hậu phương quân đội, xác định đây là việc làm của toàn Đảng, toàn dân, bằng cả chính trị, tư tưởng và tình cảm; quản lý hậu phương quân đội toàn diện, rộng khắp đối với từng người, tác động đến toàn xã hội. Giai đoạn này, Thái Bình đều vượt chỉ tiêu giao quân theo quy định, được Hội đồng Chính phủ biểu dương là 1 trong 17 tỉnh, thành phố của miền Bắc tuyển quân giỏi và là tỉnh tuyển quân có tỷ lệ so với dân số cao nhất miền Bắc; 3 địa phương (Tiền Hải, Thái Thụy và thị xã Thái Bình) nằm trong 26 huyện, thị xã tuyển quân xuất sắc của miền Bắc.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1959 - 1975), Thái Bình đã tiễn đưa 178.114 thanh niên lên đường nhập ngũ, gia đình quân nhân đi B, C qua các năm (1966 - 1975) là 370.125 gia đình. Bộ đội Thái Bình bổ sung cho chiến trường nào, đơn vị nào, ở đâu cũng có ấn tượng, tình cảm tốt, nhiều người lập công xuất sắc. Đến năm 1978 đã có 26 người được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hầu hết các tỉnh miền Nam đều có thanh niên Thái Bình từng chiến đấu, bị thương, hy sinh. Tổng số liệt sĩ của Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là hơn 34.400 người.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,  Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng dấu ấn chiến tranh, những đóng góp của quân và dân Thái Bình trong các cuộc kháng chiến vệ quốc mãi là khúc ca khải hoàn, là trang sử rạng ngời, giúp thế hệ trẻ quê hương hôm nay phấn đấu học tập, lao động để xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong những năm qua, Thái Bình là một trong những địa phương được Quân khu 3 đánh giá cao về công tác tuyển quân. Không chỉ bảo đảm đủ chỉ tiêu được giao, Thái Bình còn nâng cao về chất lượng tân binh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quân đội. Con em Thái Bình đang công tác trong các đơn vị đều giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Cựu chiến binh Đỗ Văn Khổn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh

Nếu trong kháng chiến chống thực dân Pháp có nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc, Tạ Quốc Luật cắm cờ trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri báo hiệu thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có Vũ Ngọc Nhạ - nhà tình báo chiến lược, Phạm Tuân - anh hùng phi công dũng cảm quật ngã pháo đài B52 của giặc Mỹ, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận - người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước... Còn rất nhiều người con quê lúa Thái Bình trong đoàn quân Nam tiến chi viện cho miền Nam đã trở thành những liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cựu chiến binh Bùi Đình Nho, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội tăng thiết giáp tỉnh


Vào những năm tháng cách đây nửa thế kỷ, cả đất nước sục sôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thanh niên lúc bấy giờ khí thế rất hăng hái lên đường để được tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chính quyền và các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ đã động viên rất kịp thời để chúng tôi yên tâm lên đường nhập ngũ. Bản thân mỗi chúng tôi đều nhận thấy trách nhiệm của mình. Không chỉ bản thân tôi mà tất cả thanh niên lúc bấy giờ chỉ nghĩ muốn được tham gia, được góp sức mình vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Trong ba lô ngoài quân tư trang còn có cuốn sổ, chiếc bút, có người có chiếc khăn người yêu tặng lúc chia tay. Ai cũng có niềm tin đến ngày chiến thắng và ngày trở về.

Binh nhất Nguyễn Minh Tiến, Tiểu đoàn 471, Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân


Là một trong những quân nhân vừa nhập ngũ, được sống, học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, tôi càng thấu hiểu sự khó khăn, gian khổ gấp bội phần của thế hệ cha anh đã đi qua hai cuộc kháng chiến. Tôi xin hứa sẽ phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống quê hương, ra sức rèn luyện, phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc.


Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày