Thứ 7, 20/04/2024, 18:08[GMT+7]

“5 tấn thóc” góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại

Thứ 5, 23/04/2020 | 09:40:02
47,800 lượt xem
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình ra sức thi đua lao động sản xuất, viết nên “Bài ca năm tấn”, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Từ 5 tấn thóc (năm 1966), đến nay năng suất lúa của tỉnh đã đạt trên 13 tấn/ha.

Thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 18/5/1965 của Tỉnh ủy Thái Bình: “Bất kể tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tốc độ sản xuất”, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên cả 3 mặt: lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp với mục tiêu “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”. Để rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, Thái Bình đã tập trung quy hoạch lại đồng ruộng; điều chỉnh lại diện tích, cơ cấu cây trồng hợp lý cho từng xã; thực hiện tưới, tiêu chủ động kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giải phóng sức lao động. Với không khí lao động “Tất cả cho tiền tuyến”, với tinh thần “Địch đi là tiếp tục sản xuất”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, vượt qua khó khăn, gian khổ, thiên tai, địch họa, nông dân toàn tỉnh đã ghi bảng vàng năng suất lúa 5 tấn/ha (năm 1966), đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Dù Thái Bình chỉ chiếm 5% diện tích đất đai của miền Bắc nhưng đã đóng góp từ 10 - 12% tổng số lương thực cho Nhà nước. Trong 4 năm (1965 - 1968), Thái Bình đã giao nộp 337.110 tấn lương thực cho Nhà nước, bằng số lương thực sản xuất trong một năm của tỉnh những năm 50 của thế kỷ trước. “Bài ca năm tấn” sống mãi với thời gian, tạo động lực để Thái Bình tiếp tục phấn đấu đưa năng suất lúa tăng lên không ngừng: 5 tấn năm 1966, 7 tấn năm 1974 rồi 10 tấn năm 1990 và hiện nay là trên 13 tấn/ha/năm.

Như vậy, hạt thóc Thái Bình những năm 1965 - 1975 vừa cung cấp cho tiền tuyến lớn miền Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực tối thiểu cho các lực lượng lao động ở hậu phương. Thái Bình luôn đóng góp sức người, sức của ở mức cao nhất cả nước, qua đó góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Bà Đào Thị Mận, 71 tuổi, 51 năm tuổi đảng, thôn An Bài, xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng
Hưởng ứng phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tôi đã xung phong đi dân công đào đất đắp đê ngăn lũ tràn vào thị xã, giờ là thành phố Thái Bình. Lúc đó phong trào thi đua tiền tuyến với hậu phương, hậu phương với tiền tuyến rất sôi nổi, phấn đấu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thực hiện vượt kế hoạch giao. Cứ máy bay đến là chúng tôi chiến đấu, máy bay đi lại sản xuất bình thường. Bản thân tôi có lần suýt chết bởi bom đạn địch khi đang làm nhiệm vụ nhưng vẫn tiếp tục ở lại đào đất đắp đê. Trong sản xuất, ai cũng hăng say làm bèo hoa dâu, lấy bùn, làm phân xanh, trong đó thanh niên còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa. Vinh dự cho tôi ngày đó được đi học ở Trường Trung cấp Nông nghiệp và làm công tác đoàn xã nên đã mạnh dạn áp dụng các kiến thức đã học về làm phân xanh, phân chuồng bón lúa, kỹ thuật làm mạ, thực hiện cấy thẳng hàng... đồng thời phổ biến cho các đoàn viên cùng làm nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra còn đưa các giống lúa mới vào sản xuất, thực hiện “ngày làm thêm giờ, giờ làm thêm việc”.
 
Bà Đào Thị Cậy, 77 tuổi, thôn Quang Trung, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư
Vinh dự cho tôi được là một trong những thành viên của Đội thủy lợi Quang Trung có nhiệm vụ bảo đảm đê điều và các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày đó tôi thường đi làm công trường ở các con sông lớn như sông Kiến Giang, sông Lân, đắp đê Trà Lý và góp phần lớn vào công tác làm thủy lợi nhỏ của địa phương, khai những dòng mương để đưa nước vào đồng. Tôi còn tham gia phong trào sản xuất của hợp tác xã, đảm nhận cả cày, bừa, cấy lúa, làm cỏ, tát nước, chăm sóc lúa. Với phong trào làm bèo hoa dâu, chị em phụ nữ làm ngày không đủ thì tranh thủ làm đêm; làm phân hữu cơ bằng cách cắt cỏ ủ chuồng lợn hoặc ủ ở các đầu ruộng... Tất cả các công đoạn đều làm thủ công và dùng sức người nhưng không ai nản lòng. Bản thân tôi mỗi ngày làm hơn mẫu bèo hoa dâu, có đêm còn đi kéo xe một mình từ Vũ Lạc lên đê Trà Lý rồi ra Tân Đệ, thậm chí ra tận Hải Phòng kéo phân đạm bằng xe ba gác đi bộ về. Hoạt động tích cực của Đội thủy lợi Quang Trung đã góp phần đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ha.


Thu Hiền - Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày