Thứ 6, 26/04/2024, 03:25[GMT+7]

Người dẫn đường cho xe tăng tiến vào dinh Độc Lập

Thứ 3, 28/04/2020 | 08:13:41
48,873 lượt xem
Người dân phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) thường gọi trìu mến cựu chiến binh (CCB) Phạm Duy Đô với cái tên “Đô Gù”. Ông nguyên là Đại đội trưởng Đặc công Đoàn M16, một nhân chứng lịch sử trực tiếp dẫn đường cho xe tăng của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Cựu chiến binh Phạm Duy Đô (người thứ nhất từ trái sang) cùng đồng đội xem bức ảnh phất cờ trước dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, trưng bày tại Bảo tàng Binh chủng Đặc công. Ảnh tư liệu.

Căn phòng dành cho người làm bảo vệ HTX DVNN Lạc Đạo, phường Trần Lãm được bố trí cạnh cầu thang tầng một, được sắp xếp khá gọn gàng. CCB Phạm Duy Đô làm bảo vệ HTX DVNN Lạc Đạo từ năm 1990. Những năm cuối thế kỷ XX, HTX trả công bảo vệ cho ông Đô bằng thóc, mỗi tháng 20kg. Còn bây giờ ruộng của nông dân, của HTX nhà nước quy hoạch xây dựng các công trình và đô thị hóa, HTX chỉ còn 56ha đất sản xuất nông nghiệp, công bảo vệ được HTX thanh toán bằng tiền hàng tháng, mỗi tháng ông Đô được phụ cấp 200.000 đồng. 

“Không phải Ban quản trị HTX không quan tâm mà đây là việc tôi thích, tôi tình nguyện làm, tôi không đòi hỏi chế độ, mấy năm trước các đồng chí lãnh đạo HTX động viên tôi nghỉ. Các đồng chí bảo người ta đi làm bảo vệ mỗi tháng được trả 3 - 4 triệu đồng, bác làm bảo vệ cho HTX mỗi tháng được trả 200.000 đồng, chúng cháu ái ngại quá. Tôi nói, tôi có đòi hỏi HTX trả thêm công đâu, cứ để tôi làm ở đây cho vui, tiền nhiều cũng sướng mà ít tiền thì tôi vẫn sướng. Tôi quen việc rồi” - ông Đô cởi mở nói vậy. 

Chỉ tay sang phía lớp học mầm non gần văn phòng HTX, ông Đô tiếp: Mấy năm nay lớp mẫu giáo mầm non lắp máy vi tính, các cô giáo cứ sợ không có người bảo vệ đêm hôm kẻ gian nó vào nó thó đi mất, mà thuê bảo vệ thì các cô lấy đâu ra tiền, tôi nhận trông coi miễn phí chẳng cần công cán gì, mà cũng chẳng thấy nghèo, còn các cô giáo thì mừng lắm. Ông Đô cho biết, làm bảo vệ ở đây tuy không có nhiều tài sản quý, nhưng cũng phức tạp. Mấy năm trước, vào ban đêm thỉnh thoảng bọn nghiện hút cũng ghé thăm, chúng làm động tác ở ngoài cổng, bên trong tôi đánh tiếng e hèm một cái rồi xua con míc sủa vang, bọn nghiện lủi mất tăm. Gần 30 năm làm bảo vệ văn phòng HTX không để xảy ra mất an toàn, chưa bao giờ phải sử dụng võ của lính đặc công. 

Chuyện “Đô Gù” làm bảo vệ HTX DVNN Lạc Đạo là thế. Nhưng ít người biết “Đô Gù” từng là Đại đội trưởng Đặc công Đoàn M16, trực tiếp dẫn đường cho xe tăng Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đánh chiếm dinh Độc lập ngày 30/4/1975 và chứng kiến giây phút tướng Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng quân giải phóng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam. Tháng 8/1969, Phạm Duy Đô mới 17 tuổi viết đơn tình nguyện tòng quân. Chàng trai có vóc dáng săn chắc ngày ấy được tuyển chọn vào Binh chủng Đặc công và huấn luyện đặc công nước ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), là một trong những chiến đấu viên giỏi của Binh chủng. Năm 1971, Phạm Duy Đô được Binh chủng chọn cử cùng một số chiến đấu viên biểu diễn nghệ thuật đánh của bộ đội đặc công nước Việt Nam cho Phi-đen Cát-xtơ-rô - lãnh tụ Cu Ba xem và được đích thân Chủ tịch Phi-đen bắt tay khen ngợi. Tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ với Mỹ, ngụy, Phạm Duy Đô đầy ắp kỷ niệm chiến trường. Ông nhớ nhất là trên cương vị Đại đội trưởng Đặc công chỉ huy đánh kho bom Long Bình ngày 13/8/1973, đưa bộ đội vào trinh sát phát hiện cửa kho bom địch làm chìm và mở bằng điện, việc đặt mìn phá kho bom gặp khó khăn. Sau khi nghiên cứu thực địa ông nảy ra sáng kiến và đề xuất cách đánh kho bom qua “lỗ thông hơi”, bằng cách đo kích thước ống khói rồi khâu bao tượng, nhồi chất nổ C4 nhét qua lỗ thông hơi từ trên xuống. Trận ấy đơn vị của ông thắng lớn gây thiệt hại trên 40.000 quả đạn pháo các loại của Mỹ. 

Kéo áo cho chúng tôi xem những vết thương trên cơ thể và phần xương sống nổi gù, ông Đô bảo “Đô Gù” là đây, cũng là kỷ niệm chiến trường không thể nào quên khi chỉ huy đơn vị đánh chiếm Chiến đoàn 43 hồi tháng 10/1973, một trong những trận đánh cam go nhất. Trận đánh này ông Đô bị đạn của địch bắn găm vào đùi và bị cây đè gãy đốt sống bất tỉnh. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên đã đưa ra bờ suối gần đó để sáng hôm sau sẽ chôn ông. Nào ngờ nửa đêm ông tỉnh lại và được đồng đội đưa về tuyến sau điều trị. Chỉ ít tháng điều trị, vết thương lành nhưng xương sống nổi cục và Phạm Duy Đô có thêm thương hiệu “Đô Gù” từ đấy. Tháng 4/1974, nhận chỉ thị của trên phân đội của ông phải tìm cách bắt sống tên đại tá Kiệt, Trưởng phòng quân lực Chiến đoàn 43 ngụy đóng ở Hố Nai, Biên Hòa. Sau nhiều ngày trinh sát nắm chắc quy luật đi lại của tên Kiệt, phân đội đặc công của Phạm Duy Đô đã đóng giả một tốp quân ngụy, khi tên Kiệt đi vào khu vực rẫy cà phê gần đó, phân đội đặc công đã ập lại “mời thượng cấp xuống xe” và bắt sống tên Kiệt mà không mất một viên đạn. Những ngày cuối tháng 4/1975, Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Đoàn M16 được trên giao nhiệm vụ tấn công kho xăng An Bình, chiếm giữ cầu Biên Hòa, Phạm Duy Đô đã chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt một trung đoàn địch, bảo vệ cầu Biên Hòa và cầu Đồng Nai. Sáng ngày 30/4/1975, Đại đội trưởng Phạm Duy Đô cùng Chính trị viên Trần Văn Đảo, Phạm Huy Nghệ cắm cờ quân giải phóng sẵn sàng đón đại quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. 

Lục tìm một tấm bản đồ nhỏ đánh dấu các mục tiêu trọng yếu nội đô Sài Gòn, Gia Định mà trước đó Phạm Duy Đô được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ nhiều lần đột nhập trinh sát và cuốn sách hồi ký của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam viết về giờ phút vinh quang của dân tộc, giờ phút vinh quang của quân giải phóng và giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa. Thượng tướng Trần Văn Trà viết: “Chiếc xe tăng T54 đi đầu húc vô cửa sắt dinh Độc Lập vào 11 giờ 10 phút, chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 116 nhảy xuống xe bao vây toàn bộ khu nhà, lùng sục bắt bọn lính bảo vệ, nhân viên ra ngồi tập trung trước bãi cỏ. Chiến sĩ đặc công Phạm Duy Đô và Phạm Huy Nghệ cùng cầm cờ chạy lên ban công cao phía trước dinh tổng thống ngụy quyền, đứng phất cờ hồi lâu, rồi cờ được kéo lên cột cờ chính trước ban công đúng 11 giờ 30 phút, đó là cờ của Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận”. Tổ đặc công lại chạy xuống các tầng dưới lục soát từng phòng. Đến tầng cuối, toàn bộ nội các ngụy quyền đang ngồi đó, chiếc bàn bầu dục trong phòng chính phủ. Đồng chí Đô chĩa súng AK hô to: Các ông đã bị bao vây. Ai có súng bỏ súng xuống đầu hàng. Không ai nhúc nhích, không ai một lời. Phạm Duy Đô ra lệnh cho đồng chí Phạm Huy Nghệ cầm súng AK đứng ở cửa và giao nhiệm vụ: Đồng chí đứng gác ở đây. Không ai được ra khỏi phòng này. Vừa lúc ấy các đồng chí Bùi Tùng, Chính ủy; đồng chí Tài, Lữ trưởng Lữ đoàn 203; đồng chí Minh, Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Dương, Chỉ huy trưởng cánh Đông bộ đội đặc công, biệt động kịp thời đến cửa, Phạm Duy Đô đưa đoàn cán bộ vào, tiếp đó là những phút giây cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa diễn ra, đất nước Việt Nam toàn thắng, Nam Bắc sum họp một nhà.

45 năm sau ngày miền Nam toàn thắng và 36 năm sau ngày rời quân ngũ trở về quê hương, Phạm Duy Đô có thêm danh thơm của người dân yêu quý tặng ông “Đô Gù”. Mỗi ngày ông lấy công việc bảo vệ HTX DVNN Lạc Đạo làm niềm vui và hưởng hạnh phúc cùng gia đình, con cháu. Mỗi lần gặp ông nhắc về thời “Cả nước cùng đánh Mỹ” ông cười, lúc vui lại khoe ra tấm bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm 1975. Nhờ có tấm bản đồ này mà ông đã dẫn một mũi quan trọng của đại quân ta vào dinh Độc Lập để kết thúc 21 năm dân tộc ta kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày