Thứ 6, 26/04/2024, 03:57[GMT+7]

Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 4, 01/04/2020 | 09:00:58
43,609 lượt xem

Bà Phạm Thị Liệu, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũ Thư

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi nhất trí với những đánh giá sát, đúng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm qua. Tuy nhiên, theo tôi  một số chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ tới còn thấp. Cụ thể, đối với tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% số người tham gia bảo hiểm y tế, tôi cho rằng nên đặt mục tiêu và nỗ lực cao hơn để tất cả người dân được tham gia bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hoặc mục tiêu đặt ra là 90% trở lên số hộ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, tôi cho rằng nên đặt mục tiêu cao hơn để tạo động lực cho nhân dân thi đua phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật mang thương hiệu riêng của Thái Bình; tôi mong muốn dự thảo Báo cáo sẽ bổ sung các giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tạo dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.


Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, Thái Bình đã bứt phá trở thành một trong ba tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, cấp nước sạch nông thôn... Phần mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX theo tôi đã xác định rõ những nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025 và xa hơn. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân trên thế giới mà nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo tôi, dự thảo Báo cáo cần bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đặt trong bối cảnh, tình huống đại dịch, thiên tai xảy ra như trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Khi có những giải pháp tổng thể chủ động giải quyết được những vấn đề phát sinh đó sẽ giúp ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng

Tôi nhất trí cao với chủ đề, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Dự thảo Báo cáo đã chỉ rõ, dự báo tình hình trong nước và trong tỉnh những năm tới, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Tôi cũng đồng tình với những giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt: chủ trương chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ; giảm diện tích trồng lúa, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, rau màu có giá trị kinh tế cao; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng trở lên, theo tôi, thời gian tới tỉnh cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế phát triển của nông nghiệp, nông thôn hiện nay bởi nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, thu nhập của nông dân từ đồng ruộng chưa cao, không ổn định bởi chịu tác động của thiên tai, dịch họa.

Nhà thơ Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật


Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX được chuẩn bị công phu, bố cục hợp lý và nêu bật được những vấn đề trọng tâm, đánh giá sát, đúng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Đối với đánh giá về hoạt động của ngành Văn hóa, dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá rất toàn diện và cụ thể, thể hiện được những cố gắng, nỗ lực trong phong trào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên ở lĩnh vực văn hóa, để khuyến khích phát triển hoạt động sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ hơn nữa, có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật chất lượng, bám sát cuộc sống xã hội hơn nữa, tôi mong trong nhiệm kỳ tới có nhiều sự quan tâm dành cho văn học - nghệ thuật. Có thể bổ sung giải pháp về tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá, công bố các tác phẩm nghệ thuật chất lượng đã được các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, một phần để vinh danh, một phần để người dân có thể tiếp cận những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Ông Đỗ Văn Tư, giáo dân Giáo xứ Đại Điền, thôn Đại Điền, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi rất vui mừng, phấn khởi trước những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua. Để đạt được kết quả đó có nhiều nguyên nhân mà dự thảo Báo cáo đã chỉ ra tương đối đầy đủ. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm quý để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Tôi xin đề xuất bổ sung nội dung đó là đã phát huy hiệu quả các nguồn lực tôn giáo vào sự phát triển chung của tỉnh. Thực tế trong thời gian qua, các vị chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều đóng góp tích cực vào các phong trào, hoạt động của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, các hoạt động xã hội, từ thiện. Tôi đề nghị bổ sung thêm trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới nội dung: tiếp tục thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng đời sống văn hóa; tiếp tục huy động các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đóng góp nguồn lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương


Từ lâu, những làng nghề truyền thống như chạm bạc, thêu, dệt khăn, dệt vải, dệt đũi, chiếu cói, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan... là niềm tự hào của Thái Bình. Trong bối cảnh hội nhập, nhiều làng nghề đã trụ vững và phát triển, đưa sản phẩm vươn ra thế giới. Tuy nhiên, cũng có những làng nghề không thể phát triển do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến nguy cơ mai một. Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 5/5/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Thái Bình đến năm 2020; UBND tỉnh ban hành đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 như tiếp thêm động lực để các làng nghề truyền thống của tỉnh có sức bật cũng như cơ hội phát triển. Tôi đề nghị trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX bổ sung thêm những giải pháp cụ thể trên cơ sở Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đề án mỗi xã một sản phẩm của UBND tỉnh để trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như những nhiệm kỳ kế tiếp các làng nghề truyền thống của tỉnh tiếp tục phát triển, tạo thương hiệu cho Thái Bình qua mỗi sản phẩm ở mỗi địa phương trong tỉnh; đồng thời, có những thay đổi theo hướng tích cực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh.

Ông Phạm Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy việc đánh giá kết quả công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động chi tiết, khách quan và nêu ra những hạn chế cần khắc phục. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tôi đề nghị bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể cho công tác này. Với vai trò là cơ quan quản lý lao động, tôi đề xuất một số giải pháp trong nhiệm kỳ tới: tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư trang thiết bị dạy và học, cơ sở hạ tầng; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và gắn kết việc đào tạo với việc sử dụng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực bằng cách cập nhật chương trình, phương pháp đào tạo, xây dựng ngành nghề đào tạo mới theo hướng đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến đáp ứng nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp của tỉnh. Chủ động ứng dụng công nghệ trong quản lý và giảng dạy để thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trương Công Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy dự thảo Báo cáo được chuẩn bị chu đáo, bố cục rõ ràng, nội dung đã đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Tôi đề nghị dự thảo Báo cáo nhấn mạnh hơn nữa vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nên nghiên cứu, điều chỉnh một số giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế của địa phương. Cần xây dựng một số nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, hiệu quả kinh tế cao... Ngoài ra, tôi cũng mong muốn dự thảo Báo cáo nhấn mạnh vai trò của khoa học - công nghệ trong sản xuất, đời sống hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong nền kinh tế.

Ông Mai Văn Nghĩa, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Dự báo tình hình những năm tới, dự thảo Báo cáo chính trị đã khẳng định: Thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, tôi thấy cần bổ sung thêm trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ tới vấn đề chủ động phương án ứng phó với thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn; trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng xung kích ứng phó, sẵn sàng phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ người dân. Ngoài ra, nên có phương án hỗ trợ vật chất cho người dân khi có thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Hiện nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, kinh doanh, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc không lương. Nếu tình trạng này kéo dài thì đời sống của công nhân chúng tôi rất khó khăn, do đó dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cần bổ sung thêm các giải pháp để ổn định, khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội...


Ông Ngô Văn Đỉnh, tổ 7, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình)

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đạt được nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong phần đánh giá kết quả đạt được trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tôi mong muốn có những đánh giá, số liệu dẫn chứng cụ thể để ghi nhận những thành tựu của khoa học và công nghệ. Ở phần mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tôi đề nghị bổ sung giải pháp trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, ngành, địa phương và người dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; có những định hướng về cơ chế, chính sách cụ thể, khuyến khích sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, tạo được sợi dây liên kết giữa người nghiên cứu, sáng chế với các doanh nghiệp để những nghiên cứu hữu ích, có tính ứng dụng cao được sản xuất thành những sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống.

Ông Hoàng Đăng Cát, xã Thái Giang (Thái Thụy)

Tôi hoàn toàn nhất trí với các nhiệm vụ và giải pháp mà dự thảo Báo cáo chính trị đã đề ra cho nhiệm kỳ tới, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp về tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Tôi đề nghị trong thời gian tới tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào Khu kinh tế. Đặc biệt, có những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh như: giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động; giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp... để tạo điểm nhấn hấp dẫn thu hút đầu tư. Tôi rất tán đồng quan điểm trong quá trình lựa chọn các nhà đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư uy tín, có năng lực tài chính thực sự, công nghệ hiện đại; không thu hút đầu tư bằng mọi giá, đề cao yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Ông Trần Cao Sơn, thôn Hưng Long Nam, xã Đông Long (Tiền Hải)

Tôi nhất trí cao với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Dự thảo Báo cáo đã nêu rõ kết quả đạt được của lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có công tác trồng và bảo vệ rừng. Là một trong những người nuôi trồng thủy sản và được hưởng lợi trực tiếp từ dự án trồng rừng ngập mặn, tôi đề nghị bổ sung thêm một số kết quả cụ thể về công tác trồng rừng ngập mặn cũng như tác động tích cực từ rừng ngập mặn đối với cuộc sống của người dân ven biển. Ngoài ra, phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng nên bổ sung các giải pháp để duy trì và mở rộng diện tích rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ sản xuất thủy sản bền vững cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển.


Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày