Thứ 6, 29/03/2024, 02:12[GMT+7]

Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX

Thứ 3, 21/04/2020 | 14:26:13
32,300 lượt xem

Ông Phạm Văn Dụng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tôi thấy Tiểu ban văn kiện đã chuẩn bị rất công phu, chu đáo, khoa học; đã đánh giá toàn diện, khách quan, trúng, đúng và sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tôi rất tâm đắc với chủ đề đại hội đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chọn là: “Tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng”. Chủ đề đã thể hiện rõ tính bao quát, các thành tố về “Đảng”, về “nhân dân”, về mục tiêu phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trên lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tôi nhất trí cao với đánh giá trong nhiệm kỳ qua, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; trong đó, đáng chú ý là tỉnh ta đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tập trung, tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Để đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực và kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nêu trên, theo tôi, cùng với những nguyên nhân như dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra, cần nhấn mạnh hơn nữa sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu liên tục, bền bỉ của các tầng lớp nhân dân. Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tôi nhất trí cao với nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại và các giải pháp đã nêu. Tuy nhiên, tôi đề nghị Tiểu ban văn kiện bổ sung, nhấn mạnh hơn nữa giải pháp về tăng cường cơ giới hóa các khâu của quy trình sản xuất nhằm thực hiện cơ khí hóa nông nghiệp; đồng thời, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 5 hướng đột phá chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo thực hiện.


https://media.baothaibinh.com.vn/upload/news/4_2020/hoangmanhde_17093421042020.jpg

Ông Hoàng Mạnh Đề, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hà Giang, huyện Đông Hưng

Qua nghiên cứu, tôi thấy nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã ghi nhận vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần vào thành quả Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại; củng cố các tiêu chí đã đạt, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 20% trở lên số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu cụ nhiệm vụ, giải pháp. Song tôi đề nghị Tiểu ban Văn kiện chỉ rõ, nhấn mạnh hơn nữa đối với cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có cán bộ hội cựu chiến binh, đặc biệt là ở cấp cơ sở phải không ngừng sáng tạo, đổi mới trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương. Bổ sung giải pháp huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội làm tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tạo đồng thuận trong nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết  Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã nêu bật được những kết quả và những thành tựu nổi bật của ngành Giáo dục đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Dự thảo cũng đã đánh giá đúng mức và chỉ ra những tồn tại hạn chế cơ bản mà lĩnh vực Giáo dục cần khắc phục trong thời gian tới để đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển. Các chỉ tiêu đề ra sát với thực tiễn tình hình giáo dục của tỉnh và phù hợp với xu thế chung của cả nước. Trong đó, đã nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập trong các nhà trường, đáp ứng cuộc cách mạng 4.0 trong ngành giáo dục….

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ và giải pháp trên lĩnh vực giáo dục đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, trong giai đoạn tới cần có sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan; sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của ngành Giáo dục và sự quan tâm, ủng hộ của cả xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng với những chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sát hợp như trong dự thảo Báo cáo chính trị cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, sự nỗ lực, quyết tâm cao và sự đầu tư đúng mức nhất định lĩnh vực Giáo dục Thái Bình sẽ có nhiều bước phát triển mới.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra hệ thống các mục tiêu, giải pháp rõ ràng, sắc nét, với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá, mà trong đó đã đề cập và mở ra cho du lịch Thái Bình nhiều cơ hội mới.

Chủ trương tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư các dự án lớn, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín, năng lực thực sự về tài chính, công nghệ, thị trường, trong đó có nhiều dự án xây dựng các khu đô thị - du lịch với nhiều loại hình đa dạng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho du lịch Thái Bình phát triển. Từ trước đến nay, du lịch Thái Bình chủ yếu mới chỉ được khai thác ở góc độ gắn với lễ hội, di tích, làng nghề, tham quan di tích lịch sử... mà rất thiếu các loại hình du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, đặc biệt là nghỉ dưỡng cao cấp, hướng tới đối tượng du khách trong nước hoặc du khách nước ngoài có thu nhập và mức sống cao. Việc thu hút đầu tư các khu đô thị - du lịch - nghỉ dưỡng hiện đại trong Khu kinh tế, đầu tư xây dựng đường ven biển, cùng với việc ký kết các thoả thuận hợp tác toàn diện giữa Thái Bình với nhiều tỉnh trong khu vực sẽ tạo cơ hội cho du lịch Thái Bình kết nối được với các tua, tuyến du lịch nổi tiếng của các tỉnh lân cận, giúp tăng lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch.

Bên cạnh đó, đối với nhiệm vụ phát triển văn hoá xã hội, dự thảo báo cáo cũng chỉ rõ: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, cách mạng; tăng cường đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, gắn với phát triển du lịch”. Đó là quan điểm rất đúng đắn, bởi vì kho tàng di sản văn hoá truyền thống, cách mạng phong phú, đặc biệt hệ thống di tích lịch sử văn hóa đặc sắc vốn là tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thái Bình từ trước đến nay. Hy vọng trong nhiệm kỳ tới, với quan điểm chỉ đạo đúng đắn trên, nhiều di tích của Thái Bình sẽ tiếp tục được tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị, vừa củng cố thêm bản sắc văn hoá đặc trưng của tỉnh, vừa góp phần tăng nguồn thu cho du lịch - ngành kinh tế non trẻ nhưng hứa hẹn đầy tiềm năng, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế- văn hoá - xã hội của tỉnh nhà trong tương lai không xa.


Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày