Thứ 7, 20/04/2024, 16:55[GMT+7]

Tiền Hải: Chủ động phòng, chống rét trong nuôi trồng thủy sản

Thứ 3, 12/01/2021 | 09:16:42
8,222 lượt xem
Những ngày qua thời tiết rét đậm, rét hại, huyện Tiền Hải đã tích cực tuyên truyền nhân dân có các biện pháp thiết thực để bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản nhằm ổn định nguồn thủy sản cung cấp vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Các hộ nuôi trồng thủy sản huyện Tiền Hải tăng mực nước ao nuôi để phòng, chống rét cho thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Lân, thôn Ngải Châu, xã Đông Minh chia sẻ: Sản lượng cá vược trên 1ha của gia đình tôi sẽ cho thu hoạch vào thời điểm giáp tết Nguyên đán. Đối với giống cá vược đặc tính không chịu được rét như một số loài thủy sản khác, do đó để phòng tránh rét đậm, rét hại, gia đình đã chuyển cá sang ao có độ sâu hơn đồng thời dùng bạt che chắn hướng gió lùa. Chú trọng kiểm tra môi trường nước, bảo đảm yếu tố thích hợp cho diện tích nuôi cá an toàn khi thời tiết rét đậm, rét hại. 

Còn đối với ông Mai Mạnh Khởi, xã Nam Thịnh, hiện cũng đang tích cực triển khai các biện pháp chống rét cho gần 1ha nuôi cá vược, cá song. Ông Khởi chia sẻ: Rút kinh nghiệm năm 2016 khi thời tiết rét đậm, rét hại nhiệt độ xuống 5 - 6 độ C đã làm chết 800 con cá vược thương phẩm và 1.500 con cá vược giống của gia đình. Những năm gần đây nuôi trồng thủy sản vào gần giáp tết Nguyên đán gia đình tôi đã chủ động nâng mực nước ao nuôi, che chắn hướng gió lùa, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng cho cá, bảo đảm sức khỏe cho cá khi thời tiết rét đậm, rét hại đột ngột. Tết Nguyên đán năm 2020, nhờ chủ động các biện pháp chống rét thích hợp cho diện tích nuôi cá, gia đình tôi đã cung cấp ra thị trường cá thương phẩm, thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Tiền Hải đạt 5.094ha. Những ngày qua thời tiết rét đậm, rét hại, do đó huyện đã tập trung tuyên truyền đến các hộ dân nuôi trồng thủy sản không được chủ quan, lơ là, cần triển khai các biện pháp thiết thực bảo vệ đối với diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có chế độ chăm sóc đặc biệt cho giống thủy sản, ngoài việc theo dõi thì phải cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng, có bổ sung vitamin C và khoáng chất theo định lượng để thủy sản có đủ sức đề kháng bệnh cũng như khả năng chịu rét. Yêu cầu các địa phương mở các cống lấy nước vào các vùng nuôi trồng thủy sản tạo thuận lợi cho nông dân nâng mực nước ao thích hợp. Đồng thời, khuyến cáo nông dân khi lấy nước vào các ao, cần chú trọng xử lý nguồn nước, bảo đảm ổn định độ pH tránh tôm, cá, cua bị sốc. Dùng máy sục khí liên tục tạo nguồn lưu thông tăng lượng oxy trong ao. Đối với cơ sở nuôi thủy sản có điều kiện cần làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu để chắn gió và khi có ánh nắng sẽ tăng sự hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi. Ngoài ra, huyện giao trách nhiệm cho ngành chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương bám sát địa bàn, áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho động vật thủy sản khi rét đậm, rét hại xảy ra; hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thủy sản, cơ sở nuôi thương phẩm trên địa bàn theo dõi sát tình hình thời tiết, chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản bố mẹ, giống và nuôi thủy sản thương phẩm; bổ sung lượng nước cần thiết để bảo đảm độ sâu theo yêu cầu kỹ thuật; quan sát, theo dõi sức khỏe của đối tượng nuôi để xử lý kịp thời; khuyến cáo các hộ dân khi các đối tượng nuôi, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá vược, tôm... khi đã đạt kích cỡ thương phẩm thì tập trung thu hoạch; không kéo lưới kiểm tra hoặc thu hoạch tỉa diện tích nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Mạnh Thắng