Thứ 6, 29/03/2024, 07:59[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa II (1960 - 1964)

Thứ 3, 06/04/2021 | 08:25:28
6,038 lượt xem
Quốc hội Việt Nam khóa II là Quốc hội nhiệm kỳ thứ hai của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và là Quốc hội đầu tiên hoạt động trong thời kỳ đất nước bị chia cắt.

Đại biểu Quốc hội khóa II bầu Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ nhất, tháng 7/1960. Ảnh tư liệu

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa II diễn ra ngày 8/5/1960 tại 22.530 khu vực bỏ phiếu thuộc 42 đơn vị bầu cử ở miền Bắc Việt Nam và bầu 362 đại biểu. Ngoài 362 đại biểu qua bầu cử trên còn có 91 ghế dành cho các đại biểu miền Nam ở khóa I vì không thể tổ chức bầu cử nên được Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ. Về cơ cấu thành phần của Quốc hội: công nhân 50; nông dân 47; cán bộ chính trị 129; quân đội 20; cán bộ văn hóa, giáo dục, pháp luật 37; đảng viên 298; ngoài Đảng 64; dân tộc thiểu số 56; phụ nữ 49; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 42.

Quốc hội khóa II (1960 - 1964) là khóa Quốc hội đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp năm 1959; là khóa đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 phó chủ tịch, tổng thư ký, 14 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập Ủy ban Dự án pháp luật và Ủy ban Kế hoạch và ngân sách của Quốc hội.

Trong 4 năm hoạt động với 8 kỳ họp, Quốc hội khóa II đã thông qua 6 đạo luật  quan trọng về tổ chức của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) - cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hàng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của Nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn việc khen thưởng và tích cực giải quyết các đơn thư, khiếu tố của nhân dân, ân xá những phạm nhân đã cải tạo tốt.

Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt, do đó Quốc hội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng phong phú trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. Quốc hội không ngừng nêu cao nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và nhân dân, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên trì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la tinh vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Ghi nhận những kết quả hoạt động của Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói Quốc hội khóa II là “Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Quốc hội khóa II, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có 23 đại biểu, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn cùng với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với các nhiệm vụ: Củng cố quan hệ sản xuất tập thể mà trọng tâm là cải tạo các hợp tác xã, phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, đưa nông nghiệp Thái Bình từ một nền kinh tế nghèo nàn về cơ sở vật chất, lạc hậu về kỹ thuật trở thành một nền nông nghiệp từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng phát triển; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện chi viện cao nhất sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.

Nguyễn Hình - Thu Hiền

(tổng hợp)