Thứ 5, 25/04/2024, 06:24[GMT+7]

Hoàng Bà Đại Vương

Thứ 2, 26/04/2021 | 09:57:16
3,865 lượt xem
Vào thời nhà Hán đô hộ nước ta, tại trang Thái Đường, huyện Chương Đức (nay thuộc Hà Nội) có gia đình ông Vũ Nghị và bà Đặng Thị Hòa là bậc quý nhân, ông bà có người con trai tên là Vũ Minh văn võ song toàn, được người đời ca tụng khiến chính quyền đô hộ vị nể phải triệu ra làm quan. Ông rời nơi sinh đến trị nhậm huyện Tây Quan (nay thuộc huyện Thái Thụy). Về trị nhậm, huyện quan bỏ nhiều công sức giáo hóa dân chúng, khuyến khích nông tang, làm thiện cứu đời, được dân coi như “phụ mẫu”...

Đình Thanh Do, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy - dấu tích vùng đất cổ thời Hai Bà Trưng.

Về làm quan trị nhậm huyện Tây Quan đã lâu, một hôm Vũ Minh du ngoạn tới trang Hóa Tài (nay thuộc các xã Thụy Thanh, Thụy Phong, Duyên Phúc, huyện Thái Thụy), thấy thế đất đẹp, ưng ý, dân trang ấp biết quan là bậc liêm chính cùng nhau đến lạy mừng, quan huyện cảm động liền thiết lập tư dinh tại trang ấp, sớm tối cùng dân chia sẻ ngọt bùi.

Huyện quan Vũ Minh kết duyên với trang thục nữ Nguyễn Thị Cầu. Phận đẹp, duyên ưa, một nhà hòa thuận, chỉ hiềm nỗi mãi chưa có con nối dõi. “Ông bà” huyện quan ra sức làm việc khuyến thiện bởi nghĩ mình chưa tròn nhân quả với đời nên gắng công tu tâm, tích đức. Một đêm, ông bà nằm ngủ tại khuê phòng, vừa chạm vào giấc ngủ ông bà liền mộng chiêm bao thấy có mãnh hổ vào nhà, sợ quá bà hét lớn, ông bà cùng tỉnh giấc, cho đó là điềm lành “trời cho giáng thế sinh mãnh tướng”, ông bà càng ra sức làm việc thiện. Rồi huyện bà mang thai, tròn trịa chín tháng mười ngày, đến ngày mồng một, tháng tám, năm Đinh Tỵ sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú. Nhớ đến giấc mộng chiêm bao, ông bà liền đặt tên con là Vũ Mãnh (Mãnh Công). Mãnh Công càng lớn càng khôi ngô, tuấn tú. Năm 12 tuổi được phụ thân cho tầm sư học đạo. Mãnh Công thông tuệ khác thường, sách xem một lần đã thuộc, võ thuật tập một lần đã điêu luyện... Tiếng lành đồn xa, Mãnh Công thành danh, thế lực huyện quan Vũ Minh ngày thêm mạnh khiến Thái thú Tô Định e sợ. Tài thao lược võ công của Mãnh Công khiến Tô Định càng lo, y tìm cớ vu cho cha con họ Vũ và dân Hóa Tài mưu phản, xuống lệnh bắt, giết quan huyện Vũ Minh tại huyện đường, lại sai quân lính về Hóa Tài bắt Mãnh Công và phu nhân. Mãnh Công được dân Hóa Tài che chở, trốn chạy, chờ thời cơ báo thù nhà, đền nợ nước. Được phụ thân cho tầm sư học đạo, Mãnh Công đoán biết được thời vận. Một hôm, Vũ Mãnh tìm một khoảng đất trống, ngước mắt nhìn bầu trời thấy sao nữ phía Tây sáng rực, biết rằng trời cho “nữ vương” xuất thế cứu độ muôn dân, bèn thưa chuyện với thân mẫu mong muốn tìm nữ vương.

Lúc ấy, ở Hát Môn, Trưng Trắc xưng vương cùng em gái là Trưng Nhị tập hợp binh sĩ, phất cờ khởi nghĩa, trước ba quân, Trưng Vương nêu rõ 4 mục tiêu của cuộc khởi nghĩa: “Một xin rửa sạch nước thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kêu oan ức lòng chồng/Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh ở Hát Môn, hai mẹ con Mãnh Công tìm đến đất Phong Châu vừa lúc hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị hiệu triệu dấy binh, hai mẹ con cùng vào “ra mắt” Hai Bà, được Hai Bà thu nhận rồi cử về quê hương mộ thêm quân lính. Nhờ công đức cũ của phụ thân, nhờ uy danh của Mãnh Công, trai tráng các làng Hóa Tài, Hậu Trữ… đều tình nguyện đầu quân, dân trong huyện muốn báo thù quân giặc Đông Hán giết hại huyện quan Vũ Minh đã cùng nhau động viên trai tráng về Hóa Tài tụ nghĩa, quân gia có tới hàng nghìn người xếp thành đội ngũ kéo về Mê Linh, dự lễ tế cờ, quyết đánh đuổi giặc Đông Hán ra khỏi bờ cõi.

Được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu, chính quyền đô hộ nhà Đông Hán tan vỡ đến đấy. Các dân tộc Mán, Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố (nay thuộc Quảng Đông) đều hưởng ứng. Sử liệu ghi: Tháng 2 năm Canh Tý (năm 40), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ - Hà Nội). Những người yêu nước khắp nơi rầm rập kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh. Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến đánh Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh), thủ phủ của chính quyền nhà Đông Hán ở Giao Chỉ. Chế độ áp bức của nhà Hán bị quật đổ, Luy Lâu được giải phóng. Bọn Tô Định, thứ sử, thái thú của nhà Đông Hán thấy nghĩa quân nổi lên như vũ bão đều hoảng sợ, theo nhau bỏ chạy về phương Bắc.

Đuổi được giặc xâm lược Đông Hán ra khỏi bờ cõi, Trưng Vương phong cho bà Nguyễn Thị Cầu là Hoàng Bà, Mãnh Công là Mãnh Tướng Đại Vương, truy phong huyện quan Vũ Minh là Quý Minh Đại Vương, lấy ruộng đất cho làm thực ấp, cho thêm vàng bạc để úy lạo ba quân, lại sai giữ đất Đông Quan để phòng hậu họa. Cảm tạ Trưng Vương, Hoàng Bà và Mãnh Tướng Đại Vương trở lại Hóa Tài, đem vàng, bạc chia cho dân nghèo, mở hội vui chơi, khoản đãi ba ngày, lại xin vua cho miễn sưu dịch cho dân quanh vùng, dân cảm tạ cùng cúi xin sau này được tôn thờ. Mãnh Tướng cảm tạ nhân dân rồi nói: “Ta cùng dân ấp đã thành cố nghĩa thâm sâu, không thể quên được nên mai sau được dân ấp tôn thờ thì lấy tư dinh này làm miếu thờ”. Xong việc lớn, Hoàng Bà và Mãnh Tướng Đại Vương cáo biệt dân làng về thăm quê cũ, bái yết tổ tông. Một hôm, Mãnh Tướng đang ngắm nhìn sao bỗng thấy một đám mây đen kịt hình hắc cẩu từ phương Bắc kéo xuống, biết rằng quốc gia sắp có biến liền cấp tốc trở lại Hóa Tài, đốc thúc quân bản bộ về Mê Linh nhận lệnh để cùng đại binh ra biên trận. 

Theo các nguồn khảo luận, Mã Viện, tướng nhà Đông Hán được cử sang xâm chiếm nước ta đã vượt biên ải tràn vào nước ta, chúng cướp bóc, giết hại dân lành rồi kéo về Phong Châu, thành Mê Linh bấy giờ chỉ giữ vững được một thời gian, sau vì lực lượng của Hai Bà mỏng nên nghĩa quân không đủ sức phản công để tiêu diệt quân Đông Hán. Trong khi đó, quân địch ngày một đông, Mã Viện lại là tướng già gian manh nên chúng dần giành lại thế chủ động, vòng vây ngày càng siết chặt. Thấy không thể giữ nổi Mê Linh, Trưng Trắc cho quân rút lên thành Cự Triền ở phía Bắc hợp lực với Trưng Nhị.

Tương truyền, Hoàng Bà và Mãnh Công tướng quân xông pha trận mạc, luồn mình dưới rừng tên, bãi đao giết giặc nhưng quân giặc quá đông, hai tướng và nghĩa sĩ phải kết thành áo giáp hộ tống Trưng Vương lui về Hát Môn. Giặc tiếp tục tràn từ phương Bắc về đông hơn kiến cỏ, thế cùng, Hoàng Bà và Mãnh Tướng Đại Vương đã tuẫn tiết cùng Hai Bà Trưng. Các nghĩa sĩ vùng Hóa Tài vô cùng đau xót vái lạy Hai Bà và chủ tướng rồi theo đường tắt về báo cho dân ấp. Dân làng Hóa Tài cảm kích tấm gương tận hiến với nước của Hai Bà cùng các tướng đã lập bài vị đưa về tư dinh quan huyện Vũ Minh để thờ phụng, ghi vào điền lệ các vị thành hoàng Quý Minh Đại Vương, Hoàng Bà Đại Vương, Mãnh Tướng Đại Vương.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo sử liệu thu thập được, khoảng năm 40 - 42, nhận được tin báo Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa chống nhà Hán và xưng vương ở Mê Linh, vua Hán là Hán Quang Vũ liền hạ chiếu cho các quận Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ tích trữ lương thảo, sắm sửa xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông miền khe núi..., ráo riết chuẩn bị lực lượng tái chiếm nước ta. Mùa hạ năm Kiến Vũ thứ 18 (năm 42), Hán Quang Vũ phong cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, thống suất đại quân kéo sang xâm lược nước ta. Trong đội quân xâm lược còn có phó tướng Phù Lạc hương hầu Lưu Long, Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí, Bình Lạc hầu Hàn Vũ cùng với 2 vạn quân và 2 nghìn thuyền xe lớn nhất.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Ngay từ những năm đầu thế kỷ I, nhiều thôn trang thuở ấy nay là địa phận tỉnh ta đã là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Các làng Hóa Tài, Thanh Ro, Lễ Củ, Hậu Trữ, Duyên Trữ, Nghĩa Chỉ... (nay thuộc huyện Thái Thụy) đã lập đình, miếu phụng thờ; vào ngày 6 - 10 tháng hai hàng năm các làng mở hội, tế lễ, nhân dân khắp vùng gần, xóm xa kéo về dâng hương phụng thờ, muôn đời tưởng nhớ công lao Quý Minh Đại Vương, Hoàng Bà Đại Vương, Mãnh Tướng Đại Vương và các bậc tiền nhân có công bảo vệ đất nước.

Ông Đỗ Xuân Hưởng, Trưởng thôn Thanh Do, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy

Nhân dân thôn (làng) Thanh Do chúng tôi rất tự hào là vùng đất cổ, xưa là trang Thanh Ro có công lao lớn trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Đông Hán, bảo vệ chủ quyền nước ta.


Quang Viện

  • Từ khóa