Thứ 7, 20/04/2024, 02:00[GMT+7]

56 ngày đêm làm nên chiến thắng lịch sử

Thứ 6, 07/05/2021 | 08:11:49
3,637 lượt xem
67 năm đã trôi qua sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những người chiến sĩ năm xưa giờ đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”; thế nhưng, ký ức về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên chiến thắng lịch sử vẫn vẹn nguyên trong họ.

Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries chiều ngày 7/5/1954. Ảnh tư liệu

Có mặt tại căn nhà nhỏ của cựu chiến binh (CCB) Trịnh Đức Nhân, xã Phương Công (Tiền Hải), được nghe ông kể về những tháng ngày chiến đấu tại Đại đoàn Quân tiên phong, chúng tôi mới thấu hiểu được những gian truân, vất vả của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

CCB Trịnh Đức Nhân nhớ lại: Cuối tháng 4/1954, tôi cùng đồng đội hành quân từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, tôi nhận lệnh từ trung đội trưởng tiến vào cánh đồng Mường Thanh để phối hợp với các chiến sĩ đánh hầm tướng De Castries. Chúng tôi chiến đấu ác liệt, giành giật với quân địch từng tấc đất, nhiều chiến sĩ ta hy sinh... Anh Tạ Quốc Luật bắt được một tên địch, hỏi về vị trí hầm tướng De Castries. Sau khi xác định được mục tiêu, chúng tôi tiếp tục tiến đánh, cả đơn vị hơn 300 chiến sĩ lúc này chỉ còn 27 người.

CCB Trịnh Đức Nhân kể tiếp: Khi tiến gần đến hầm tướng De Castries, anh Tạ Quốc Luật, anh Hoàng Đăng Vinh tiến vào hướng cửa trước của hầm; anh Bùi Văn Nhỏ, anh Nguyễn Văn Nam vào cửa thứ hai; anh Chu Bá Thệ và Đặng Văn Hiểu trèo lên nóc hầm cắt dây thép để treo cờ. Khi De Castries bước ra khỏi cửa hầm, tôi tiến đến chĩa súng vào hắn để bảo đảm hắn không kháng cự. Anh Tạ Quốc Luật lục soát người De Castries thì phát hiện ra tờ phong quân hàm tướng của hắn, lúc ấy chúng tôi vui mừng khôn xiết.

Để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không thể quên công lao to lớn của các chiến sĩ “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn non/gan không núng/chí không mòn”, đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Là chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh nhằm cắt đứt đường tiếp tế của địch, CCB Trần Ngọc Ái, xã Tây Tiến (Tiền Hải) cho biết: Khi chúng tôi hành quân lên đến Điện Biên Phủ, chiến dịch đã chuyển sang giai đoạn 3. Đây là giai đoạn quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch, quân Pháp dồn vũ khí, đạn dược và các loại hỏa lực mạnh để cản bước quân ta; phía ta huy động toàn bộ lực lượng, vũ khí từ mọi miền để tiến về giải phóng Điện Biên. Đơn vị tôi khi ấy được giao nhiệm vụ vừa tham gia chiến đấu vừa tiến hành đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh đồng thời tạo đường tiến công của quân ta lên thẳng sở chỉ huy của địch. Sau khi hệ thống giao thông hào của đơn vị tôi hoàn thành, tuyến vận tải bằng đường hàng không của địch bị cắt đứt; quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải chuyển sang phương án tiếp tế lương thực, vũ khí và con người bằng việc thả dù. Điều đó góp phần không nhỏ vào chiến thắng của ta. 

CCB Trần Ngọc Ái nhớ lại: Ban ngày anh em nghỉ ngơi, đến đêm thì tích cực đào giao thông hào. Địch dùng pháo sáng bắn liên tiếp, phát hiện khu vực ta đào giao thông hào chúng tiến hành bắn phá. Vì thế nhiều chiến sĩ đã hy sinh.

Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra tại lòng chảo Điện Biên, tiếng bom, tiếng súng xé nát không gian tĩnh lặng của núi rừng. Đêm ngày 6/5/1954, quân ta dùng 1 tấn thuốc nổ phá sập hệ thống hầm ngầm, chiếm được đồi A1. Chiều ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries; tướng De Castries và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. 

Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, CCB Hoàng Văn Xước, thôn Phúc Trung, xã Thái Phúc (Thái Thụy) cho biết: Khi biết tin chiến thắng, các chiến sĩ ta và nhân dân ùa ra từ các giao thông hào, tiếng hò reo vang cả núi rừng...

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở Đông Dương. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại những tháng ngày hào hùng tại lòng chảo Điện Biên, các CCB Trịnh Đức Nhân, Trần Ngọc Ái, Hoàng Văn Xước không khỏi bồi hồi, xúc động. Bước ra từ khói lửa chiến tranh, họ quyết tâm gìn giữ hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc; hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tiến Đạt