Thứ 6, 19/04/2024, 05:43[GMT+7]

Sáng mãi “Sao tháng 8”

Chủ nhật, 07/09/2014 | 14:59:22
3,094 lượt xem
Dù bao nhiêu năm đã qua đi, những giá trị của bộ phim “Sao tháng 8” chưa bao giờ lỗi thời mà vẫn vẹn nguyên, như ánh sao mãi tỏa sáng lấp lánh trong nền điện ảnh nước nhà và trong mọi thế hệ công chúng Việt Nam.

 

“Sao tháng 8” (Giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần IV năm 1977) được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại. Bộ phim của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc cũng là một trong những tác phẩm về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Namon>. Lấy bối cảnh những ngày sôi sục trước Cách mạng tháng Tám (1945), thời điểm nạn đói Ất Dậu khủng khiếp lan tràn khắp mọi nơi, ý tưởng chủ đề của bộ phim đã phần nào bao quát lại một giai đoạn, một bước ngoặt không thể nào quên trong lịch sử Việt Nam. Giá trị lịch sử, giá trị hiện thực, giá trị nhân văn thấm trong từng thước phim, làm nên sức sống trường tồn của “Sao tháng 8”. Bức tranh nạn đói và bức tranh cách mạng trong phim hiện lên sống động và chân thực như những bức ảnh nổi tiếng về nạn đói của Nguyễn An Ninh hay một đoạn phim tài liệu về cuộc cách mạng xoay chuyển vận mệnh dân tộc năm nào: Hình ảnh người đói vật vờ như những cái bóng khắp các hang cùng, ngõ hẻm, tiếng khóc, tiếng rên, tiếng kêu ai oán; những công nhân lao động sống cảnh cơ cực trong các hầm lò, nhà máy với đồng lương rẻ mạt, ngày ngày bị đánh đập; đối lập là những tên tay sai, mật thám béo tốt đẫy đà, phục sức xa hoa, chà đạp đồng bào không một chút nương tay; nổi lên trên nền đó là cái ngày nông dân, công nhân, trí thức sát cánh vùng lên phá kho thóc, giành lại chính quyền.

 

Xem phim, bao thế hệ khán giả chỉ từng nghe tới những ký ức dân tộc qua sách vở như được sống lại thời kỳ đầy đau thương và anh hùng ấy. Ðể được đau xót, bàng hoàng, căm phẫn, khâm phục cho những con người đã xa, cho một trang sử đã qua. Bộ phim thổi bùng lên tình cảm đồng bào và lòng tự hào dân tộc trong mỗi người. Một bài học lịch sử đau thương, thấm thía, cũng là bài học về cách đối xử giữa con người với con người, về sức mạnh của những con người nhỏ bé nhưng kiên cường bất khuất khi quê hương, đồng bào bị giày xéo.

 

Lấy chất liệu từ hiện thực, đoàn làm phim đã tỏ ra cực kỳ chau chuốt, tỉ mỉ từng tạo hình, trang phục, bối cảnh. Từ những dáng người “da bọc xương” lay lắt trong cơn đói, khung cảnh một buổi chợ quê ảm đạm đến những bộ áo dài sang trọng và ngôi nhà xa hoa của các “bà lớn”, “ông lớn”... Mỗi khuôn hình là những hình ảnh chân thực nhất và hơn cả là mang hơi thở thời đại nhất, bao quát nhất về thời điểm lịch sử đương thời, khiến bao trái tim phải thổn thức, trở thành một phần ký ức không bao giờ phai trong lòng mỗi người. Nhà quay phim đã tinh tế tạo nên những khuôn hình giàu sức gợi, khơi lên cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Cảnh chị Nhu gặp hai bà cháu đói khổ, vốc gạo rơi dưới gốc đa khô khốc, gió thổi ào ào, máy quay lia từ trên cao xuống, lá rơi lả tả, nên thơ đấy, mà cũng nghẹn ngào, xót xa. Pha dừng máy trước cảnh một bên là hình nhân giấy đốt cho người chết và một bên là một bà lão còn sống nhưng có khác nào bộ xương dưới âm phủ, thật lâu, đủ lâu để ám ảnh tâm trí người xem, nhen nhóm lên cả lòng thương cảm và căm phẫn. Cảnh Kiên bị thương, ngẩng mặt nhìn chị gái, máy quay bắt cận cảnh ánh mắt anh vừa đau đớn vừa căm phẫn đối diện với ánh mắt kinh hoàng của người chị ruột, kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh. Ðó là những thước phim đầy nghệ thuật, không chỉ đẹp mà còn có sức biểu đạt hơn vạn lời nói. Phim có những lời thoại giản đơn mà rung động tâm can. Khi ông cụ già thều thào “Tôi chưa chết, đừng chôn tôi” và hai thanh niên đáp trả “Ðằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ”, người xem có thể bật cười bởi câu đối đáp tếu táo nhẹ tênh kia, rồi nụ cười trở nên chua xót và nghẹn đắng. Bộ phim sử dụng những khúc tráng ca cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Ðình Thi cùng giai điệu “Quốc tế ca” làm sống dậy một thời kỳ hào hùng của đất nước.

 

Trong cách kể chuyện phim, quay phim, ta có thể thấy thủ pháp đối lập xuyên suốt, việc xây dựng nhân vật cũng vậy. Ðặc biệt là hình tượng hai chị em Kiều Trinh - Kiên. Cuộc đối đầu trong tính cách, tư tưởng, hành động của hai nhân vật này đã góp phần không nhỏ tạo nên kịch tính ấn tượng và sức nặng của bộ phim. Những mảng màu đối lập, những oan khiên nhức nhối đủ để đẩy bộ phim đến những cao trào. Những tình tiết được sắp xếp, chắt lọc để rồi khi đến cảnh cách mạng thành công, đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng, giơ cao khẩu hiệu chiến thắng trên đường phố thủ đô, từng gương mặt hân hoan trong niềm vui chiến thắng... khép lại bộ phim đã là một hình ảnh đẹp, cứ thế vang vọng mãi để nhen nhóm trong lòng mỗi con người về tình yêu đất nước mà ở bất cứ thời đại nào cũng cần có.

 

Trong hoàn cảnh làm phim đầy khó khăn bất lợi, nhưng bất chấp gần 40 năm qua đi, bất chấp những bước tiến thần kỳ của công nghệ điện ảnh, “Sao tháng 8” vẫn gần như là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt được khán giả nhớ tới mỗi khi nói đến các tác phẩm về đề tài Cách mạng tháng Tám. Bộ phim còn cống hiến cho điện ảnh nước nhà những hình tượng nhân vật kinh điển và những nghệ sĩ xuất sắc sống mãi trong lòng người hâm mộ.

 

Cho dù căn bệnh vô cảm dường như đang ngày càng lây lan nhanh trong xã hội, một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay đang sống vô tâm, thờ ơ với giá trị truyền thống, nhưng mỗi năm, đến dịp kỷ niệm mùa thu tháng tám huyền thoại ấy, như một thói quen, các thế hệ khán giả lại ngóng chờ xem “Sao tháng 8”. Cho dù có xem lại bao nhiêu lần đi chăng nữa, bộ phim vẫn đem lại cảm xúc như ngày đầu, có những hình ảnh, lời thoại đã in sâu vào tâm trí người xem. Mỗi lần xem là một lần thêm thấm thía, trân trọng cuộc sống độc lập tự do mà chúng ta đang có.

 

Sức sống của “Sao tháng 8”, cũng như những tác phẩm điện ảnh kinh điển là từ những bài học, thông điệp không hề cũ trong đời sống hôm nay, là những xúc cảm nhân văn nhất luôn sâu thẳm trong mỗi con người - đó là giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chân chính.

Mai Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày