Thứ 7, 20/04/2024, 03:10[GMT+7]

Nhộng tằm ré: Đặc sản làng dâu Hồng Phong

Thứ 2, 10/05/2021 | 10:08:13
7,568 lượt xem
Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống nhiều đời nay ở xã Hồng Phong (Vũ Thư). Hiện nay, bà con đang chủ động đổi mới, chuyên nghiệp hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực đưa kén tằm thành sản phẩm OCOP - đặc trưng của vùng đất bãi phù sa sông Hồng.

Mỗi năm, xã Hồng Phong (Vũ Thư) xuất ra thị trường gần 400 tấn kén, thu về 38 - 39 tỷ đồng.

Trước kia, nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ mang lại nguồn thu tương đương cấy lúa cho gia đình anh Trần Văn Tuấn, xã Hồng Phong. Tuy nhiên, những năm gần đây, gia đình anh Tuấn đầu tư nuôi tằm trong phòng điều hòa nhiệt độ, hiệu quả sản xuất kén tằm vì thế cũng được nâng lên. 

Anh Tuấn cho biết: So sánh với cấy lúa hoặc một số cây trồng ở địa phương hiện nay thì hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn hẳn. Như gia đình tôi hiện trồng gần 1 mẫu cây dâu, mỗi tháng nuôi được 2 - 3 lứa tằm, mỗi lứa 4 vòng tằm, cho thu hoạch 1,7 - 1,8 tạ kén mỗi tháng. Với giá bán 100.000 đồng/kg kén như hiện nay, trừ chi phí gia đình thu về 15 triệu đồng/tháng. Đối với 2 lao động ở nông thôn thì thu nhập này khá cao và ổn định, chúng tôi rất phấn khởi.

Nếu Bách Thuận đã “xóa sổ”, xã Hồng Lý còn rất ít hộ duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm thì ngược lại, những năm qua, người dân Hồng Phong luôn gắn bó, duy trì, phát triển nghề cha ông. Tổng diện tích cây dâu phục vụ nuôi tằm của xã hiện đạt 257ha. Yêu nghề, gắn bó và muốn phát triển nghề truyền thống, người làng nghề Hồng Phong sáng tạo, đổi mới để thích ứng với nhu cầu thị trường. Nếu trước kia, bà con trồng dâu nuôi tằm gắn với ươm tơ, thì hiện nay bà con sản xuất kén tằm để lấy nhộng tằm thương phẩm. Nhiều năm trước, bà con nuôi giống tằm lai tạo cho sản lượng kén cao thì hơn 10 năm nay, người dân địa phương khôi phục nuôi giống tằm ré, loại tằm truyền thống đặc trưng của làng nghề Hồng Phong, tuy con nhộng tằm nhỏ nhưng cho chất lượng cao, tỷ lệ đạm cao và thơm hơn nhộng tằm lai, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Nhộng tằm ré hiện được coi là đặc sản của Hồng Phong. 

Ông Trần Duy Dũng, 1 trong 6 gia đình tại xã Hồng Phong chuyên cung cấp trứng giống tằm và bao tiêu sản phẩm kén tằm cho nông dân địa phương cho biết: Trung bình mỗi ngày gia đình tôi bao tiêu 500kg, cao điểm 1 tấn kén tằm/ngày của nhân dân địa phương. Kén tằm của xã được thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh rất ưa chuộng. So với các loại nhộng tằm khác thì nhộng tằm ré có chất lượng cao hơn nên giá thành cao hơn. Mặc dù nhộng tằm ré được coi là đặc sản của Hồng Phong nhưng chưa nhiều người biết đến. Những người gắn bó với nghề truyền thống như tôi mong các cấp chính quyền quan tâm xây dựng, quảng bá thương hiệu nhộng tằm Hồng Phong để người dân mọi vùng đất nước biết đến, từ đó thuận lợi trong tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm của quê hương.

Với đặc tính nhạy cảm, con tằm đòi hỏi khắt khe về môi trường sống và nguồn thức ăn sạch. Cùng với chuyên nghiệp hóa các công đoạn nuôi tằm, người dân Hồng Phong quan tâm, chú trọng đổi mới trồng, chăm sóc cây dâu, tạo năng suất, chất lượng lá dâu tốt nhất, tạo điều kiện nuôi tằm hiệu quả. 

Bà Trần Thị Bích Quyên, thôn Thái Phú Thọ cho biết: Chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học phun cho cây dâu và bảo đảm cách ly 20 - 30 ngày trước khi sử dụng làm thức ăn cho tằm. HTX cung ứng các loại phân bón thích hợp bón cho cây dâu. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, hiện nay cây dâu thường bị sâu bệnh hơn trước kia. Chúng tôi rất mong các cơ quan chuyên môn quan tâm, sản xuất ra các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể diệt trừ sâu bệnh trên cây dâu hiệu quả nhưng không ảnh hưởng đến con tằm và sức khỏe con người.

Xã Hồng Phong hiện có 257ha dâu, với 1.500 hộ làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Mỗi năm, địa phương cung cấp ra thị trường gần 400 tấn kén tằm, thu từ 38 - 39 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. 

Ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Chúng tôi vận động các đại lý áp dụng khoa học kỹ thuật, nhân trứng giống tằm chuẩn, đạt chất lượng cao, ít bệnh. Đối với nông dân, chúng tôi vận động và mở rộng mô hình nuôi tằm con tập trung để bà con quản lý, theo dõi dịch bệnh ngay từ giai đoạn tằm con. Ngoài ra, vận động bà con nuôi tằm trong phòng điều hòa nhiệt độ để giảm thiểu rủi ro tằm hỏng trong mùa hè. Nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đưa kén tằm trở thành sản phẩm OCOP của địa phương trong tương lai gần, đặt mục tiêu gìn giữ, phát huy, vươn lên làm giàu từ nghề trồng dâu nuôi tằm của cha ông.

Quỳnh Lưu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày