Thứ 6, 19/04/2024, 17:13[GMT+7]

Khắc khoải xuân này

Thứ 3, 09/02/2021 | 18:19:35
592 lượt xem
Tết cổ truyền là nét văn hóa truyền thống thiêng liêng gắn bó trong tâm thức người Việt. Dù ở khắp năm châu bốn bể, những người con xa xứ lại trở về bên mái ấm Việt Nam. Với những người do hoàn cảnh không thể về thì được sum vầy trong tết cộng đồng tại các nước. Nhưng năm nay lại khác, dịch Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của bao người.

Tết này con không về

“Tết con không về” - câu chuyện anh Hải điện thoại từ Cộng hòa Séc về thưa với mẹ cả tháng rồi. Nay có tôi, câu chuyện của hai mẹ con anh lại như mới. Nói là như mới vì vừa nhắc đến giọng bà Duân (mẹ anh Hải) đã nghẹn lại, mắt ngân ngấn nước. Chuyển điện thoại để tôi trò chuyện, bà ra hướng dẫn đứa cháu rửa lá dong để gói bánh chưng. Câu chuyện của tôi và anh Hải thi thoảng ngắt quãng bởi vợ và con anh nói vọng vào. Anh bảo: Bên này bà xã và con cũng đang gói bánh chưng. Hẹn mẹ cùng làm một ngày cho có không khí quê nhà, cho mẹ đỡ buồn. Gia đình cả thảy gần 20 người thì số đông buôn bán, làm việc và học tập tại Séc. 30 năm lập nghiệp bên xứ người, tết nào mấy anh chị em cũng thay nhau về với mẹ ở thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ. Năm nay do dịch Covid-19 nên không về được, ngày nào anh cũng điện thoại gặp mẹ nhưng cứ day dứt, bồn chồn, lo lắng. Thương mẹ... Tuổi già, điều quý nhất là quây quần bên con cháu, nhất là tết đến xuân về. Quê anh, phong tục tập quán bao đời nay dù buôn bán, công tác, học tập ở đâu, song tết đến là sum vầy. Nhưng năm nay lại khác, Séc nằm trong tâm dịch châu Âu nên gia đình anh Hải cũng như rất nhiều gia đình ở Séc rất khó để bố trí về Việt Nam. Tính đi tính lại chỉ riêng cách ly lúc đi, lúc về đã ngót 1 tháng, rồi công việc bê trễ cả năm qua nên đành ngậm ngùi ở lại.

Anh Hải cùng con gói bánh chưng tại Cộng hòa Séc.

Không chỉ người Việt ở Séc, mà các nước châu Âu đều có chung bối cảnh tết này rất ít bà con được về quê. Chị Thu Hương quê ở xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải sang học tập và định cư tại London, Vương quốc Anh đã gần 20 năm. Chị cho biết: Làm việc ở tập đoàn Cisco (sản xuất thiết bị mạng) công việc bận mải nên tết Nguyên đán vẫn đi làm. Năm nay chị cắt phép đặt vé sớm để về quê ăn tết, song Cục Hàng không Việt Nam tạm dừng cấp phép các chuyến bay về Việt Nam do nước Anh xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Chị tâm sự: Thời khắc ấy hơn lúc nào hết nỗi nhớ quê da diết, thèm lắm sự bình an nơi quê mẹ, nhớ lắm bữa cơm đoàn viên cùng gia đình. Còn anh Đặng Đức, quê ở thành phố Thái Bình định cư tại thành phố Darmstadt nước Đức đã trên 20 năm. Anh chia sẻ: Chưa bao giờ có thể tưởng tượng rằng đường về quê hương lại xa khỏi tầm tay đến thế. Với chị Lê Ngọc Quỳnh Trang, tốt nghiệp thạc sĩ trường Inseec Business tại Paris chuyên ngành tài chính, định cư tại Pháp đã gần chục năm, hiện đang làm phân tích tài chính cho công ty sản xuất máy móc nông nghiệp. Vì là ngành thiết yếu nên may mắn không bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19 nhưng do thị phần của công ty giảm nên tiền thưởng năm nay cũng giảm. Tuổi trẻ luôn có hoài bão muốn thử sức, đã khẳng định ở chân trời mới, song lúc bệnh dịch như thế này thì trở về quê hương là nỗi niềm luôn đau đáu trong lòng. Rất nhiều trường hợp như anh Đặng Đức hay chị Lê Ngọc Quỳnh Trang đều không thể về quê bởi một số chuyến bay ít ỏi về Việt Nam chỉ dành cho những người có nhu cầu thực sự khẩn thiết.

Các nước châu Âu không tổ chức Tết cộng đồng

Những năm gần đây, đại sứ quán các nước ở châu Âu thường tổ chức Tết cộng đồng. Những kiều bào không về Việt Nam ăn tết mà ở nước sở tại thì được hòa mình vào bầu không khí thấm đẫm tình quê hương. Chị Bùi Hồng Ngọc, định cư tại thủ đô Berlin nước Đức cho biết: Năm nay không thấy có kế hoạch gì về Tết cộng đồng vì dịch Covid-19. Cháu Phạm Lan ở thành phố Teplice, Cộng hòa Séc cũng chia sẻ: Năm nay các hoạt động từ trung thu, Noel hay đón năm mới và cả tết Nguyên đán đều không tổ chức vì Covid-19. Tết năm nay một cái tết rất riêng trong gia đình của mỗi người Việt ở châu Âu.

Chương trình Tết cộng đồng của người Việt Nam tại Italia năm 2020.

Tự hào hai tiếng “Việt Nam”

Thời khắc bước sang năm mới, người Việt có thói quen ngẫm lại một năm đã qua. Dù công việc khó khăn, dù gian truân trong hành trình về quê mẹ do Covid-19 thì tất cả đều hiểu và cảm nhận rất rõ một Việt Nam hùng cường được dựng xây bằng sự nỗ lực, đoàn kết và hun đúc bằng tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc ở mỗi người con đất Việt. Mà cuộc chiến Covid-19 là một minh chứng khẳng định.
Là thế hệ thứ hai sinh ra và định cư tại Cộng hòa Séc, Khánh Huyền cũng như nhiều con em gốc quê Thái Bình được bố mẹ dạy tiếng Việt và truyền thống của dân tộc. Nay 24 tuổi, tốt nghiệp đại học, thành thạo 4 ngoại ngữ (trong đó có tiếng Việt). Thời điểm Covid-19, Khánh Huyền vừa giảng dạy trực tuyến vừa tham gia Trung tâm Tư vấn hội nhập. Chị và gia đình cùng cộng đồng người Việt Nam ở Cộng hòa Séc đã có nhiều đóng góp với Chính phủ và nhân dân Séc trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Cộng đồng người Việt tại Séc đã tích cực may hàng trăm nghìn khẩu trang, ủng hộ hàng nghìn lít dung dịch sát khuẩn tặng các cơ sở y tế, các tổ chức xã hội và người dân sở tại; quyên góp được hơn 5 triệu korun (hơn 5 tỷ đồng) và hàng tấn vật tư thiết bị y tế ủng hộ các đơn vị chống dịch. Không chỉ ở Séc mà nhiều nước trên thế giới các hoạt động của cộng đồng người Việt bằng những việc làm thiết thực ủng hộ nước sở tại trong hành trình chống dịch Covid-19 được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Một mùa xuân mới đã về, cộng đồng người Việt ở khắp năm châu cùng ước nguyện một năm mới an lành, quê hương Việt Nam luôn đổi mới, phát triển. Và mỗi người bằng những cống hiến, nỗ lực nhỏ bé của mình để tự hào ra thế giới.

Anh Đặng Đức, thành phố Darmstadt, Đức

Tết này không về được quê hương, gia đình nhỏ của tôi vẫn tổ chức nghi lễ truyền thống tết của Việt Nam, hy vọng bệnh dịch được đẩy lùi để hẹn năm sau ăn tết tại quê nhà.

Chị Vũ Thị Hòa, thành phố Melbourne, Úc

Tôi luôn dạy con về truyền thống của dân tộc Việt Nam, về quê hương Thái Bình. Ở phương trời Âu xin gửi lời chúc sức khỏe với tất cả đồng bào và cầu mong thế giới hết dịch Covid-19 để không còn khoảng cách như hiện nay.
Anh Thanh Tùng, du học sinh tại thành phố Rennes, Pháp

Tôi đã học tại Pháp 7 năm. Tết Nguyên đán tôi thường tham gia hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam tại các thành phố Rennes của Pháp như chụp ảnh tôn vinh vẻ đẹp áo dài Việt, quảng bá đưa hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. Năm nay do dịch nên chỉ tổ chức một số hoạt động trực tuyến và mở cuộc thi trên website tìm hiểu về tết cổ truyền của dân tộc.
Chị Khánh Huyền, thành phố Teplice, Cộng hòa Séc

Năm nay, do dịch Covid-19 nên tôi không được tham gia các chương trình tết đoàn viên như mọi năm mà ở nhà ăn tết cùng gia đình. Sinh ra và lớn lên tại Séc, song tôi luôn tự hào mình là người con gốc Việt. Vì thế, ngoài dạy tiếng Anh tôi còn tham gia quảng bá chương trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.


Kim Thoa