Thứ 6, 29/03/2024, 11:47[GMT+7]

Tết Việt ở xứ sở Bạch Dương

Thứ 3, 09/02/2021 | 18:28:52
5,865 lượt xem
Giữa khung cảnh lạnh giá, phủ đầy tuyết trắng ở xứ sở Bạch Dương xa xôi, những người Việt tại Cộng hòa Liên bang Nga quây quần cùng nhau đón tết cổ truyền ấm áp, yêu thương. Những món ăn truyền thống đặc trưng ngày tết như là nỗ lực gìn giữ phong tục cổ truyền, gửi gắm tình yêu thương, nỗi nhớ quê hương của kiều bào xa xứ mỗi dịp tết đến, xuân về.

Hương vị tết Việt ở xứ sở tuyết trắng

Hiện có hàng chục nghìn người Việt Nam đang sinh sống, công tác, học tập ở Nga. Mỗi dịp tết cổ truyền, những người có điều kiện kinh tế, thời gian sẽ trở về quê đón tết cùng gia đình, còn lại bà con tổ chức đón tết ngay tại Nga. Chị Thanh Mai, quê xã An Bồi (Kiến Xương), hiện kinh doanh giày dép ở Trung tâm Thương mại Mát-xcơ-va cho biết: Tôi sang Nga kinh doanh được hơn 20 năm, chỉ có vài năm sắp xếp được công việc để về quê đón tết, còn lại hầu hết tôi đều đón tết cổ truyền ngay tại đất nước Nga. Không khí tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, bà con người Việt thường mua cá chép vàng (loại cá chép vàng của Nga nặng 2 - 5kg/con) để cúng ông Công, ông Táo. Dù kinh doanh bận mải, các gia đình vẫn dành thời gian nghỉ 2 ngày là ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 để đón tết cổ truyền. Các gia đình đều trang trí nhà cửa, sắm sửa, gói bánh chưng và nấu những món ăn truyền thống như muối dưa hành, gói chả nem, nấu canh măng khô... Hiện nay, hầu hết thực phẩm truyền thống ngày tết như nấm hương, mộc nhĩ, bánh đa nem, lá dong, lá chuối... đều khá sẵn tại các quầy bán đồ khô của người Việt. Thậm chí đào, quất cũng có, chỉ có điều giá đắt hơn nhiều lần so với ở Việt Nam. Một cây quất để bàn nho nhỏ, tính theo tiền Việt Nam, trị giá khoảng 6 - 7 triệu đồng. Có năm không mua được quất, đào, gia đình chị vào rừng, chọn cành cây khô mang về rồi gắn hoa đào, hoa mai giả, vẫn tạo không khí tết ấm cúng.

Gia đình người Việt tại Nga sắm sửa, mua quất, cây cảnh để chơi tết.Gia đình người Việt tại Nga gói bánh chưng đón tết cổ truyền.

Nhiều loại hoa, cây cảnh chơi tết của người Việt được bày bán ở các siêu thị Nga phục vụ người Việt đón tết cổ truyền.

Ông Dương Xuân Hữu, quận Liublino, thành phố Mát-xcơ-va cho biết: Gia đình tôi định cư ở Nga gần 30 năm, hiện có thêm nhiều họ hàng, người thân sinh sống ở Nga. Mỗi dịp tết cổ truyền, các thành viên trong đại gia đình đều quây quần, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên và đón giao thừa. Chúng tôi đón giao thừa theo giờ Việt Nam, tức là khoảng 20 giờ ở Nga. Ở Nga, chúng tôi được bắn pháo hoa nên tất cả cùng nhau bắn pháo hoa rất rộn ràng, sau đó cũng đến từng nhà để “xông nhà” và chúc tết. Ở đây có chùa nhưng cách trung tâm khoảng 30 - 40km, một số người đón giao thừa xong đến chùa xin lộc. Gia đình tôi vẫn giữ phong tục lì xì cho trẻ, nói chung tết cũng vui, đầm ấm và đầy đủ như ở Việt Nam nhưng ít người hơn và chỉ có 2 ngày. Thông thường, bà con chỉ nghỉ ngày 30, mùng 1, đến mùng 2 tất cả đều trở lại công việc bình thường.

Đau đáu nỗi nhớ tết quê nhà

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Vũ Thị Thanh, 45 tuổi, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) chưa thể trở lại Nga để tiếp tục công việc kinh doanh. Tuy buồn vì điều đó nhưng chị Thanh lại phấn khởi vì được đón tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại Việt Nam. “Tôi sang Nga từ năm 2000 nhưng chỉ có 2 năm tôi được đón tết ở quê nhà, còn lại đều đón tết tại Nga. Bình thường công việc kinh doanh bận mải lấn át đi nhưng cứ đến ngày tết, tôi lại dâng trào nỗi nhớ bố mẹ, nhớ quê hương, nhớ không khí tấp nập, thiêng liêng ngày tết, nhớ chợ hoa, nhớ cả những món bánh mẹ làm... Tết của người Việt tại Nga khá vui nhưng nó không thể thiêng liêng, hào hứng, ấm cúng, sum vầy như ở quê hương. Càng có tuổi, tôi càng da diết nỗi nhớ quê hương và thèm được đón tết cổ truyền ở quê nhà nhưng vì điều kiện công việc mà không thể. Cứ dịp tết mà điện thoại về nhà cho bố mẹ, người thân, tôi thường xúc động, không kìm được nước mắt" - chị Thanh nghẹn ngào kể lại những năm đón tết cổ truyền tại xứ sở Bạch Dương.

Bà con người Việt tại Nga gói bánh chưng đón tết cổ truyền.

Còn ông Dương Xuân Hữu chia sẻ: Tôi còn mẹ già ở quê nhà nên thường cố gắng thu xếp thời gian về quê đón tết với mẹ. Năm nào không về được, đều nhớ tết quê da diết và thấy thương, có lỗi với mẹ vì biết mẹ luôn ngóng con về sum vầy những ngày tết.
Không riêng chị Thanh, ông Hữu, hầu như người Việt nào tại Nga cũng chất chứa nỗi niềm của người con xa xứ, đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ không khí tết cổ truyền mỗi dịp tết đến, xuân về. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người Việt ở lại Nga đón tết cổ truyền sẽ nhiều hơn mọi năm. Giữa xứ sở tuyết trắng, những gia đình người Việt đoàn kết, bó bện hơn, cùng nhau sum vầy, làm vơi bớt nỗi nhớ quê trong không khí háo hức đón mừng xuân mới. Dù ở nơi xa xôi cách trở, bà con người Việt vẫn luôn ý thức gìn giữ, lưu truyền phong tục đón tết - nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam và cùng ước nguyện mùa xuân mới tươi đẹp cho mọi người, mọi nhà trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Ở xa Tổ quốc vẫn có những chiếc lá dong để bà con người Việt gói bánh chưng đón tết cổ truyền.


Ông Phạm Văn Mười, quê Hải Dương, định cư tại Mát-xcơ-va

Đối với tôi, tết cổ truyền của dân tộc rất có ý nghĩa, là dịp để hướng lòng mình về cội nguồn, quê hương. Ở Nga, gia đình tôi luôn duy trì đầy đủ những phong tục đẹp ngày tết như gói bánh chưng, làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên hay chúc tết các gia đình họ hàng bên này. Tôi tự hào về những phong tục mang đậm nét văn hóa Việt Nam, giàu tính nhân văn của ngày tết quê hương và luôn chú trọng giáo dục con cháu tuy sinh sống, học tập ở Nga nhưng không bao giờ được lãng quên ngày tết cổ truyền của cha ông ta.

Chị Vũ Thị Hồng, tiểu thương trung tâm thương mại Mát-xcơ-va

Gần 20 năm nay tôi không được đón tết cổ truyền ở quê hương. Hiện nay, điều kiện kinh tế và giao thương thuận lợi, đón tết cổ truyền ở Nga cũng cơ bản đầy đủ như ở Việt Nam nhưng vào dịp tết tôi rất nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ tết quê. Tôi sẽ cố gắng thu xếp công việc để sớm có dịp về quê đón tết cổ truyền và tận hưởng không khí ngày tết quê hương.

Cháu Dương Thanh Hiền, quận Liublino, thành phố Mát-xcơ-va

Cháu được sinh ra và lớn lên ở đất nước Nga, chịu ảnh hưởng chủ yếu của văn hóa nước Nga. Những dịp gia đình đón tết cổ truyền giúp cháu và các bạn nhỏ người Việt ở Nga có cơ hội hiểu hơn và được hòa mình vào các phong tục văn hóa của người Việt Nam. Cháu rất thích, hào hứng đón tết cổ truyền vì mỗi dịp tết, cháu được cùng bố mẹ gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, nấu món ăn Việt Nam rất ngon và mời các bạn học người Nga cùng đón tết Việt.

Cháu Phan Vũ Phương Thảo, 15 tuổi, thành phố Thái Bình

Gia đình cháu định cư ở Nga nhiều năm, hiện nay cháu sinh sống ở Việt Nam để thuận tiện việc học tập. Cháu đã có nhiều năm đón tết cổ truyền tại Nga, gần đây cháu được đón tết cổ truyền ngay tại quê hương. Cháu yêu tết cổ truyền tổ chức ở cả 2 đất nước, tuy nhiên thích đón tết ở Việt Nam hơn vì không khí rộn rã, phấn khởi hơn hẳn ở Nga. Tết ở Việt Nam, cháu cũng được đi thăm nhiều họ hàng hơn, được nhiều người lì xì hơn.


Quỳnh Lưu