Thứ 5, 28/03/2024, 16:37[GMT+7]

Nông Sơn đột phá tam nông

Thứ 2, 10/05/2021 | 17:02:53
471 lượt xem
Những năm qua, huyện Nông Sơn ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng thủy lợi và hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp thêm lực đẩy xây dựng nông thôn mới.

Những năm gần đây, người dân huyện Nông Sơn đầu tư mạnh mô hình nuôi bò thâm canh, phát triển kinh tế. Ảnh: S.A

Nông nghiệp chuyển biến tích cực

Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, từ ngày thành lập huyện đến nay Nông Sơn nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất cho 1.030ha lúa và 560ha hoa màu các loại. Trong đó, hằng năm huyện đầu tư 2 - 3 tỷ đồng xây mới, nâng cấp trạm bơm điện, đập dâng và kiên cố hóa kênh mương, thi công điện thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, toàn huyện hiện có 80% diện tích đất canh tác chủ động nước tưới.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện tích cực phối hợp chuyển giao những gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới vào canh tác đại trà nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bà Trương Thị Tuyết - chuyên viên Phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, năm 2020 năng suất lúa bình quân của huyện đạt 53,9 tạ/ha, tăng 6,1 tạ/ha so với năm 2015. Trong khi đó, nhờ bố trí các loại cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng vùng nên bình quân mỗi năm 1ha đất màu đạt giá trị sản xuất 60 - 65 triệu đồng.

Theo ông Trần Thiện Thắng, trước tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng, những năm gần đây người dân địa phương chuyển hướng sang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo theo phương thức thâm canh.

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay Nông Sơn có hơn 150 mô hình nuôi bò thâm canh với số lượng từ 5 con trở lên. Nhờ giá bán sản phẩm ổn định ở mức cao, bình quân hằng năm mỗi mô hình cho thu nhập 50 - 80 triệu đồng, một số mô hình thu về đến 100 - 150 triệu đồng. Với lợi thế đất lâm nghiệp khá lớn và được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, người dân ở nhiều nơi của huyện đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng.

“Hiện nay, Nông Sơn có hơn 10.000ha rừng nguyên liệu. Hằng năm, nông dân khai thác bán ra thị trường khoảng 2.000 - 2.200ha, bình quân mỗi héc ta đạt trị giá 60 - 65 triệu đồng” - ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, để tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa cho lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, huyện đang tập trung xây dựng một đề án cụ thể, từ đó xác định bài bản hướng đầu tư phù hợp.

Theo ông Hòa, thời gian tới huyện sẽ chú trọng phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, tích cực hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển mô hình kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái, trong đó lấy làng Đại Bình làm điểm. Dự kiến, hằng năm huyện dành nguồn kinh phí hỗ trợ người dân xây dựng khoảng 30 - 50 khu vườn mẫu.

Đặc biệt, huyện sẽ quy hoạch xây dựng các khu chăn nuôi tập trung và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường...

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Gần cuối tháng 3, về lại xã Quế Trung (Nông Sơn), chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê này. Đường làng, ngõ xóm được nâng cấp, đổ bê tông rộng thoáng. Cơ sở vật chất trường lớp, nhà sinh hoạt văn hóa, chợ nông thôn, hệ thống điện... được xây dựng khang trang. Ấn tượng nhất là nhiều khu vườn được quy hoạch, chỉnh trang và trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung nhìn nhận, sở dĩ địa phương “thay da đổi thịt” như hôm nay là nhờ những năm qua cán bộ và nhân dân chung tay triển khai thực hiện hiệu quả chương trình nông thôn mới (NTM).

Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, năm 2011 Quế Trung bắt tay thực hiện mô hình NTM. Giai đoạn 2011 - 2019, xã huy động gần 85,3 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh và hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp.

“Nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến cuối năm 2019 Quế Trung hoàn thành 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đáng ghi nhận, nhờ kinh tế chuyển biến mạnh mẽ nên đời sống người dân không ngừng cải thiện. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 43,1 triệu đồng, tăng 34,1 triệu đồng so với năm 2011” - ông Lanh chia sẻ.

Ông Trần Thiện Thắng cho biết, bằng nhiều nguồn vốn huy động, từ năm 2011 - 2020 huyện đầu tư hơn 1.002 tỷ đồng cho chương trình NTM, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 hơn 579 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 gần 423 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, Nông Sơn đã có 3 xã về đích NTM gồm Quế Lộc (năm 2018), Quế Trung (2019), Sơn Viên (2020); các xã còn lại gồm Phước Ninh, Ninh Phước, Quế Lâm cũng đã đạt 13 - 16 tiêu chí.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 Nông Sơn tiếp tục huy động gần 480 tỷ đồng cho chương trình NTM, trong đó đặt mục tiêu từ năm 2022 - 2024 các xã Phước Ninh, Ninh Phước, Quế Lâm lần lượt cán đích NTM và Nông Sơn phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Theo nongthonmoi.net