Thứ 6, 29/03/2024, 16:48[GMT+7]

Đổi thay trên quê hương Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm

Thứ 4, 12/05/2021 | 09:46:20
373 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Bảo - quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt 29/29 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống người dân được nâng cao. Vĩnh Bảo đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới năm 2020 và tích cực triển khai, phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Diện mạo nông thôn Vĩnh Bảo thay đổi rõ nét.

Nhờ chủ trương xây dựng Nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu mà Vĩnh Bảo đã thay da đổi thịt. Trong đó, xã Tân Liên là xã đầu tiên xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ trương của thành phố Hải Phòng. Những cung đường liên xã, liên thôn, liên xóm được đầu tư mở rộng theo tiêu chí đô thị với điện chiếu sáng, cây xanh, hệ thống thoát nước đồng bộ. Về Tân Liên hôm nay, đi trên con đường trục xã rộng 12m mới hoàn thành trong tháng 3/2021, hít hà mùi thơm của đồng quê hòa quyện với mùi thơm phảng phất của hai hàng cây long não ven đường khiến lòng người yên bình, quyến luyến vùng đất quê.

Ông Nguyễn Đức Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo hồ hởi cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của thành phố, cộng với sự nỗ lực phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả hết sức khả quan. Bức tranh nông thôn, nông nghiệp có nhiều thay đổi, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn; hình thức tổ chức sản xuất tập trung được phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chất lượng an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Đến hết năm 2019, 29/29 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2020, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện Nông thôn mới, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Người dân nông thôn ngày càng được hưởng thụ nhiều hơn các tiện ích, dịch vụ công và an ninh xã hội được chăm lo cuộc sống ngày càng tốt hơn; đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành ngày càng trưởng thành cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện tại, huyện đang hoàn thiện hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành để trình thành phố thẩm định công nhận Vĩnh Bảo là huyện Nông thôn mới năm 2020.

Nói về những kết quả cụ thể, ông Nguyễn Văn Đàn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã giành được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tập trung cao có trọng tâm, trọng điểm, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, quy chế dân chủ được phát huy sâu rộng trong nhân dân. Các chủ trương, chế độ chính sách được triển khai kịp thời. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các địa phương trong huyện chuyển biến tích cực, chủ động tham gia tích cực xây dựng Nông thôn mới, đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện, nhân dân đã hiến, đổi đất được 414,4ha để cải tạo, mở rộng đường giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học…

Hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn được cải thiện, đến hết năm 2020 có 145,561km/145,561km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đã được trải nhựa, chiều rộng phần đường dành cho xe cơ giới từ 3,5m - 5,5m đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm. Toàn bộ hơn 238 nghìn km đường trục thôn, liên thôn được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, chiều rộng mặt đường từ 3m - 5m. Toàn bộ hơn 416km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Toàn bộ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Đường trục liên xã Tân Liên hoàn thành tạo nên bức tranh đô thị hiện đại nơi thôn quê.

Tất cả hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường giao thông đều được đầu tư nâng cấp đồng bộ với hệ thống đường giao thông; các tuyến đường trục xã, đường từ huyện đến trung tâm xã, đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm đều có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, thoát nước mặt đảm bảo phục vụ tốt sinh hoạt của người dân và bảo vệ chất lượng các tuyến đường.

Kinh tế của huyện phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá cao, giá trị sản xuất tăng bình quân 13,02%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 48,2%; thương mại - dịch vụ 28,5%; giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản xuống còn 23,3%. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2010 đạt 14,1 triệu đồng/người, năm 2020 đạt 51,8 triệu đồng/người (tăng 3,67 lần). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 12,04%, đến năm 2020 giảm còn 0,32% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Về sản xuất nông nghiệp: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, trong đó đã thực hiện 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tân Liên - Tam Đa với diện tích 210ha; tích tụ (thuê đất) của nông dân để tổ chức sản xuất tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được trên 300ha; duy trì và phát triển sản xuất được 194 vùng sản xuất trong nông nghiệp tập trung, diện tích 2.236,5ha; hàng năm năng suất lúa duy trì trên 13 tấn/ha/năm, các giống lúa chất lượng chiếm trên 60% diện tích và có từ 700 - 800ha lúa sản xuất hàng hóa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; diện tích các cây rau màu, cây công nghiệp hàng năm từ 7.500 - 7.600ha, trong đó có từ 300 - 500ha sản xuất có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; có 12 vùng chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung, tổng diện tích 83,8ha, có 107 trang trại chăn nuôi; quy hoạch được 48 vùng thủy sản tập trung với diện tích 426,29ha, có 23 trang trại thủy sản, với diện tích từ 2,1ha trở lên; thực hiện Chương trình mỗi xã 01 sản phẩm (OCOP) cho 02 sản phẩm: Nấm thương phẩm xã Vĩnh Phong và rượu nếp Mân xã An Hòa.

Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ: Phát triển với tốc độ cao, bình quân 17 - 19%/năm. Toàn huyện có 95 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, 8 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy mô sản xuất được mở rộng, đã thu hút 70.526 lao động, chiếm 33,4% tổng số lao động trong độ tuổi; sản xuất công nghiệp tập trung giữ vai trò chủ đạo, chiếm trên 85% giá trị sản xuất công nghiệp, trong 10 năm (2011 - 2020) giải quyết việc làm mới cho 42.690 người lao động toàn huyện.

Giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa xã hội, môi trường: Sự nghiệp giáo dục, đào tạo có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, luôn được quan tâm, tỷ lệ trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 79%. Công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được coi trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em được quan tâm thường xuyên; thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,5%.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa... gắn với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai sâu rộng và được nhân dân tích cực hưởng ứng; tỷ lệ làng, thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa đạt 96,98%. Các địa phương đã phát động và triển khai tốt phong trào thu gom, xử lý rác thải nông thôn, phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, trồng cây xanh, đường hoa... các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều xây dựng cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, tỷ lệ chất thải rắn cơ bản được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt 99%, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,3%.

Về xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh và giữ gìn an ninh trật tự xã hội: Tiếp tục được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường, củng cố, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hàng năm các xã, thị trấn được đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Đến cuối năm 2020, toàn huyện 29/29 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Riêng xã Tân Liên triển khai thí điểm xong giai đoạn 1 xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 5 công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 3/2021 tạo nên bức tranh đô thị hiện đại nơi thôn quê. Hiện tại, huyện tiếp tục xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu ở hai xã Tam Đa và Hòa Bình và phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.

Hòa chung không khí kỷ niệm ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955-13/5/2021 và không khí chuẩn bị cho ngày toàn dân bầu cử HĐND các cấp trong thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, Vĩnh Bảo đang nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Hải Phòng và thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân toàn huyện, đảm bảo công tác bầu cử diễn ra đúng kế hoạch.

Theo baoxaydung.com.vn