Thứ 6, 29/03/2024, 08:44[GMT+7]

Một số kinh nghiệm thực hiện tốt bài phỏng vấn

Thứ 5, 21/06/2018 | 10:33:20
52,223 lượt xem
Phỏng vấn là thể loại quan trọng của báo chí. Hơn thế, phỏng vấn còn là một kỹ năng hàng đầu của nhà báo trong giao tiếp, khai thác thông tin, thể hiện quan điểm, cảm xúc của nhân vật. Phỏng vấn còn góp phần nâng cao tính chân thực, khách quan của thông tin trong các tác phẩm báo chí. Vì vậy có rất nhiều yếu tố để làm nên một bài phỏng vấn thành công.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Thơi

Trước hết phải khẳng định, phỏng vấn sẽ mang đến cho công chúng lượng thông tin khách quan nhất dù bạn đang làm ở cơ quan báo chí nào. Do vậy, mỗi khi có chủ trương, chính sách mới ra đời, những vấn đề cần tổng kết, những vấn đề bức xúc đang xảy ra hoặc sự kiện có nhiều ý kiến dư luận khác nhau thì cần sử dụng thể loại phỏng vấn để cung cấp thông tin cho độc giả một cách  đầy đủ, chính xác, kịp thời, góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội. 

Để có một bài phỏng vấn thành công, trước tiên phóng viên thực hiện bài phỏng vấn phải là người có nền tảng tri thức, vốn sống, hoạt ngôn, năng động, trí tuệ và có kỹ năng nghề nghiệp, sử dụng thành thạo các phương tiện tác nghiệp. Cùng với đó, phóng viên phải chọn đúng chủ đề phỏng vấn, bởi chủ đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và tính hấp dẫn của bài phỏng vấn. Chủ đề của bài phỏng vấn càng rõ, càng hẹp thì càng dễ làm, dễ được đối tượng tiếp nhận thông tin chấp nhận. Phóng viên cũng phải có những kiến thức nhất định về những vấn đề định phỏng vấn, tìm được đúng đối tượng để phỏng vấn, đó là những người liên quan trực tiếp và am hiểu vấn đề mình cần phỏng vấn; trước khi tiến hành phỏng vấn phải tập hợp đầy đủ những chỉ dẫn, thông tin cơ bản về vấn đề và người được phỏng vấn.

Yếu tố quan trọng đối với nội dung bài phỏng vấn là phóng viên phải biết đặt câu hỏi, điều này quyết định 90% thành công của tác phẩm. Do vậy, những câu hỏi phải rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tránh hỏi những câu hỏi chung chung và hãy bắt đầu bằng những câu hỏi nhẹ nhàng, thân thiện, dễ trả lời, tạo được sự đồng cảm đối với người được phỏng vấn. Để có một cuộc  phỏng vấn hấp dẫn, phóng viên không nên đặt câu hỏi quá dài vì sẽ làm cho đối tượng khó hình dung được trọng tâm câu hỏi. Một việc nữa rất quan trọng là câu hỏi chỉ nên có duy nhất một ý và sẽ khó cho nhân vật khi câu hỏi gồm hai, ba ý. Nhân vật sẽ không biết trả lời ý nào trước, ý nào sau và họ sẽ có xu hướng quên đi các ý khác và cũng không nên sử dụng câu hỏi đóng. Với câu hỏi này sẽ dẫn đến tình trạng đối tượng chỉ trả lời có hoặc là không. Trong quá trình phỏng vấn, phóng viên phải luôn đưa ra được những câu hỏi có tính gợi ý để đối phương tự chủ hơn, bộc lộ được sự thông minh, dí dỏm làm mềm hóa các câu hỏi và câu trả lời. Một điều tối kị đối với người phỏng vấn là không được lạm dụng các thuật ngữ, từ đa nghĩa nó sẽ  gây nên tình trạng hiểu sai ý, trả lời sai, làm mất tinh thần của người bị phỏng vấn và tất yếu kết quả cuộc phỏng vấn là rất thấp.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Mạnh Cường 

Để bài phỏng vấn thành công, mỗi phóng viên đều có một đề cương cho cuộc phỏng vấn của mình, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng chăm chăm vào đề cương đó mà phải thật bình tĩnh tự tin, linh hoạt và tự chủ trong suốt quá trình cuộc phỏng vấn diễn ra. Trong quá trình phỏng vấn, phóng viên không những chỉ quyết định đưa ra những câu hỏi nào cho phù hợp mà còn phải theo dõi, thu nhận những thông tin mới, xử lý chúng và có thể sẽ dẫn dắt cuộc phỏng vấn đi theo một chiều hướng mới mẻ hơn. Thậm chí, trong quá trình phỏng vấn có thể phát sinh những chi tiết mới thú vị, hãy bám vào các chi tiết đó để khai thác vấn đề sâu hơn. Khi phỏng vấn, hãy cố gắng đưa ra câu hỏi sau có liên quan đến những gì mà đối tượng vừa trả lời ở câu hỏi trước tạo sự lôgic chặt chẽ và sự gắn kết giữa các câu hỏi và nội dung câu trả lời.

Còn rất nhiều yếu tố để làm nên thành công của một bài phỏng vấn. Tuy nhiên có thể thấy rằng, phỏng vấn là một kỹ năng khó và người phóng viên phải không ngừng học tập trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, kỹ năng trong suốt quá trình làm nghề. Trong quá trình hành nghề, mỗi phóng viên sẽ rút ra cho bản thân được một bài học nho nhỏ về kỹ năng phỏng vấn nói riêng và làm báo nói chung, có thể áp dụng được và tạo nên những thành công trên con đường chinh phục nghề báo của mình.

Mạnh Hùng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày