Thứ 7, 20/04/2024, 17:50[GMT+7]

Tôi là phóng viên đài huyện

Thứ 2, 17/06/2019 | 08:26:08
44,441 lượt xem
10 năm cầm bút cũng là chừng ấy thời gian tôi gắn bó với Đài TTTH Tiền Hải - nơi tôi đang làm việc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi luôn phải tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và bắt nhịp với xu thế báo chí trong thời đại mới. Tôi phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất. Tin, bài, hình ảnh phải phục vụ tối đa cho mọi loại hình báo chí từ báo giấy, báo điện tử, truyền hình cho tới phát thanh.

Công việc hàng ngày của tôi không chỉ là phải bảo đảm số lượng tin, bài cho các chương trình phát thanh của cơ quan mà còn viết cho Trang tin điện tử của huyện, gửi tin, bài cộng tác với Báo Thái Bình... nhằm thông tin kịp thời những vấn đề, sự kiện diễn ra tại địa phương đến với người dân. Dù hiện nay, Đài TTTH huyện chỉ được xem là cơ quan hoạt động mang tính chất báo chí nhưng cũng như các anh chị phóng viên, biên tập viên khác, tôi vẫn làm việc với cường độ cao. Nhờ đó mà sự đa năng, tính chuyên nghiệp cũng ngày càng được nâng lên.

Một buổi sáng tác nghiệp tại hội nghị, tôi vừa cầm máy ảnh để chụp hình, vừa cầm máy ghi âm. Trưa về tranh thủ ăn uống, lại ngồi viết tin, bài. Có một nội dung thông tin diễn ra buổi sáng, chúng tôi phải viết cho chương trình phát thanh của đài huyện, Trang tin điện tử của huyện, gửi cộng tác với các cơ quan báo chí khác trong tỉnh. Với mỗi nơi cộng tác lại yêu cầu cách thức thể hiện tin, bài khác nhau. Với một tin đó, tôi phải viết theo nhiều hình thức thể hiện khác nhau sao cho phù hợp. Phát thanh yêu cầu tiếng động; báo in, điện tử yêu cầu ảnh; truyền hình cần có hình ảnh... Công việc của phóng viên đài huyện là thế, tôi luôn tự hào về công việc của mình. Mỗi khi thấy tin, bài của mình cộng tác được đăng, phát trên Báo Thái Bình, tôi cảm thấy rất vui. Tôi thầm nhắc mình phải cố gắng hơn nữa để có thêm nhiều tin, bài được đăng, phát. Đó cũng là động lực, để tôi đi nhiều hơn, viết nhiều hơn, có nhiều những bài viết hay và ý nghĩa hơn.

Những phóng viên đài huyện như chúng tôi luôn phải học hỏi kinh nghiệm của các cô, các chú, anh chị đồng nghiệp để có thêm hiểu biết, vốn sống. Ngoài ra, phải luôn bám sát cơ sở, tạo mối quan hệ thân thiết với các cơ quan, chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn phụ trách để thuận tiện khi tác nghiệp. Điều quan trọng nhất nữa là phải xây dựng được mạng lưới thông tin từ chính quần chúng nhân dân và tích cực viết tin, bài cộng tác với Báo Thái Bình. Lợi thế của phóng viên đài huyện là ở địa bàn gần, phạm vi tiếp xúc không nhiều nên nắm rất chắc tình hình tại địa phương. Tôi còn nhớ trong thời gian đầu tháng 5/2019 vừa rồi, trong một tuần tôi có đến 3 bài viết mà từ chính nhân dân thông tin. Đó là bài viết: “Ô nhiễm môi trường sông cầu Trắng”, “Có hay không tình trạng Công ty Nhựa xã Tây Tiến gây ô nhiễm môi trường” và “Nỗi bức xúc của người dân về khói, bụi khu công nghiệp Tiền Hải”. Mỗi khi những bài viết như thế được đăng, phát tôi cảm thấy rất vui vì mình đã phản ánh được những bức xúc của nhân dân, được người dân tin tưởng.

Đa số phóng viên đài huyện không có thẻ nhà báo, không có chế độ phụ cấp nghề nghiệp. Cộng với đó, công việc đôi khi đòi hỏi nhiều áp lực. Chỉ đơn giản là một tin phát thanh thôi mà có khi phải đi cơ sở đến ba lần. Lần thì lấy tư liệu, lấy tiếng động, gặp nhân chứng, nhưng có lần hẹn rồi mà không gặp, phải đi lại nhiều lần và về còn viết, cắt gọt tiếng động, hình ảnh, phỏng vấn mãi mới xong. Nghề của chúng tôi là ra khỏi nhà bất kể lúc nào không kể thời tiết nắng mưa, bão gió, hay đêm tối để theo sát các sự kiện đưa tin cho kịp thời. 10 năm công tác, cứ những ngày nghỉ lễ tết, hội hè, lúc mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thì chúng tôi phải làm việc với cường độ cao gấp nhiều lần ngày bình thường. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi yêu nghề, say nghề, vẫn nguyện gắn bó, tâm huyết với nghề nghiệp mình đã chọn và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trần Hiền

(Đài TTTH Tiền Hải)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày