Thứ 7, 27/04/2024, 21:43[GMT+7]

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa

Thứ 3, 14/11/2023 | 08:48:44
22,686 lượt xem
Đó là một trong những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mục tiêu này phù hợp với xu thế phát triển nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện. Diện mạo nông thôn Thái Bình thay đổi từng ngày, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiệm cận đô thị; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống của nông dân ngày càng được nâng cao. Nông thôn Thái Bình đang phát triển trên nền tảng giàu bản sắc văn hóa và thực sự là miền quê đáng sống.

Diện mạo nông thôn mới xã Thụy Liên (Thái Thụy).

Nâng cao thu nhập cho người dân

Tây Giang (Tiền Hải) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022. Hiện nay xã đang tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 về đích NTM kiểu mẫu. 

Ông Tô Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Một trong những yếu tố làm thay đổi diện mạo nông thôn Tây Giang là địa phương đã tận dụng lợi thế nằm giáp thị trấn Tiền Hải để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cao đời sống cho người dân. Xã đã quy vùng sản xuất, tích tụ ruộng đất cấy cùng một giống lúa, tập trung phát triển chăn nuôi hiệu quả, bảo đảm môi trường; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thu hút các doanh nghiệp về địa phương đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Toàn xã hiện có 2.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,4%. Đời sống người dân được nâng lên giúp địa phương huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Từ năm 2021 đến nay, xã đã huy động gần 194,6 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất cho giáo dục, các công trình phục vụ dân sinh..., nhờ vậy diện mạo ngày càng khang trang, làng đẹp như phố.

Nếu như Tây Giang xác định công nghiệp, thương mại, dịch vụ là trụ cột để phát triển kinh tế thì xã Vân Trường (Tiền Hải) lại xác định nông nghiệp là trụ đỡ kết hợp phát triển đa dạng các ngành nghề để tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Hàng năm, xã duy trì trồng 240ha cây màu, phát triển vùng chuyên màu 10ha luân canh: bí, dưa bao tử, dưa lê, dưa hấu, dưa gang cho thu nhập gấp 4 - 5 lần cấy lúa. Toàn xã có 16 tổ thợ xây dựng, 13 cơ sở sản xuất đồ mộc, 15 xưởng cơ khí nhỏ, 14 cơ sở xay xát, 25 cơ sở chế biến lương thực... thu hút hàng trăm lao động vào làm việc với thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Nguyễn Thị Tin, thôn Quân Bắc Nam chia sẻ: Trước kia tôi làm công nhân bên Nam Định, xa nhà nên rất vất vả. Nhưng 3 năm nay khi có doanh nghiệp may tại địa phương tôi đã trở về quê làm việc nên cuộc sống ổn định hơn với mức lương 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cuộc sống ở quê tôi bây giờ không khác gì thành phố, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, có điện thắp sáng. Ban ngày mọi người đi làm, tối về tham gia sinh hoạt cộng đồng tại các nhà văn hóa thôn, nhà thờ nên không khí rất đầm ấm, đoàn kết. 

Ông Nguyễn Quang Tân, Chủ tịch UBND xã Vân Trường cho biết: Ở giai đoạn trước, sản xuất, thu nhập là một trong những tiêu chí khó thực hiện, khó duy trì thì ở giai đoạn này đã không còn khó nữa bởi người dân Vân Trường luôn đoàn kết, rất cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên. Đặc biệt, khi xây dựng NTM nâng cao, địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao mức sống của người dân bằng việc phát triển đa dạng các ngành nghề. Chỉ có như vậy đời sống vật chất của người dân mới được nâng lên và hiện đạt 53,3 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0,87%. Đây cũng là “đòn bẩy” giúp địa phương về đích NTM nâng cao trong năm 2022, tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất.

Xã Minh Lãng (Vũ Thư) cũng là một trong những địa phương có sự thay đổi cả về chất và lượng trong xây dựng NTM. 

Ông Hoàng Đình Vương, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023. Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, nhiều khu dân cư mới được quy hoạch với giao thông mở rộng và kết nối với các đường trục chính từ xã đến huyện. Cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 72 triệu đồng/năm. Minh Lãng là một trong những địa phương có thu nhập cao của huyện do có nghề thêu truyền thống và có cụm công nghiệp trên địa bàn tạo việc làm cho 7.000 lao động của địa phương. Đời sống tinh thần của người dân cũng có bước thay đổi với nhiều phong trào văn hóa văn nghệ phát triển tới các thôn, xóm.

Xã Đông Phương (Đông Hưng) thu hút doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong ảnh: Công ty TNHH May Đạt Đăng duy trì ổn định các đơn hàng và việc làm cho người lao động.

Nông thôn văn minh, hiện đại

“Văn minh, hiện đại” là điều dễ thấy nhất ở nhiều làng quê Thái Bình, đặc biệt là sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Báo cáo với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Đoàn công tác của Bộ Chính trị tháng 7/2023, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Kế thừa thành tựu xây dựng NTM từ các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thái Bình tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, NTM nâng cao là nhiệm vụ quan trọng. Phong trào xây dựng NTM giai đoạn này chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các HTX kiểu mới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững.

Xã Tây Giang (Tiền Hải) thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất tạo việc làm cho người dân.

Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Với nhiều cách làm riêng, sáng tạo, sau hơn 10 năm nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, phong trào thi đua xây dựng NTM của Thái Bình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Nhiều gia đình đã tình nguyện hiến đất, ủng hộ tiền và ngày công lao động để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Toàn tỉnh đã huy động trên 25.349,65 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước các cấp 18.409,105 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 3.989,547 tỷ đồng, con em xa quê ủng hộ tinh thần, vật chất chung sức cùng quê hương xây dựng NTM, đưa Thái Bình trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào này.

Nếu như ở giai đoạn trước, nông thôn Thái Bình có sự thay đổi lớn về diện mạo thì nay việc phát triển đã đi vào chiều sâu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá đồng bộ, tạo nên diện mạo mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, khu xử lý rác thải tập trung, hạ tầng thương mại nông thôn... từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 14.070 hộ nghèo (chiếm 2,14%), 14.854 hộ cận nghèo (chiếm 2,26%). Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa được nâng lên; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được tăng cường, văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Thành tựu trong xây dựng NTM, NTM nâng cao không chỉ tạo diện mạo mới, sức sống mới theo hướng văn minh, hiện đại cho các làng quê mà còn tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Kết quả này là tiền đề quan trọng để Thái Bình tiếp tục nỗ lực vươn lên, huy động các nguồn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra: đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 10% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 1 huyện trở lên được công nhận huyện NTM nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 7 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.  
3 huyện được tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.
Đến tháng 10/2023, Thái Bình có 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 11,2% (kế hoạch đến năm 2025 đạt 20% trở lên), tăng 11 xã so với năm 2021, có 8 xã được đoàn thẩm định của tỉnh đánh giá đạt tiêu chí xã NTM nâng cao.
Hiện có 113 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 sao, tăng 96 sản phẩm so với năm 2021.
Tham gia chương trình “Thắp sáng đường quê”, Thái Bình có 130 xã đăng ký lắp đặt với tổng chiều dài 1.145,7km; trong đó, 42 xã lắp đặt điện năng lượng mặt trời với 101,4km trong tổng số 591,5km đăng ký; 88 xã lắp đặt điện chiếu sáng với 264,8km trong tổng số 554,2km đăng ký.
Toàn tỉnh có 141 làng nghề được cấp bằng công nhận; có hơn 1.000 doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nghề và làng nghề với tổng số lao động 67.473 người, doanh thu 11.691 tỷ đồng.



Mạnh Cường