Thứ 5, 09/05/2024, 12:59[GMT+7]

Song linh địa cát

Thứ 6, 23/02/2024 | 16:45:28
7,599 lượt xem
Theo các nguồn khảo luận, tháng 12 năm 1216 (triều mạt Lý), khi thế lực nhà Trần đã mạnh lên, Trần Tự Khánh được phong làm Thái úy phụ chính, Trần Thừa làm Nội thị phán thủ và Trần Thị Dung được phong làm Hoàng hậu thì “sóng gió vương triều” đến với bà mới tạm lắng xuống. Đặc biệt, khi sinh hạ hai công chúa là Chiêu Thánh và Thuận Thiên, nhất là khi Lý Huệ Tông (Lý Huệ Sảm) mắc chứng tâm thần thì vai trò của Trần Thị Dung ngày càng được thể hiện rõ nét ở cương vị Hoàng hậu. Nhất là khi bà liên kết cùng Trần Thủ Độ trong “màn kịch” vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chấm dứt hơn hai trăm năm cầm quyền của nhà Lý trên đất Đại Việt.

Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở làng Ngừ, xã Liên Hiệp (Hưng Hà); cách lăng của ông khoảng 800m là đền thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung.

Cuộc đời của Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung (1193 - 1259)  luôn gắn chặt với giai đoạn đầu của vương triều Trần (1226 - 1400), từ việc lấy Hoàng tử Sảm để dọn đường đưa họ Trần vào triều đình nhà Lý cho đến khi bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Độ (1194 - 1264), bà đã trải qua biết bao thăng trầm, vinh có, nhục có, vui cũng có và buồn là muôn thuở. Nhìn lại cuộc đời của bà, tuy lấy chồng từ năm 1209 nhưng mãi đến tháng 2 năm 1211, Trần Thị Dung mới danh chính ngôn thuận vào kinh. Cậu ruột của bà là Tô Trung Từ được phong làm Thái úy phụ chính, Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu là cái gai trong mắt của hoàng tộc nhà Lý và Thái hậu Đàm Thị lại thêm Trần Thị Dung được phong làm Nguyên phi càng làm cho Thái hậu ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Khi thế lực của Trần Tự Khánh và Tô Trung Từ mạnh lên thì sự nghi ngờ về họ Trần của vua Lý và Đàm Thái hậu càng nặng nề. Năm 1213, Trần Thị Dung bỗng dưng bị vua Lý và Thái hậu giáng xuống làm Ngự nữ. Nhưng bằng cảm hóa và sự quyến rũ của bản thân, Trần Thị Dung đã xóa được sự nghi ngờ của vua Lý Huệ Tông đối với họ Trần. Vì vậy, vào năm 1216, vua Lý đã phong cho bà là Phu nhân Thuận Chinh. Mặc dù được vua tin yêu nhưng bà vẫn không thoát được sự giám sát gay gắt của Đàm Thái hậu. Sử cũ ghi, Thái hậu cho rằng phu nhân (Trần Thị Dung) là bè đảng của giặc, bảo vua bỏ đi, rồi sai người nói với phu nhân tự giải quyết lấy. Đỉnh cao của sự nghi ngờ này là việc Thái hậu sai người bỏ thuốc độc vào món ăn rồi sai người “dâng” cho bà dùng. Việc bất thành, Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc bắt phu nhân phải tự tử, nhưng nhờ có Lý Huệ Tông che chở nên Trần Thị Dung đã thoát nạn.

Theo các nguồn khảo luận, khoảng năm 1226 - 1227, bà lấy Trần Thủ Độ. Có nghiên cứu cho rằng Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ yêu nhau từ thuở hàn vi ở làng quê nên cũng còn là tồn nghi. Việc Trần Thị Dung kết hôn Trần Thủ Độ khi vua Lý mất có thể là cái cớ củng cố và xây dựng vương triều Trần khi còn non trẻ. Theo cổ sử, khi Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu dẫn đến việc Trần Liễu nổi loạn chống lại Trần Thủ Độ thì chính Trần Thị Dung đứng ra hòa giải mối xích mích giữa Trần Liễu và Trần Cảnh, Trần Thủ Độ. Việc tấn phong An Sinh Vương Trần Liễu và cấp thái ấp ở Yên Sinh, Đông Triều cho ông cũng là cách hòa giải hợp lý của vợ chồng Trần Thủ Độ để tránh mầm họa về sau cho triều đình nhà Trần. Hiện nay ở huyện Hưng Hà còn có làng Quán Triều (Triều Quyến, xã Hòa Tiến), tương truyền là nơi bà Linh Từ đưa gia quyến của hoàng tộc và vợ con các tướng lĩnh về sinh sống để tránh sự tấn công truy ép của giặc Nguyên Mông. Nguồn khảo luận cho thấy: “Kỷ Mùi Thiệu Long năm thứ 2 (1259), (Tống Khai Khánh năm thứ 1), mùa xuân, tháng Giêng, Linh từ quốc mẫu Trần Thị (Dung) mất”. Khảo luận cho biết thêm: Khi mất bà được Hoàng tộc nhà Trần đưa về chôn cất tại làng Phù Ngự. Sử cũ chép: Từ đất Phù Ngự, hương Tinh Cương, Trần Thị Dung lên kinh thành sát cánh cùng Trần Thủ Độ góp phần mở nghiệp nhà Trần. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Trời sinh Linh từ cốt để mở nghiệp nhà Trần”.

Trở lại người bên cạnh Linh từ cuối đời, Thái sư Trần Thủ Độ, một con người tài ba, thao lược cả về chính trị, quân sự và xây dựng tiềm lực kinh tế nhà Trần, nhất là sau khi Trần Tự Khánh chết (1223), Trần Thủ Độ là người kế tục một cách xuất sắc sự nghiệp toan tính chuyển ngôi báu từ vương triều nhà mạt Lý về tay nhà Trần, cuộc chuyển giao không “mũi tên, hòn đạn” với màn nhường ngôi vua của Lý Chiêu Hoàng cho chồng là Trần Cảnh vào cuối thời Lý (1225). Các nguồn khảo luận cho rằng, khi còn sống, Trần Thủ Độ là người nắm thực quyền và là linh hồn của vương triều Trần. Sử chép: “Thủ Độ tuy làm Tể tướng nhưng mọi việc không việc gì là không để ý tới”. Bằng chứng, khi Trần Cảnh bị ép lấy chị dâu (vợ Trần Liễu), liền bỏ lên Yên Tử, Trần Thủ Độ chỉ nói: “Vua ở đâu thì kinh thành ở đó” mà Trần Cảnh phải quay về kinh thành. Trần Thủ Độ và vương triều Trần đã sớm nhận ra sự yếu kém về kinh tế của nhà nước Đại Việt dưới thời Lý Huệ Tông, vì thế ông đã tiến hành cho phép chuyển công hữu thành tư hữu. Nguồn khảo luận cho biết, Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh chính trị nên xử lý việc gì cũng thẳng thắn, ít khi để cho tình cảm sai khiến. Ông là người luôn đặt lợi ích của dòng họ Đông A lên trên và là nhân vật trụ cột thực hiện thành công ý tưởng đưa vương triều Lý “sang tay” triều Trần mà Trần Tự Khánh trước đây thường ấp ủ nhưng không thực hiện được. Sử liệu khẳng định: Trần Thủ Độ là một đại công thần, là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước những năm đầu thời kỳ nhà Trần. Ngoài sự nghiệp gây dựng nghiệp đế của họ Trần và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia Đại Việt từ đống tro tàn của triều Lý vào thế kỷ XIII, vương triều Trần còn ghi nhận những chiến công oanh liệt của ông góp phần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất (1258). Câu nói bất hủ của ông thể hiện ý chí của người anh hùng: “Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”.

Trần Thủ Độ, người có công đầu sáng lập triều Trần, cũng là người có công đầu bảo vệ nhà Trần. Bằng mưu trí mà Trần Thủ Độ mượn được tay Nguyễn Nộn ám toán được Đoàn Thượng. Bằng uy dũng ông ép được Nguyễn Nộn đầu hàng, mặt Tây ổn định được Quảng Oai, phía Nam bình định được Đại Viễn. Ông là đại thần trong triều nhưng khuyến khích người nói thẳng. Có người hặc tấu với vua “... Thủ Độ lấn át cả vua”, ông lấy tiền, lụa thưởng cho người ấy. Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung khi làm vợ ông có lần đi qua thềm cấm trong cung bị bọn quân hiệu khinh nhờn”, ông gọi đến khen “người ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”, lại lấy vàng lụa thưởng cho. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép, triều đình tuyển dụng, sử dụng nhân tài, ông cũng hết lòng vì việc nước, nên có lần vua Trần Thái Tông muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng, ông tấu lên vua: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”.

Quang Viện