Thứ 5, 16/05/2024, 09:02[GMT+7]

Giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho học sinh

Thứ 6, 27/04/2018 | 09:26:43
1,846 lượt xem
Gặp gỡ nhân chứng lịch sử; thăm di tích cách mạng; tặng quà gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng… là những hoạt động được các trường tổ chức thường xuyên để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho học sinh.

Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các trường học trong tỉnh. Trong các kế hoạch hoạt động cụ thể của các trường, đặc biệt là trong chương trình công tác của tổ chức đoàn, đội dù bất kỳ ở cấp nào, bất kỳ thời điểm nào và quy mô đến đâu, một trong những nội dung được đặc biệt chú trọng là giáo dục truyền thống cho thanh niên. 

Nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, các trường đã tổ chức các hoạt động như: viết bài tìm hiểu, trao đổi tọa đàm, nghe nói chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm... Qua đó, giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ. 

Ngoài ra, các trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức cho học sinh gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử... Thông qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, lý tưởng, hoài bão cho tuổi trẻ, từ đó củng cố niềm tin vững chắc vào con đường, sự nghiệp cách mạng Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Vừa qua, tại Thái Thụy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức hội nghị trực tuyến về giảng dạy học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường. Phòng đã chọn Trường THCS Thái Phúc là điểm cầu chính, đồng thời kết nối với 7 điểm cầu khác đặt tại 7 trường với sự tham gia của các thầy cô giáo tổ khoa học xã hội và giáo viên tổng phụ trách của 48 trường THCS trong huyện cùng các em học sinh Trường THCS Thái Phúc. Tại hội nghị, các thầy cô giáo và các em học sinh đã được nghe thầy giáo Vũ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Hồng thực hành bài giảng “Nghĩa nặng tình sâu” trong cuốn Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống lớp 6. Qua câu chuyện “Nghĩa nặng tình sâu”, các em học sinh đã cảm nhận ở Bác một phong cách sống hết sức giản dị, Người luôn gần gũi, quan tâm đến người khác và hơn hết là tình yêu quê hương tha thiết. Hình ảnh làng Chùa quê mẹ, làng Sen quê cha, đỉnh núi Chung, hàng rào râm bụt trước nhà, vườn cây ăn trái, tình bạn thả diều, câu cá thuở thiếu thời..., tất cả in sâu trong ký ức của Bác và cho đến trước lúc đi xa Người vẫn day dứt khôn nguôi nỗi niềm thương nhớ, đau đáu muốn nghe một câu hò, điệu ví quê hương... Bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy và học tích cực; sử dụng hiệu quả phương tiện, tư liệu và đồ dùng dạy học, đặc biệt bộ tranh cát kể chuyện thăm quê của Bác, tiết dạy đã thành công trong việc giúp học sinh hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ông Bùi Đức Thụy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Bài học đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho các em; giáo dục các em biết yêu thương, quý trọng gia đình, tình làng nghĩa xóm, biết trân trọng, gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương, tự hào và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.

Tại Vũ Thư, hoạt động nói chuyện truyền thống được thực hiện từ nhiều năm nay, mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, nhân ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các trường đã mời nhân chứng lịch sử đến trường để kể cho các em học sinh nghe truyền thống hào hùng của dân tộc, tinh thần đoàn kết, chiến đấu đến cùng để bảo vệ quê hương, đất nước của quân và dân ta. 

Vừa qua, Trường THCS Hiệp Hòa phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên xã tổ chức buổi nói chuyện về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh. Tại buổi nói chuyện, các em học sinh đã được nghe kể về truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hơn 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đã làm nên nhiều chiến công vang dội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THCS Hiệp Hòa, buổi nói chuyện đã giúp các em học sinh hiểu thêm về truyền thống cách mạng, những chiến công vang dội của quân và dân ta. Buổi nói chuyện thực sự đã khiến các em học sinh thấy tự hào hơn về truyền thống dân tộc, từ đó thúc đẩy các em có thêm niềm tin, động lực phấn đấu.

Đặng Anh