Thứ 7, 11/05/2024, 19:45[GMT+7]

Nơi hồi sinh những trái tim

Chủ nhật, 03/02/2019 | 16:44:34
1,278 lượt xem
Có những trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu lúc nửa đêm, có khi là sáng sớm, ngày nghỉ, dù thời gian nào các bác sĩ Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn luôn sẵn sàng để kịp thời cứu bệnh nhân. Bởi hơn lúc nào hết, họ hiểu rõ tình trạng nguy cấp cần phải chạy đua với thời gian khi cấp cứu bệnh nhân tim nặng. Nhờ vậy, nhiều người đã ngừng tim, ngừng thở vẫn được các bác sĩ giúp hồi sinh sự sống.

Kỳ tích “chết đi sống lại”

Trong rất nhiều bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp giành giật sự sống từ tay thần chết, phải kể đến một trường hợp khá hy hữu bởi là bệnh nặng nhất trong các bệnh nhân nặng, có thời gian ngừng tim và cấp cứu lâu nhất, đó là ông Nguyễn Tri Phương, 54 tuổi (xã Tân Bình, thành phố Thái Bình). Chiều tối ngày 23/12, ông Phương được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng cơ thể tím tái, ngực đau thắt dữ dội, khó thở, chóng mặt, buồn nôn. Các bác sĩ Khoa Nội tim mạch xác định tình trạng bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3 và chỉ định cần chụp mạch ngay xác định đoạn mạch bị tắc để can thiệp thông mạch gấp. Tuy nhiên, gia đình nhất quyết xin chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trung ương và gọi xe cấp cứu. Song may mắn khi xe cấp cứu đã đến cửa Khoa, chưa kịp chuyển ra xe thì bệnh nhân lên cơn rung thất và ngừng tim hoàn toàn ngay tại phòng cấp cứu. Lập tức thuốc, máy móc thiết bị và nhân lực có mặt tại Khoa được huy động cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ được các bác sĩ kiên trì thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng trợ thở qua nội khí quản song bệnh nhân vẫn không tỉnh lại. Trong khi bệnh nhân vẫn liên tục được chỉ huy cấp cứu, bác sĩ và người nhà đã thống nhất nhanh phương án “còn nước còn tát” cuối cùng. Đó là vừa cấp cứu tuần hoàn vừa thực hiện can thiệp tim mạch mặc dù biết là phương án này mạo hiểm, tỷ lệ thành công thấp, tia hy vọng cứu sống bệnh nhân rất mong manh. Song với sự đồng lòng quyết tâm của cả ê kíp, bệnh nhân vẫn được chuyển lên phòng can thiệp trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở. Sau gần 2 giờ tập trung cao độ và căng thẳng chạy đua với thời gian, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca can thiệp vào đúng thời khắc nửa đêm. Ngay sau khi được thông tuần hoàn, bệnh nhân đã tỉnh lại trong niềm vui vỡ òa của y bác sĩ và người nhà bệnh nhân.

Nơi hồi sinh những trái tim

Tim mạch là một trong những bệnh lý nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cả ở Việt Nam và trên thế giới. Những năm gần đây, số người mắc bệnh tim mạch phải nhập viện điều trị ngày càng gia tăng song đáng báo động là gia tăng số bệnh nhân nặng và ngày càng trẻ hóa. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp, nghìn cân treo sợi tóc bởi nhồi máu cơ tim, suy tim, phình vỡ động mạch chủ và các rối loạn nhịp phức tạp. Trước đây, những bệnh nhân tim nặng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa điều trị được đều phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trung ương. Do phải vận chuyển quãng đường xa mất nhiều thời gian, tình trạng bệnh nguy kịch nên tỷ lệ bệnh nhân tử vong và tàn phế cao. Song gần đây, với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị hiện đại, nhiều kỹ thuật mới chuyên ngành tim mạch đã được các bác sĩ triển khai thường quy tại Bệnh viện. Tính trong năm 2018, Khoa Nội tim mạch tiếp nhận, điều trị cho 12.695 bệnh nhân nặng, thực hiện thủ thuật 11.321 ca. Sau hơn 1 năm triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch, đã có gần 800 bệnh nhân được chụp và can thiệp mạch vành. Ngoài ra Khoa còn triển khai thêm được nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, giúp người bệnh được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện tỉnh mà không phải chuyển tuyến lên các bệnh viện trung ương như trước đây. Trong đó, đã có 20 bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, 12 bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, 30 bệnh nhân được điều trị suy tĩnh mạch...

Chỉ trong hơn 1 năm khai trương đưa Đơn vị Can thiệp tim mạch đi vào hoạt động, các bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã hết lần này đến lần khác lập kỳ tích cứu sống người bệnh từ cõi chết trở về, được đông đảo cán bộ, nhân dân ghi nhận, ngợi khen. Song bên cạnh những thành tích, do đặc thù mặt bệnh cấp cứu tim mạch là chạy đua với thời gian, bởi “thời gian là vàng và cơ tim là sự sống”, không ít lần các bác sĩ đã phải mạo hiểm, không sợ quy trách nhiệm để có thể kịp thời cứu bệnh nhân trong khung giờ vàng cấp cứu. Bởi những người thầy thuốc ấy không thể thấy bệnh nhân chết trước mắt mà không cứu chỉ vì những đắn đo về chi phí và thiếu tin tưởng của người nhà người bệnh. Vượt qua những khó khăn ấy, chỉ cần mỗi bệnh nhân được cứu sống trở lại và duy trì sống khỏe là niềm vui mừng, hạnh phúc, là động lực để tập thể Khoa tiếp tục nỗ lực phấn đấu. Cũng chính từ việc ghi nhận nhiệt huyết và kết quả hoạt động, nhiều người nể phục tài năng, tâm huyết của các bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã yêu mến gọi cán bộ y tế nơi đây là những người hồi sinh sự sống, gọi Khoa Nội tim mạch là “Nơi hồi sinh những trái tim”.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế


Khoa Nội Tim mạch đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, nâng tầm bệnh viện và vị thế ngành Y tế Thái Bình, đưa Thái Bình là địa phương tiêu biểu trong lĩnh vực can thiệp tim mạch nói chung, thực hiện các kỹ thuật mới, chuyên sâu nói riêng, đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người dân. Trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu, thực hiện tốt kế hoạch phát triển của Bệnh viện và của ngành, trong đó sớm thành lập đưa Trung tâm Tim mạch đi vào hoạt động.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trung, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Cán bộ, y bác sĩ trong Khoa đều tâm huyết, yêu nghề, tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, áp dụng hiệu quả các kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh tim mạch, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Rất mong thời gian tới Khoa tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của ngành, của Bệnh viện để có bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng Bệnh viện và ngành Y tế ngày càng vững mạnh.

Bệnh nhân Đỗ Thị Cậy, 73 tuổi, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy)

Tôi bị bệnh tim, được chuyển viện từ bệnh viện tuyến huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. May mắn khi lên đến Bệnh viện tôi mới bị lên cơn nhồi máu cơ tim nên được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Tỉnh dậy, nghe các con kể là tôi “đã chết” song được các bác sĩ tích cực giúp hồi sinh sự sống. Tôi thấy mình rất may mắn. Chẳng biết nói gì hơn, tôi cùng các con cháu xin được cảm ơn các y bác sĩ đã mang lại niềm vui, hạnh phúc và mùa xuân cho gia đình tôi.

Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày