Thứ 6, 10/05/2024, 08:42[GMT+7]

Hà Nội: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 03/04/2019 | 08:38:27
748 lượt xem
Sau khi các địa phương hoàn thành dồn điền đổi thửa, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội có chuyển biến, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Ðể khắc phục hạn chế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Ðức Phát (huyện Thanh Trì).

Những ngày này, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố Hà Nội rất lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này đã xuất hiện tại 107 hộ chăn nuôi, ở 54 thôn, tổ dân phố của 30 xã, phường, thuộc 10 quận, huyện phải tiêu hủy gần 2.100 con lợn, với tổng trọng lượng gần 140 tấn, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, mặc dù thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi từ cuối năm 2018, nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh dịch trên đàn vật nuôi, trong đó có dịch tả lợn châu Phi rất khó kiểm soát bởi tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 60%; mật độ chăn nuôi lớn và nằm đan xen trong khu dân cư; các hộ chăn nuôi không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Cùng với đó, các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít, hoạt động giết mổ vẫn nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y.

Lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật cũng còn không ít hạn chế. Sau khi cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch lại ruộng đất, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cụ thể, các địa phương đã chuyển đổi được gần 35 nghìn héc-ta đất, gồm hơn 13 nghìn héc-ta trồng lúa chất lượng cao, gần bảy nghìn héc-ta trồng cây ăn quả, gần ba nghìn héc-ta trồng rau an toàn. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của thành phố đến năm 2018 còn hơn 251 nghìn héc-ta, giảm khoảng 7% so với năm trước, khi các địa phương tiếp tục chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng rau xanh, hoa. Tổng diện tích trồng cây lâu năm tăng, nhưng tình trạng khó tiêu thụ nông sản, được mùa, mất giá vẫn thường xuyên xảy ra. Thành phố tiếp tục duy trì hơn năm nghìn héc-ta đất sản xuất đủ điều kiện trồng rau an toàn và lực lượng chuyên môn tăng cường kiểm tra các vùng sản xuất rau an toàn, nhưng vẫn còn xảy ra một số vi phạm về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.

Ðến nay thành phố có 127 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gồm các mô hình sản xuất rau, nấm, hoa, chăn nuôi bò sữa… Sản phẩm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất mà còn góp phần nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân. Cùng với đó, thành phố đã phát triển được hơn 120 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có hơn 50 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, gần 70 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi liên kết này đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, chất lượng, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn ít và ở quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, giá trị ngành sản xuất nông nghiệp tăng, đời sống nông dân được cải thiện nhưng chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của nông nghiệp Thủ đô. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn chậm. Nhiều diện tích đất sản xuất kém năng suất, hiệu quả kinh tế chưa được chuyển đổi kịp thời. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Việc hợp tác, liên kết sản xuất của nông dân hạn chế. Người dân chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất.

Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến; hình thành các liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị. Tăng cường thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Tập trung cơ cấu lại ngành chăn nuôi từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang phát triển trang trại, gia trại xa khu dân cư; tăng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để sản phẩm có chất lượng, đầu ra ổn định.

Hy vọng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sớm khắc phục hạn chế do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo đột phá mới, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo nhandan.com.vn