Thứ 6, 17/05/2024, 18:53[GMT+7]

Chọn trường, chọn nghề - không chỉ của riêng học sinh

Thứ 2, 22/04/2019 | 08:36:10
985 lượt xem
Ngày 20/4, các em học sinh khối 12 và thí sinh tự do kết thúc việc nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm nay. Bên cạnh việc tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, vấn đề “trường nào, ngành gì” cũng đang được học sinh và các gia đình đặc biệt quan tâm.

Hội đồng hương sinh viên Thái Bình tại Hà Nội tư vấn mùa thi, nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT Lý Bôn.

Trường nghề lên ngôi
Chia sẻ về lựa chọn học nghề, em Trần Đức Bình, Trường THPT Lê Quý Đôn tâm sự: Chị em trước kia học lực giỏi, thi đỗ một trường đại học có tiếng, ra trường với tấm bằng loại khá thế nhưng chị cũng phải cất tấm bằng đi, nộp hồ sơ xin việc vào một công ty may tại địa phương. Chị bảo nếu nộp bằng đại học công ty sẽ không nhận vì sợ mình không kiên định với công việc. Em thấy những trường nghề chất lượng cao thu hút rất đông học sinh tìm hiểu. Trong một lần tham gia buổi tư vấn tuyển sinh tại trường, em đã thay đổi quyết định của mình đó là sẽ nộp nguyện vọng vào một số trường nghề chất lượng cao. Chia sẻ của Bình cũng là tâm trạng chung của khá nhiều học sinh hiện nay bởi nhiều em đã xác định đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.

Vừa qua, Báo Thái Bình đã tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến về mùa thi, định hướng nghề nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình, thu hút hàng nghìn lượt xem. Bên cạnh những câu hỏi về ngành Y thì cũng có rất nhiều câu hỏi dành cho ông Phạm Anh Khang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình. Phần lớn các câu hỏi liên quan đến việc học ngành gì để ra trường dễ kiếm được việc làm và nhà trường có hỗ trợ học sinh tìm việc làm khi ra trường không. Giải đáp băn khoăn của các học sinh, ông Phạm Anh Khang chia sẻ: Hiện nay, ngoài cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đội ngũ giáo viên tâm huyết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn, nhà trường đang đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp để tạo môi trường thực tập cho tất cả học sinh đồng thời giới thiệu việc làm khi các em ra trường.

Cần nhiều chương trình định hướng nghề nghiệp

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Công ty TNHH MTV Hợp tác quốc tế xây lắp 3 tổ chức chương trình “Tư vấn định hướng nghề nghiệp” cho hơn 1.500 học sinh tại Trường THPT Chu Văn An. Tại chương trình, các em được truyền đạt xu hướng phát triển của các ngành nghề trong thời gian tới cũng như thông tin thị trường lao động, chính sách về việc làm và các hoạt động đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp trong nước. Đồng thời, các chuyên gia cũng giải đáp các thắc mắc về cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh góp phần giúp các em học sinh có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn cho mình một ngành nghề, một hướng đi phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân và xu hướng phát triển của xã hội. Đây là một trong những hoạt động thiết thực góp phần định hướng cho thanh niên có những quyết định đúng đắn cho tương lai, tạo cơ hội được học nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp với mức thu nhập ổn định.

Phát biểu tại hội nghị Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đầu tháng 4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, các địa phương đã thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tuy nhiên, cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác này, đặc biệt là các nhà trường mà trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm trong công tác phân luồng học sinh ngay từ năm lớp 10 và hàng năm phải tổ chức nhiều hơn nữa những buổi định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Để làm tốt công tác này, cần sự vào cuộc của cả gia đình học sinh và các tổ chức xã hội. Quan trọng hơn, không chỉ các trường THPT mà các trường THCS cũng cần chú trọng việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9.

Bên cạnh hoạt động của các trường học, đoàn, hội, để học sinh có những định hướng, quyết định đúng đắn cho tương lai, những tư vấn của gia đình mà trực tiếp là bố mẹ cũng rất cần thiết. Đó là cơ sở để các em tự tin bước vào môi trường giáo dục mới, phù hợp với bản thân.

Đặng Anh