Thứ 2, 29/04/2024, 01:56[GMT+7]

Tết ông Công ông Táo: Cùng người trẻ bảo vệ môi trường

Thứ 6, 02/02/2024 | 16:05:01
14,639 lượt xem
Ngày 23 tháng Chạp – tết ông Công ông Táo luôn là ngày lễ quan trọng trong năm, khởi đầu cho mùa tết Nguyên đán. Giữa nhịp sống hối hả thường nhật, ngày tết này vẫn luôn được gìn giữ nhằm bảo lưu nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Các tiểu thương tất bật chuẩn bị các mặt hàng trong ngày tết ông Công ông Táo.

Tất bật cho ngày lễ cổ truyền

Theo quan niệm của người Việt từ xưa tới nay, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt cũng như chưa tốt của con người trong một năm. Đến đêm giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi vậy, một trong những mặt hàng được lựa chọn mua sắm nhiều nhất vào ngày này luôn là cá chép đỏ.

Năm nay, theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, dù giá cá chép không tăng nhưng vẫn bán khá chậm.

Tất bật tại chợ từ hơn 4h sáng, dù đã lựa chọn vị trí thuận lợi và nhiệt tình chào hỏi khách hàng, bà Bùi Thị Bé, tiểu thương chợ Đề Thám (thành phố Thái Bình) cho biết lượng cá bán ra vẫn khá khiêm tốn, ít hơn nhiều so với kỳ vọng của bà: “Mọi năm bán được tốt hơn năm nay, dù giá cá đã giảm hơn nhiều năm khác nhưng chủ yếu khách mua cá nhỏ, cá to ít người mua.”

Cá chép đỏ là mặt hàng không thể thiếu vào ngày tết ông Công ông Táo.

Cũng giống như bà Bé, nhiều tiểu thương khác cho biết chủ yếu loại cá chép đỏ được mua là loại nhỏ, dao động từ 35 – 40 con/1kg, giá bán từ 20.000 đồng/3 con. Những loại cá chép đỏ to, thường được ưa chuộng như nhiều năm trước, có giá từ 50.000 – 100.000 đồng/con hiếm người hỏi mua.

Theo bà Bé, một trong những nguyên nhân khiến lượng bán ra cá chép đỏ giảm là năm nay các loại xôi, bánh, thạch hình cá chép được nhiều người trẻ đón nhận hơn. Tuy nhiên, nhận định chung của các tiểu thương tại chợ là sức mua mọi mặt hàng đều không tăng cao.

Dự đoán trước tình hình, dịp tết ông Công ông Táo năm nay, cửa hàng hoa tươi của gia đình ông Trần Văn Dinh, tiểu thương chợ Đề Thám đã chuẩn bị đa dạng các loại sản phẩm với nhiều mức giá. Ông Dinh chia sẻ: Phục vụ tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi trồng vài vạn hoa, chủ yếu là hoa hồng, hoa cúc, hoa dơn đỏ… Nhưng ngay từ ngày tết ông Công ông Táo, đa phần những bó to từ 70.000 – 100.000 đồng dù đều đã được chuẩn bị nhưng lượng bán ra không nhiều.

Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống, mặt hàng được quan tâm trong dịp tết ông Công ông Táo năm nay là xôi có hình cá chép đỏ. Các tiểu thương chia sẻ: Tết ông Công ông Táo năm nay không vào ngày nghỉ, ít thời gian chuẩn bị hơn so với dịp cuối tuần nên các thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu đã được chế biến sẵn như xôi, giò, bánh chưng… khá được ưa chuộng.

Cùng người trẻ bảo vệ môi trường

Dù lượng cá có giảm so với mọi năm nhưng không khí nhộn nhịp tại bờ sông Trà Lý (thành phố Thái Bình) - địa điểm thả cá tiễn ông Công ông Táo, không hề giảm bớt. So với nhiều năm trước, năm nay điều đáng mừng là tình trạng thả cá từ trên thành cầu, vứt túi nilon bừa bãi hay chích điện cá vừa được thả đã không còn. Sự vào cuộc tích cực của đoàn viên thanh niên Thành đoàn Thái Bình, đặc biệt trong đó là các đoàn viên thanh niên phường Lê Hồng Phong với chiến dịch thả cá không thả túi nilon đã thiết thực nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người đi thả cá trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều người dân không sử dụng túi nilon để đựng cá, chủ động để rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, năm nay tại bờ sông Trà Lý cũng có thêm dịch vụ thuyền hỗ trợ thả cá ở giữa dòng sông. 

Dịch vụ hỗ trợ thả cá giữa dòng sông trong ngày tết ông Công ông Táo.

Cùng con gái đi thả cá, chị Nguyễn Nhật Phương (thành phố Thái Bình) hồ hởi cho biết năm nào chị cũng lưu lại hình ảnh đi thả cá của các con, chị chia sẻ: Năm nào tôi cũng cho các con đi thả cá tiễn ông Công ông Táo vì đây là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc. Thay vì sử dụng túi nilon, nhà tôi cũng đựng cá trong bình, xong, nồi… để tránh gây ô nhiễm môi trường và năm nào cũng cho các con cẩn thận, tận tay thả từng con cá một. Tôi nghĩ rằng truyền thống này cần phải lưu truyền cho các thế hệ sau nữa.

Các đoàn viên thanh niên tích cực thu gom, phân loại rác thải tại địa điểm thả cá.

Dù tất bật thu gom, phân loại rác nhưng em Nguyễn Thị Hồng Anh, Đoàn thanh niên phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình), một trong những tình nguyện viên túc trực tại bờ sông Trà Lý trong cả buổi sáng ngày tiễn ông Công ông Táo hào hứng cho biết: Em rất vui vì mọi người đến thả cá đều chia sẻ với công việc của các tình nguyện viên, nhiều người nói rằng đây là hoạt động rất ý nghĩa và các đoàn viên thanh niên nên nhân rộng những chiến dịch bảo vệ môi trường nhiều hơn.

Vượt ra khỏi ý nghĩa của ngày tết ông Công ông Táo, xét từ góc độ Phật giáo, phóng sinh cá chép thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta. Xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Mong rằng mỗi người dân luôn gìn giữ và phát huy nét đẹp cổ truyền phóng sinh cá chép trong ngày 23 tháng Chạp song hành với ý thức bảo vệ môi trường, giữ cho các dòng sông thêm sạch, đẹp.

Tú Anh