Chủ nhật, 28/04/2024, 03:16[GMT+7]

Liên Hiệp: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 6, 10/11/2023 | 09:32:24
16,129 lượt xem
Ngay sau khi về đích NTM năm 2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liên Hiệp (Hưng Hà) tiếp tục tập trung mọi nguồn lực củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nỗ lực phấn đấu về đích NTM nâng cao theo đúng lộ trình.

Cơ sở may túi siêu thị xuất khẩu của chị Nguyễn Mai Phương, thôn Nứa, xã Liên Hiệp (Hưng Hà) tạo việc làm cho hơn 30 lao động.

Qua rà soát, đến nay xã Liên Hiệp hoàn thành 15/19 tiêu chí, 4 tiêu chí chưa hoàn thiện gồm tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí số 10 về thu nhập; tiêu chí số 12 về lao động; tiêu chí số 17 về môi trường. Để hoàn thành các tiêu chí trên, xã cần tổng nguồn lực ước tính 50 tỷ đồng, cân đối ngân sách xã hiện còn thiếu 25 tỷ đồng, đây là nguồn kinh phí lớn, rất khó huy động. Để kịp tiến độ về đích NTM nâng cao vào quý I/2024, thời gian qua, xã đã huy động mọi nguồn lực hoàn thành xây dựng Trạm Y tế xã và nhà hiệu bộ, nhà đa năng Trường Tiểu học và THCS với trị giá gần 19 tỷ đồng; xây dựng 2,8km đường giao thông nội đồng, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường trục chính của xã và 4 nhà văn hóa các thôn: Nứa, Khuốc, Chiêm, Bái. Ngoài ra, xã còn quy hoạch vùng sản xuất lúa giống gồm 2ha để xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Đặng Văn Nhuệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu là tiêu chí cần nhiều kinh phí, vì vậy địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cùng với những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM của địa phương, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, nhân lên sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM nâng cao. Xác định khối lượng công việc còn nhiều, bên cạnh sự hỗ trợ của cấp trên, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại từng nội dung nhỏ trong từng tiêu chí để có lộ trình thực hiện cụ thể; tiến hành rà soát nhu cầu của hộ nghèo để hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các lớp đào tạo nghề, thu hút doanh nghiệp về địa phương đầu tư, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

Xác định sản xuất tiểu thủ công nghiệp là khâu đột phá có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xã động viên, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô sản xuất; giao các ban, ngành, đoàn thể đứng ra tín chấp với các ngân hàng gần 20 tỷ đồng để giúp các hộ vay đầu tư sản xuất. Đến nay toàn xã có 20 xưởng may khăn, túi xách xuất khẩu, 3 xưởng mộc lớn... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 46% giá trị sản xuất toàn xã. 

Điển hình như cơ sở may túi siêu thị xuất khẩu của bà Nguyễn Mai Phương, thôn Nứa đang tạo việc làm cho 25 lao động làm việc tại xưởng, 10 lao động làm việc tại nhà với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Phương chia sẻ: Nhận thấy địa phương có nhiều lao động nữ vẫn thiếu việc làm trong lúc nông nhàn, nhất là phụ nữ trung tuổi nên tôi quyết định mở xưởng để tạo việc làm cho chị em. Công việc may túi không quá phức tạp, chỉ cần học trong khoảng một tuần là người lao động có thể nắm được các kỹ thuật may cơ bản mà lại có thu nhập ổn định. Hiện nay tôi đang tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết với các công ty để nhận nguyên liệu về sản xuất, duy trì nghề và tăng thu nhập cho chị em. Chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ vào xây dựng NTM nâng cao ở địa phương.

Anh Đồng Quang Tình, thôn Chiêm là một trong những thanh niên mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và vận động bà con xung quanh cho thuê lại ruộng để xây dựng mô hình trồng cam canh kết hợp trồng bưởi diễn, nuôi gà với diện tích trên 3 mẫu. Từ mô hình này anh Tình thu về gần 200 triệu đồng/năm. 

Anh Tình cho biết: Nhờ xây dựng NTM nâng cao nên chúng tôi có cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, đường sá rộng rãi, khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao thương. Nhờ đó mà mô hình trồng cam canh của gia đình tôi được nhiều người biết đến. Bản thân tôi rất phấn khởi vì mình đã góp một phần nhỏ trong công cuộc xây dựng quê hương.

Bên cạnh đó, xã Liên Hiệp còn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH.67 với chiều dài 1,5km, đây là con đường huyết mạch của xã hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn sau khi hoàn thành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Bà Lương Thị Nguyễn, thôn Nứa cho biết: Toàn thôn có 26 hộ trong diện giải phóng mặt bằng đều đồng tình ủng hộ để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường. Khi tuyến đường hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, buôn bán, các cháu đi học không còn vất vả nữa. Người dân ai cũng vui mừng vì đường chuẩn bị đưa vào sử dụng. Có đường mới, chúng tôi cùng nhau chỉnh trang nhà cửa, cuộc sống nhộn nhịp hẳn lên.

Ông Lương Văn Khiến, Bí thư Chi bộ thôn Nứa cho biết: Thôn Nứa có dân số đông nhất, địa bàn rộng nhất xã. Quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, mỗi hộ dân trong thôn đã đóng góp, ủng hộ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để cứng hóa, mở rộng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường thôn, xóm. Ngoài ra, nhân dân trong thôn còn tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trong đó có 6 cơ sở sản xuất lớn đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 51 triệu đồng/năm.

Với những bước đi, cách làm sáng tạo, tin rằng xã Liên Hiệp sẽ về đích NTM nâng cao theo đúng lộ trình.

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường ĐH.67.

Thanh Thủy


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày