Thứ 5, 16/05/2024, 05:33[GMT+7]

Học và làm theo Bác bằng cả trái tim

Chủ nhật, 31/12/2017 | 19:47:19
975 lượt xem
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Những điển hình trong học tập và làm theo gương Bác dù khác nhau về hoàn cảnh sống, nghề nghiệp, tuổi tác nhưng đều có chung tấm lòng kính yêu Bác, học và làm theo gương Bác từ những điều giản dị nhất.

Hàng cây keo do ông Trọng và Chi hội Người cao tuổi thôn Sài trồng và chăm sóc giờ đã rợp bóng mát.

Về xã An Quý (Quỳnh Phụ), hỏi thăm ông Mai Đức Trọng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Sài, ai cũng hết lời ca ngợi và tỏ lòng kính trọng trước nhân cách và tinh thần cống hiến hết mình cho việc làng, việc nước của trung tá quân đội về hưu. Ông Nguyễn Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã cho biết: Mặc dù đã bước sang tuổi 81 song bác Trọng luôn nhiệt tình, cống hiến cho quê hương. Khi còn trẻ ông là cán bộ cách mạng kiên trung. Lúc về hưu ông là cán bộ hưu trí có uy tín qua nhiều hoạt động hỗ trợ địa phương. Ông là người gây dựng phong trào hội cựu chiến binh của xã từ những ngày đầu thành lập; ngoài ra, ông còn làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau khi nghỉ công tác ở xã, ông tiếp tục tham gia công tác ở thôn. Mỗi việc ông làm đều xuất phát từ cái tâm trong sáng của Bộ đội Cụ Hồ. Cách đây 5 năm, ông đảm nhận cương vị Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Sài. Phong trào người cao tuổi thôn Sài từ đó không ngừng phát triển. Từ 50 hội viên ban đầu, hiện nay Chi hội có 165 hội viên, nền nếp chế độ sinh hoạt được duy trì đều đặn. Để gây dựng quỹ toàn dân chăm sóc người cao tuổi của thôn, ông vận động bà con ủng hộ, từ nguồn kinh phí đó hàng năm tặng hàng chục suất quà cho những đối tượng khó khăn. Ngoài ra, ông còn tham mưu cho thôn thành lập và ra mắt câu lạc bộ phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của người cao tuổi. Các câu lạc bộ của Chi hội Người cao tuổi thôn Sài luôn hoạt động nền nếp, hiệu quả. Bên cạnh đó, ông còn huy động hội viên trong Chi hội thường xuyên tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ thôn và nơi công cộng, trồng cây xanh tạo cảnh quan và giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời, tích cực tham gia ý kiến, tham mưu nhiều giải pháp để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, góp phần xây dựng Chi bộ, chính quyền, Ban công tác mặt trận thôn và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Đi trên con đường dài rợp bóng cây keo, ông Trọng tự hào chia sẻ: Đây là 400 cây keo mà tôi cùng các hội viên cao tuổi của thôn trồng cách đây ba năm. Sau bao ngày vun trồng chăm sóc hàng cây mới được như hôm nay. Là người trưởng thành trong quân đội, tôi luôn tự dặn mình phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Bác Hồ ngày trước hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước. Học theo Bác, chỉ cần ngày nào còn sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho quê hương.

Ông Cát (người bên phải) thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân.

Cùng chung tinh thần cống hiến như ông Trọng là ông Hoàng Đăng Cát, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy, báo cáo viên Đảng bộ xã Thái Giang (Thái Thụy). Sinh năm 1954, ông Cát từng có 22 năm công tác tại xã, trước khi về hưu ông giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Khi được các đồng chí lãnh đạo xã mời làm Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy, báo cáo viên Đảng bộ xã, ông Cát không nề hà. Ông tâm sự: Do đã từng công tác, cống hiến cho phong trào địa phương nhiều năm nên bản thân có nhiều kinh nghiệm, đồng thời tôi cũng muốn báo đáp sự rèn luyện, tin tưởng của Đảng bộ và nhân dân nên nhận lời tiếp tục ra công tác. Làm với cái tâm là chính chứ vì đồng phụ cấp thì không bao giờ gắn bó được lâu. Thời điểm ông Cát quay lại tham gia công tác đúng lúc địa phương trong thời kỳ cao điểm xây dựng nông mới. Trên cương vị công tác mới, ông bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Ông vận dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền: tuyên truyền trong các hội nghị; viết bài tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt để nhân điển hình; đi xuống cơ sở gặp các đồng chí đảng viên cao tuổi đời, cao tuổi đảng, cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ và những người có uy tín trong các dòng họ để tìm tiếng nói chung... Nhờ vậy đã góp phần tạo được sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và nhân dân, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của địa phương mới đi đến thắng lợi. Ngoài ra, ông còn là người dẫn dắt phong trào thiện nguyện của địa phương trở thành điểm sáng của tỉnh. Nhờ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phong trào hiến máu đã lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ năm 2014 đến năm 2017 toàn xã đã có 139 lượt người đi hiến máu (riêng năm 2017 có 47 lượt, con số này từ năm 2013 trở về trước chỉ khoảng 2 - 3 lượt người). Ông Cát còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã đi tuyên truyền, vận động con em xa quê, các nhà hảo tâm để gây dựng kinh phí tặng 8 sổ gạo (mỗi sổ 120kg gạo/năm) cho hộ nghèo, đồng thời động viên, tuyên truyền giúp đỡ họ cách làm ăn vươn lên thoát nghèo. Không chỉ đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, ông Cát còn tuyên truyền, vận động được 12 người khác cùng đăng ký. Với những đóng góp cho phong trào thiện nguyện của địa phương, ông Cát được Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tôn vinh là cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động thiện nguyện. Ông tâm sự: Từ những ngày đầu đứng trong hàng ngũ của Đảng tới nay tròn 40 năm, tôi luôn noi gương Bác để sống, rèn luyện và phấn đấu đồng thời làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội.

Đi sâu tìm hiểu, chúng ta còn gặp được rất nhiều “ông Trọng”, “ông Cát” - những con người suốt đời yêu Bác, học Bác, ngày ngày vẫn không ngừng cống hiến cho quê hương. Đó cũng là những tấm gương để mỗi chúng ta cùng soi, cùng học, từ đó làm tốt hơn công việc của mình, cùng góp sức xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Anh Đào

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày