Thứ 6, 17/05/2024, 04:34[GMT+7]

Học Bác, tiết kiệm giúp người nghèo

Thứ 3, 15/05/2018 | 08:34:23
2,395 lượt xem
Cuộc sống ngày càng phát triển song trong xã hội vẫn còn những người già cả neo đơn, người khuyết tật, người mắc bệnh trọng không thể tự lao động, sản xuất. Họ cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Thái Bình bảo trợ gạo thường xuyên cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Học tập và làm theo Bác về cần, kiệm, liêm, chính, về lòng yêu nước, thương dân, yêu đồng loại, người dân cả nước nói chung, người dân Thái Bình nói riêng đã thực hành tiết kiệm, nhưng ý nghĩa hơn, đó là tiết kiệm để làm nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Từ những mô hình “hũ gạo cứu đói”, “hũ gạo kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động cách đây hơn 70 năm, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã xây dựng mô hình bảo trợ gạo hàng tháng hỗ trợ những người già cả neo đơn, người khuyết tật không thể lao động sản xuất. Dù mới được triển khai trong vài năm gần đây song với ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, mô hình đã lan tỏa rộng khắp tới các xã, thị trấn, các thôn, làng. Hiện nay, cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và hội chữ thập đỏ các huyện, thành phố, hầu hết các xã, thị trấn trong tỉnh đã thực hiện bảo trợ gạo thường xuyên cho các đối tượng. Tùy vào hoàn cảnh thực tế địa phương, số lượng người được bảo trợ khác nhau. Xã ít nhất cũng được 2 - 3 địa chỉ, xã nhiều nhất có 10 địa chỉ được bảo trợ gạo. 

Nằm trong tốp những địa phương có nhiều người được bảo trợ gạo thường xuyên đông nhất của huyện Thái Thụy, Hội Chữ thập đỏ xã Thụy Hải đã bảo trợ gạo thường xuyên cho 10 hộ đặc biệt khó khăn với mức bảo trợ 10kg/hộ/tháng. 

Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thụy Hải cho biết: Thay vì mỗi gia đình khi đi xay xát tiết kiệm những ki-lô-gam gạo để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ thập đỏ xã đã vận động xây dựng quỹ nhân đạo để có kinh phí bảo trợ gạo cho các đối tượng. Năm 2018, ngoài việc sử dụng quỹ để trao tặng quà, thực hiện cứu trợ đột xuất, Hội đã trích 15 triệu đồng mua gạo hàng tháng. Mang nhiều ý nghĩa nhân văn, mô hình bảo trợ gạo hàng tháng luôn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền, người dân địa phương. Việc rà soát, lựa chọn đối tượng minh bạch, công khai và có sự phối hợp của các cấp, ngành nên nhân dân rất tin tưởng.

Không giống như Thụy Hải, thôn Đồng Châu, xã Đông Minh (Tiền Hải) lại lựa chọn hình thức giúp đỡ người khó khăn khi gia đình có việc hiếu thông qua việc quyên góp những bơ gạo nghĩa tình. Nhiều năm nay, mỗi khi những gia đình khó khăn trong thôn có người qua đời, các ban, ngành, đoàn thể lại phát động từng hộ dân giúp đỡ. Tùy điều kiện, hoàn cảnh, người hỗ trợ gạo, người trao tiền song ít nhất cũng hỗ trợ từ 1 bơ gạo trở lên. Trung bình mỗi gia đình khó khăn có đám hiếu đều nhận được 140 - 150kg gạo. Dù giá trị kinh tế không lớn nhưng lớn hơn, mô hình đã thể hiện nét đẹp văn hóa và tình cảm gắn bó, đùm bọc trong làng xóm khi có người gặp khó khăn, hoạn nạn.

Nếu như các địa phương lựa chọn bảo trợ gạo hàng tháng hay hỗ trợ gạo trong việc hiếu thì nhiều trường học lại học theo Bác bằng cách phát động phong trào nuôi lợn đất nhân đạo. Phong trào đã giúp các em học cách tiết kiệm, đưa tiết kiệm trở thành thói quen hàng ngày thông qua những việc làm cụ thể. Không chỉ rèn luyện ý thức tiết kiệm trong mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phong trào còn hướng các em đến với những việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn. Với những đồng tiền lẻ tiết kiệm từ việc ăn sáng, lì xì tết hay bán giấy vụn, lon bia…, các em đã giúp nhiều bạn nghèo có thêm tiền mua sách, bút, quần áo.

Ngày hội mổ lợn nhân đạo Trường Tiểu học Trần Lãm (thành phố Thái Bình) thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh. Sau hơn 9 tháng “chăm sóc”, 20 chú lợn của các lớp được trang trí đẹp mắt đặt trên những chiếc mẹt nhỏ. Những ánh mắt háo hức, học sinh các khối lớp chăm chú theo dõi từng chú lợn khi được “mổ”. 

Cô giáo Chu Thị Hồng Nhật, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phong trào nuôi lợn đất nhân đạo được Trường thực hiện từ nhiều năm qua. Do công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, hiệu quả nên học sinh, phụ huynh hưởng ứng rất tích cực. Ngày hội mổ lợn nhân đạo vừa qua, nhà trường thu được hơn 14 triệu đồng, trong đó nhiều lớp “chăm sóc” lợn tốt, đạt số tiền tiết kiệm trên 2 triệu đồng như các lớp 3A1, 5A1, 1A2… Số tiền thu được từ phong trào nuôi lợn đất nhân đạo sẽ sử dụng để giúp đỡ 112 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2018 - 2019. 

Em Nguyễn Thị Hiếu, lớp 5A1 là một trong những học sinh được nhận sự hỗ trợ của nhà trường. Sinh ra trong gia đình thuộc hộ nghèo, bố mất sớm, mẹ em là lao động chính nuôi hai anh em ăn học. Con đường tới trường của Hiếu sẽ rất khó khăn nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường, xã hội. Hiếu chia sẻ: Mỗi lần được nhận quần áo, sách vở và học bổng em rất vui. Đây là động lực để em cố gắng học tập, vươn lên không phụ lòng thầy cô, bè bạn.

Ngày hội mổ lợn nhân đạo Trường Tiểu học Trần Lãm (thành phố Thái Bình).

Dù mỗi địa phương có một cách làm khác nhau song tất cả đã thực hiện hiệu quả lời dạy của Bác. Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn, các mô hình, phong trào của các địa phương, đơn vị đã đề cao tinh thần tiết kiệm, đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng. Đó cũng chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được các tầng lớp nhân dân gìn giữ, phát huy.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày